Sẽ có Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho lao động tự do

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, tới đây Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ cho phép những người lao động không có quan hệ lao động có thể đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như các đối tượng ở khu vực chính thức. Qua đó, người lao động tự do có thể được hưởng các chế độ như người lao động có quan hệ lao động.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2021, cả nước xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn lao động làm hơn 6.600 người gặp nạn. Riêng khu vực người lao động làm việc không có hợp đồng lao động (lao động tự do) có 707 vụ tai nạn lao động (175 vụ gây chết người) làm 748 người bị nạn… Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủ công, cơ khí, thương mại dịch vụ. Các địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất là Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Dương… Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản là gần 4 nghìn tỷ đồng và hơn 116 nghìn ngày công, gần 19.000 người phải chữa trị, điều trị.

Lý giải nguyên nhân tai nạn lao động vẫn đang ở mức cao, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, từ năm 2020 tới nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải dành nhiều thời gian, tập trung chi phí, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên thiếu chú trọng đến công tác phòng ngừa, quản lý kiểm soát rủi ro tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Dự báo trong thời gian tới, việc khôi phục sản xuất, kinh doanh sẽ khiến nguy cơ mất an toàn lao động gia tăng. Do đó, các địa phương cần dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Các ngành, doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động để giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Người lao động tự do rất thiệt thòi khi không may gặp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do chưa có chính sách hỗ trợ

Ông Hà Tất Thắng cũng cho biết Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 – 2025 nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; trung bình hằng năm tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp; 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động. Đặc biệt, trên 80% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật…

Tại Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng mặc dù chính sách bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đã đi vào đời sống nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt là về Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thực tế, đang có khoảng trống về thực hiện chính sách Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với những lao động tự do. Người lao động tự do rất thiệt thòi khi gặp nạn do không được hỗ trợ đầy đủ tiền thuốc men, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết, người bị thương… Để đạt được mục tiêu mà Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 – 2025 đề ra, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định cho phép người lao động tự do có thể đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như các đối tượng ở khu vực chính thức. Để họ được hưởng các chế độ, chính sách trong trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện tại, một số quy định về mức hỗ trợ trong Luật An toàn, vệ sinh lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn thấp. Tới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh mức hỗ trợ để người lao động và thân nhân của họ đỡ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định trình Chính phủ cho phép những người lao động không có quan hệ lao động có thể đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như các đối tượng ở khu vực chính thức. Qua đó, người lao động tự do có thể được hưởng các chế độ như người lao động có quan hệ lao động”.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính sách Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động sẽ sớm được ban hành. Góp phần đảm bảo hơn cuộc sống cho người lao động tự do trong trường hợp không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp./.

Theo Báo Điện tử Dân sinh

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang