Nhằm giúp các đối tượng người cao tuổi (NCT), người khuyết tật (NKT) ở Việt Nam thuận lợi trong sinh hoạt và làm việc, tới đây, các sản phẩm thang máy nâng hạ xe lăn của Nhật Bản sẽ được đưa vào thị trường Việt Nam
Thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn sẽ giúp NCT, NCT giảm bớt khó khăn trong di chuyển |
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức buổi Tọa đàm “Khảo sát sản xuất thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn cho người cao tuổi, người khuyết tật tại Việt Nam”.
Trong bối cảnh hợp tác với các đối tác đa phương, song phương về hỗ trợ NKT đóng vai trò quan trọng, đặc biệt khi hiện nay Việt Nam có gần 8% dân số là NKT có nhu cầu trợ giúp thúc đẩy quyền của NKT. Hoạt động hợp tác quốc tế trong hỗ trợ đối tượng yếu thế, NKT được Bộ LĐ-TB&XH luôn ưu tiên. Nhật Bản là một trong những đối tác song phương có quan hệ hợp tác hiệu quả trong thời gian qua.
Khảo sát tại Nhà hát Lớn Hà Nội, JICA đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Xây dựng. Thông qua hoạt động hợp tác này, JICA mong muốn đảm bảo quyền của NKT, giúp NKT, NCT giảm bớt khó khăn trong việc di chuyển. Sản phẩm thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn có giá thành phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Để việc hợp tác đạt hiệu quả, JICA và Công ty Syntex mong muốn phía Bộ LĐ-TBXH hỗ trợ những hoạt động giới thiệu sản phẩm thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn tại Việt Nam; Hỗ trợ lựa chọn địa điểm lắp đặt sản phẩm dùng thử thang may hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn; Chia sẻ thông tin sản phẩm đến các tổ chức liên quan như Bệnh viện Chỉnh hình phục hồi chức năng, Hội NKT… Bộ Xây dựng tư vấn và hỗ trợ tìm hiểu về tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn xây dựng cơ bản đối với sản phẩm thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện Bộ Giao thông vận tải, việc hợp tác trong sản xuất sản phẩm thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn cho NCT, NKT ở Việt Nam là hoạt động rất tốt, song phía Nhật Bản cần tính đến tất cả các yếu tố sản xuất sản phẩm phục vụ 2 đối tượng trên. Bộ Giao thông vận tải đồng ý với Bộ LĐ-TB&XH để dự án sớm đi vào thực tế để nhiều người dân Việt Nam được sử dụng tiện ích này. Phía Nhật Bản cần tiếp cận với nhóm doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị thang máy để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Nếu hoạt động hợp tác thuận lợi, trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2020, đơn vị sẽ tiến hành hoạt động khảo sát, kiểm chứng thực nghiệm, lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam vào năm 2022 và đến năm 2023, sẽ đưa sản phẩm thang máy hình ghế và thang máy nâng hạ xe lăn cho NCT, NKT vào thị trường ở Việt Nam.
Theo Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi ở Việt Nam