(ĐHVO). Với người khuyết tật, nhu cầu đi lại và tham gia giao thông hết sức quan trọng. Việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận được các dịch vụ giao thông công cộng cũng như dễ dàng di chuyển tại các công trình công cộng là đã thúc đẩy, hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Trong nhiều năm qua, nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu hoà nhập xã hội, cộng đồng của người khuyết tật. Pháp luật đã ban hành bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn công trình công cộng rõ ràng nhằm đảm bảo cho người khuyết tật có thể dễ dàng di chuyển và hoà nhập với cộng đồng.
Theo khoản 8, điều 2 Luật Người khuyết tật Việt Nam 2010 định nghĩa: “8. Tiếp cận là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp để có thể hòa nhập cộng đồng.” Năm 2014, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật sử dụng số QCVN 10:2014/BXD, cụ tại mục 1.4.6 về Công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng quy định: “Môi trường kiến trúc được tạo dựng mà người khuyết tật có thể đến và sử dụng các không gian chức năng trong công trình.” Quy chuẩn quy định bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo lại các công trình xây dựng để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận, sử dụng.
Rào cản khi tham gia giao thông công cộng của người khuyết tật (Ảnh minh hoạ – Internet)
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người khuyết tật vẫn còn gặp không ít khó khăn trong đó có việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Những khó khăn chung của người khuyết tật trong khi tham gia giao thông như cần người hỗ trợ, khó khăn trong việc di chuyển lên xuống, phải mang theo những phương tiện hỗ trợ như xe lăn,… Nguyên nhân bởi các công trình giao thông công cộng không đáp ứng được yêu cầu kĩ thuật dành cho người khuyết tật. Một vài tuyến đường không có lối đi dành cho người khiếm thị, người khuyết tật phải đi xuống lòng đường chung với các phương tiện khác. Nhiều tuyến đường mới tại khu vực trung tâm đã thực hiện việc thiết kế xây dựng đường dành cho người khuyết tật nhưng lại bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, nơi để xe càng gây thêm khó khăn cho người khuyết tật đi lại. Tại một số điểm dừng đón xe buýt đều không phù hợp cho người khuyết tật như cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn, điểm dừng xe bus không có đường tiếp cận để cho người khuyết tật có thể lên xe.
Ngày 05/08/2020, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 1190/QĐ-TTg với nội dung phê duyệt chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, 30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh 40%. Bên cạnh đó 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở của cơ quan nhà nước, nhà ga, bến xe, bến tàu, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hoá, thể dục thể thao, nhà chung cư xây mới đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Để đạt được mục tiêu này, chương trình sẽ triển khai các hoạt động chủ yếu như trợ giúp y tế, trợ giúp giáo dục, trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai, trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng, trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và hoà nhập cộng đồng.
Có thể thấy, việc xây dựng hệ thống giao thông, công trình thông minh, hiện đại và dễ tiếp cận đối với người khuyết tật là yêu cầu tất yếu của các đô thị lớn. Đã đến lúc cần chú trọng, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và giải quyết triệt để vấn đề vẫn đang còn tồn đọng nhằm giúp cho người khuyết tật có thể tiếp cận nhiều hơn với cộng đồng, xoá đi mặc cảm và những khó khăn của một bộ phận yếu thế trong xã hội hiện nay.
Nguyễn Khương