Quyết tâm hơn nữa, hành động tích cực, hiệu quả hơn nữa vì hạnh phúc của trẻ em*

Chiều 10/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng tại sự kiện có ý nghĩa xã hội thiết thực, ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.

Quyết tâm hơn nữa, hành động tích cực, hiệu quả hơn nữa vì hạnh phúc của trẻ em* - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Hôm nay, trong không khí tươi vui, phấn khởi, tràn đầy niềm tin của những ngày đầu Xuân mới Nhâm Dần và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, tôi rất vui mừng đến dự lễ công bố Chương trình Sức khỏe học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Cùng với việc mở cửa trường học trở lại trên phạm vi cả nước, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa xã hội thiết thực, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, học sinh, dành những tình cảm tốt đẹp nhất có thể cho thế hệ tương lai – thế hệ góp phần quan trọng quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới, những thập kỷ tới.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi đến toàn thể quý vị đại biểu và các đồng chí lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất.

Đối với mỗi người trong chúng ta và cả xã hội, sức khỏe luôn là vốn quý nhất. Đặc biệt, đối với gần 23 triệu trẻ em, học sinh, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho các cháu lại càng quan trọng bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước chúng ta. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe các cháu là trách nhiệm không chỉ của gia đình mà còn của cộng đồng, của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn đề cao vai trò của việc rèn luyện sức khỏe. Người cho rằng sức khỏe bao gồm sự lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. “Dân cường thì quốc thịnh”; “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Người đặc biệt quan tâm và coi thế hệ trẻ, học sinh là tương lai, vận mệnh của đất nước: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”, hay như câu thơ Người viết: “Trẻ em như búp trên cành, Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó có sức khỏe của học sinh các cấp.

Nhiều chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình liên quan đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án tổng thể về giáo dục thể chất và thể thao trường học, Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Đề án về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên…; và gần đây nhất là Chương trình y tế trường học, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng được ban hành đầu năm 2022).

Cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục, y tế, thể dục, thể thao và các bộ, ban, ngành, địa phương; sự tham gia, hỗ trợ, phối hợp tích cực của các tổ chức trong nước và quốc tế, các cá nhân, từng gia đình và nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cải thiện đáng kể điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, nhất là về dinh dưỡng, thể chất, điều kiện vệ sinh trường học, dự phòng bệnh tật học đường; đặc biệt là phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.

(Một ví dụ cụ thể là chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam năm 2020 đạt 168,1cm, tăng 3,7 cm; nữ đạt 156,2 cm, tăng 2,6 cm so với 10 năm trước. Nếu so với thời điểm 20 năm trước, chiều cao nam thanh niên tăng 4,4 cm, nữ tăng 3,6 cm; so với năm 1985, nam giới tăng 8,6 cm, nữ tăng 5,7 cm).

Mặc dù vậy, so với yêu cầu thì hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức:

Nhiều trẻ em vẫn chưa được an toàn ngoài xã hội, trong nhà trường và ngay trong gia đình. Tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn, có một số vụ nghiêm trọng, nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra.

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, trò chơi trực tuyến… làm giảm sự quan tâm của trẻ em, học sinh đối với hoạt động thể chất và sinh hoạt hợp lý.

Vẫn còn không ít học sinh có vấn đề về sức khỏe tinh thần vì nhiều lý do khác nhau. Và rất đau lòng, đã có không ít em tìm đến những giải pháp tiêu cực. Tất cả chúng ta đều phải trăn trở, suy ngẫm sâu xa hơn về vấn đề này.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của học sinh năm 2019 ở mức khá cao, khoảng 13,9%, trong khi đó tỷ lệ thừa cân-béo phì cũng tăng nhanh, khoảng 20%.

Cơ sở vật chất tại các trường học còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn thiếu trường học, thậm chí các điểm trường quy hoạch chưa hợp lý, chưa đủ điều kiện tổ chức học bán trú, ảnh hưởng đến sức khỏe cho các cháu khi đi học.

Một trong những hạn chế chúng ta nhìn thấy rõ là điều kiện các nhà vệ sinh trong trường học chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả ở những thành phố lớn. Ngay cả cách gọi nhà vệ sinh là “công trình phụ” cũng đã cho thấy nhận thức, sự quan tâm không đầy đủ tới vấn đề nhà vệ sinh trường học.

Điều kiện rèn luyện thể chất hạn chế, ảnh hưởng đến việc rèn luyện sức khỏe của các cháu, nhất là các môn liên quan đến kỹ năng sinh tồn của trẻ như bơi lội, phòng tránh thiên tai… Hằng năm vẫn còn hàng nghìn trẻ em bị đuối nước. Đây là vấn đề mà chính quyền các cấp cần có giải pháp kịp thời, hiệu quả.

Chương trình học cho trẻ còn nặng về kiến thức và thiếu các kỹ năng sống. Điều đó ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và gây áp lực cho trẻ.

Đặc biệt, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp và gián tiếp đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của hàng chục triệu học sinh.

Những hạn chế nêu trên có một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan sau:

Nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe học đường, về chăm sóc sức khỏe cho học sinh vẫn chưa thực sự toàn diện, tổng thể, liên thông, nhất là về sức khỏe tinh thần, có lúc, có nơi còn chưa đầy đủ; chưa có sự quan tâm, đầu tư xứng tầm cho công tác này.

Việc bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong trường học còn khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Nhiều giáo viên, nhà trường, phụ huynh và gia đình chưa coi trọng việc liên hệ chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề liên quan tới học sinh. Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đủ tới lúc con ở trường và nhiều giáo viên chưa quan tâm đủ tới lúc học sinh ở nhà, chưa thực sự lắng nghe các em.

Kiến thức chung về dinh dưỡng, sức khỏe học đường và phòng, chống dịch, bệnh tật thông thường còn hạn chế (chỉ có 15% học sinh có kiến thức đúng về lượng rau, quả cần ăn hằng ngày).

Giáo dục về thể chất và hoạt động thể thao trường học vẫn còn bất cập, chưa thật sự hợp lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc sức khỏe học đường chưa đáp ứng yêu cầu.

Công tác truyền thông giáo dục về sức khỏe học đường còn hạn chế, cần quan tâm thêm.

Đặc biệt, hơn 24 tháng phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn, dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên diện rộng với biến chủng mới, mạnh, nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn, những diễn biến chưa có tiền lệ; trong lúc chưa có đủ vaccine khi vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có thuốc điều trị, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe và người dân lên trên hết, trước hết, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, điều này tác động tới các hoạt động kinh tế-xã hội.

Những đợt giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các cháu phải trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, thầy cô, rời xa những không gian, những trò vui đùa của tuổi thơ. Các cháu ít được vận động ngoài trời, thiếu tương tác xã hội, không được giao lưu với bạn đồng lứa. Đặc biệt, nhiều cháu phải trải qua những mất mát quá lớn, không gì bù đắp được. Đại dịch đã khiến hàng nghìn cháu nhỏ rơi vào hoàn cảnh mồ côi, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, người thân. Dịch COVID-19 đã bước sang năm thứ ba, và đang tiếp tục tác động nặng nề lên sức khỏe tinh thần cũng như điều kiện sống của trẻ em và thanh thiếu niên.

(Theo dữ liệu gần đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục).

Trên cơ sở nhận thức và xác định rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức và nguyên nhân nêu trên, ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương, đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức, triển khai lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan nhằm đẩy mạnh hoạt động chăm sóc toàn diện, đồng bộ về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh.

Đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tấm lòng của mỗi người, trong đó lưu ý:

Cần quán triệt tinh thần chung là: Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó ngành giáo dục và ngành y tế đóng vai trò nòng cốt; các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp về chuyên môn. Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em và chúng ta còn phải suy nghĩ, phải chung tay, phải đưa ra thông điệp mạnh mẽ, phải quyết tâm hơn nữa, hành động tích cực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa khi bên cạnh chúng ta vẫn còn những trẻ em chưa được bảo vệ, chưa được chăm sóc, còn đối mặt những nguy cơ mất an toàn về tính mạng, sức khỏe, tinh thần.

Có những chương trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề ảnh hưởng tâm sinh lý, sức khỏe tinh thần của trẻ em, nhất là những tác động từ đại dịch để chúng ta có những biện pháp, giải pháp, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục phù hợp cho các cháu – thế hệ tương lai của đất nước.

Những việc cụ thể chúng ta cần chung tay giải quyết sớm và quyết liệt, đó là:

– Cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học, tăng cường xây dựng quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học, chất lượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh, bếp ăn trường học và cơ sở vật chất để các cháu có không gian rèn luyện sức khỏe, chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỉ lệ trẻ đuối nước.

– Cải thiện bữa ăn, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt ở những khu vực ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

– Giảm tải chương trình học, trước hết là ở bậc tiểu học để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

– Phòng chống dịch COVID-19 khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, có phương án cụ thể trước khi mở cửa trường học.

Để thực hiện được những việc đó, tôi đề nghị:

Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt vai trò đầu mối, chủ trì; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan; rà soát để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện và công tác phối hợp.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt là thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đối với việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học đường.

Chú trọng, phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể trong nhà trường.

Lưu ý việc đề xuất cơ chế, chính sách, bố trí nguồn nhân lực về giáo dục thể chất và chăm sóc tâm lý cho học sinh trong nhà trường.

Vấn đề trước mắt thời sự hiện nay là mở cửa lại trường học trực tiếp sau hai năm gián đoạn. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, hiệu quả, khoa học, hợp lý để phụ huynh học sinh yên tâm khi các cháu trở lại trường học. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là người đứng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát trong công tác này.

Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở các vùng miền khác nhau để có phương án dinh dưỡng phù hợp (ví dụ đối với trẻ thành phố tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể béo phì tăng cao thì chế độ dinh dưỡng cần khác với vùng nông thôn); phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.

Bộ Xây dựng đảm bảo quy hoạch, tỉ lệ xây dựng trường học, nhà trẻ, nhất là tại khu đô thị và khu công nghiệp, chú ý các công trình cần thiết trong trường học, nhà trẻ, đảm bảo các cháu có cơ sở vật chất tốt để học tập và phát triển thể chất. Tính toán xây dựng phương án phòng, chống dịch khi cần thiết.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đưa ra tiêu chí, xây dựng cơ sở vật chất rèn luyện thể dục thể thao cho các cháu, đặc biệt liên quan đến kỹ năng sinh tồn của trẻ và phát triển phong trào thể thao đại chúng để nhiều trẻ em tham gia rèn luyện sức khỏe.

Các bộ, cơ quan, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Chú trọng phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học. Có hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn về dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn học đường bảo đảm phù hợp về dinh dưỡng, phù hợp đặc điểm vùng miền, địa phương.

Ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để thực hiện mục tiêu của Chương trình; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho sức khỏe học đường trên tinh thần đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai.

Tôi cũng đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến và huy động các nguồn lực hợp pháp để triển khai Chương trình.

Từng nhà trường, gia đình, từng học sinh, người dân cần chủ động, tích cực hưởng ứng Chương trình vì chính sức khỏe của con em mình, thông qua những hành vi, lối sống lành mạnh và các hoạt động tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bản thân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đồng hành cùng Chương trình Sức khoẻ học đường cũng như các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nói chung.

Tôi được biết trong thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, trong đó có một số tổ chức quốc tế đã tham gia tích cực vào hoạt động này. Hôm nay, các đồng chí và các quý vị có mặt đông đủ ở đây đã thể hiện thông điệp mạnh mẽ quan tâm đến việc triển khai Chương trình Sức khỏe học đường.

Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các quốc gia đối với công tác chăm sóc sức khỏe học đường nói riêng và chăm sóc sức khỏe nói chung cho Nhân dân Việt Nam.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”; “gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”. Trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng chúng ta chăm sóc, bảo vệ tốt nhất trẻ em không chỉ vì tương lai của đất nước mà còn hơn thế nữa. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Ấm no, hạnh phúc của mỗi trẻ em, của mỗi người dân là mục đích tự thân, mục đích cuối cùng trong sự nghiệp của Đảng, Nhà nước chúng ta.

Tôi tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, quyết tâm, ủng hộ của Nhân dân cả nước, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, bạn bè quốc tế, sự tham gia hưởng ứng, trách nhiệm của nhà trường, thầy cô Chương trình Sức khỏe học đường sẽ được triển khai thành công, phát huy mạnh mẽ hiệu quả, tạo ra những bước đột phá trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước.

Chúc Chương trình triển khai thành công tốt đẹp!”

* Tiêu đề do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đặt

Theo Báo điện tử Chính Phủ

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang