Rối loạn phổ tự kỷ có phải là một dạng khuyết tật?

(ĐHVO). Trong những năm trở lại đây, hội chứng tự kỷ đã trở thành vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Tự kỷ là chứng rối loạn phức hợp hệ thần kinh làm ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Đặc trưng bởi những khiếm khuyết, ngôn ngữ hành vi, sở thích bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại. Chiếm đa số ở trẻ em. Vậy, tự kỷ có được coi là một dạng của khuyết tật không?

Nhắc đến tự kỷ vài năm trở lại đây, chắc hẳn là không còn là xa lạ. Hằng năm, số lượng trẻ em mắc chứng tự kỷ ngày một tăng. Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng và gia đình về hội chứng tự kỷ còn nhiều thiếu sót thậm chí là sai lệch.

Tất cả những người mắc chứng tự kỷ đều khó khăn về mặt nhận thức tuy nhiên mức ảnh hưởng đến cuộc sống của họ là khác nhau. Để có thể hòa nhập cộng đồng thì cần có những chính sách phù hợp về y tế, giáo dục để người mắc hội chứng tự kỷ sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.  Do đó, việc xác định tự kỷ là một dạng khuyết tật được cụ thể hóa trong Luật Người khuyết tật có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là cơ sở pháp lý để người tự kỷ được hưởng đầy đủ các chính sách ưu tiên của Nhà nước .

Ngày càng nhiều người mắc chứng rối loạn tự kỷ (Ảnh: Nguồn Internet)

Rối loạn phổ tự kỷ là dạng khuyết tật khác

Căn cứ Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật quy định 6 dạng tật như sau:

Dạng 1. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.

Dạng 2. Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.

Dạng 3. Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.

Dạng 4. Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

Dạng 5. Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

Dạng 6. Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các dạng tật đã nêu trên.

Như vậy, Luật Người khuyết tật cũng không quy định cụ thể hội chứng tự kỷ thuộc dạng khuyết tật nào gây khó khăn trong khi áp dụng cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người mắc chứng tự kỷ đáng nhẽ ra được hưởng. Khắc phục những khiếm khuyết đó, Ngày 02/1/2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện đã quy định: Rối loạn phổ tự kỷ được xếp vào dạng khuyết tật khác. Cụ thể: tại các biểu mẫu có thông tin về dạng khuyết tật đã quy định tại mục dạng khuyết tật khác có hội chứng về rối loạn phổ tự kỷ. Đây là kết quả sau bao nỗ lực của các cấp ngành làm công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đặc biệt điều này vô cùng ảnh hưởng đối với những trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Việc được xác định rối loạn phổ tự kỷ là một dạng khuyết tật đồng nghĩa với việc trẻ tự kỷ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn, giúp các em sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Người mắc rối loạn phổ tự kỷ được hưởng những chính sách ưu đãi nào?

Việc quy định rối loạn phổ tự kỷ được coi là một dạng khuyết tật được coi là một bước tiến bộ quan trọng, tạo môi trường pháp lý, điều kiện để người mắc tiếp cận và đảm bảo quyền của người khuyết tật. Đồng thời từng bước xóa bỏ rào cản, đảm bảo cho người khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng.

Theo đó, căn cứ vào Luật Người khuyết tật, tùy vào mức độ khuyết tật nặng hay nhẹ theo kết luận của Hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật thì người khuyết tật được hưởng những chính sách về: Chăm sóc sức khỏe; Giáo dục; Dạy nghề và việc làm; Văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch; Nhà chung cư, công trình công cộng, tham gia giao thông, tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; hưởng các chế độ chính sách về bảo trợ xã hội.

Việc xác định mức độ khuyết tật được thực hiện theo Điều 18 Luật Người khuyết tật. Theo đó, gia đình có nhu cầu xác nhận mức độ khuyết tật để được hưởng những ưu đãi, chính sách thì có yêu cầu gửi lên UBND xã/phường nơi cư trú của người khuyết tật. Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày có yêu cầu, Chủ tịch BND xã/phường có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật gồm: Chủ tịch UBND xã/phường – Chủ tịch hội đồng, Trạm trưởng trạm y tế xã/phường, công chứng cấp xã phụ trách công tác thương binh và xã hội, Đại diện UBMT Tổ Quốc, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật xã/phường và gửi thông báo về thời gian cho người có yêu cầu. Sau khi có quyết định của Hội đồng thì trong vòng 05 ngày làm việc thì Chủ tịch UBND xã/phường phải niêm yết công khai kết quả và cấp giấy xác nhận khuyết tật. Trong các trường hợp đặc biệt khác thì căn cứ vào kết quả giám định của Hội đồng y khoa.

Việc được coi là một dạng khuyết tật đồng nghĩa với việc được hưởng những chính sách, chế độ được quy định tại Luật Người khuyết tật. Tuy nhiên, để hỗ trợ người mắc chứng tự kỷ sớm trở lại cuộc sống bình thường thì thiết nghĩ cần có những chính sách đặc thù riêng hỗ trợ cho đối tượng này.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang