Quyết liệt phòng ngộ độc thực phẩm trong trường học

Năm học mới 2020-2021 vừa bắt đầu, nhưng tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các trường học khiến phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú của con ở trường. Những sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng bữa ăn học đường và đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa từ cơ quan chức năng.


Học sinh Trường Tiểu học Tiên Dương, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), nghi bị ngộ độc thực phẩm được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh.

Liên tiếp xảy ra sự cố an toàn thực phẩm tại trường học

Trưa 9-9, Trường Tiểu học Tiên Dương, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) tổ chức cho 1.556 học sinh ăn bán trú. Ngay sau bữa ăn trưa này, 22 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 4-5 lần, sốt nhẹ, nghi ngờ nhiễm khuẩn đường ruột do vi sinh vật, trong đó có 4 học sinh phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, giám sát sự cố an toàn thực phẩm nêu trên. Kết quả kiểm tra hồ sơ pháp lý, hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh – đơn vị cung cấp các suất ăn cho Trường Tiểu học Tiên Dương đã xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh theo ngành nghề được cấp phép.

Qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhà kho của hộ kinh doanh này đặt gần nhà vệ sinh; khu vực chế biến có côn trùng xâm nhập; nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan và chưa xuất trình được kết quả xét nghiệm nước định kỳ theo quy định. Cơ quan chức năng đã yêu cầu hộ kinh doanh Vũ Thị Quỳnh dừng hoạt động, ngừng cung cấp suất ăn sẵn cho Trường Tiểu học Tiên Dương; đồng thời tổng vệ sinh môi trường nhà trường và cơ sở kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, nguyên nhân của sự cố an toàn thực phẩm này bước đầu được xác định là do nhiễm vi sinh. Qua vụ việc này, Chi cục đề nghị tất cả trường học trên địa bàn Hà Nội quan tâm và tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong trường học, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ đáp ứng đầy đủ yêu cầu chuyên môn, nhằm bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho các em học sinh.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu, xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) cũng xảy ra sự cố an toàn thực phẩm, sau bữa trưa bán trú ngày 10-9 có 11 học sinh xuất hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 2-3 lần, 1 em kèm theo sốt nhẹ, được điều trị tại gia đình. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, sau khi xảy ra hai sự cố an toàn thực phẩm, huyện đã đình chỉ hoạt động của bếp ăn Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu và Tiên Dương, chờ kết quả xét nghiệm từ cơ quan chức năng. Đồng thời, huyện đã tổ chức họp khẩn với các trường học trên địa bàn để đánh giá, rút kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Sự việc tại Hà Nội chưa kịp lắng xuống, thì ngày 12-9, Bệnh viện quận 2, thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận 8 học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông có biểu hiện sốt, đau bụng, tiêu chảy. Sáng 13-9, 20 học sinh có biểu hiện tương tự tiếp tục được đưa vào bệnh viện để kiểm tra, theo dõi sức khỏe…. Sau khi điều tra, cơ quan chức năng quận 2 nghi ngờ bánh su kem sử dụng trong bữa ăn là nguyên nhân gây ra sự cố an toàn thực phẩm nêu trên.

Thường xuyên giám sát chất lượng bữa ăn bán trú

Để kiểm soát tốt hơn nữa bữa ăn bán trú trường học, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, tại các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn. Mặt khác, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc kiểm tra, xử lý sai phạm; công khai danh tính đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngành Y tế Thủ đô cũng sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất bếp ăn bán trú trường học trên địa bàn.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng đưa ra giải pháp, nhà trường cần thường xuyên phối hợp với hội cha mẹ học sinh, ban giám sát an toàn thực phẩm, công đoàn… kiểm tra, theo dõi thường xuyên, đột xuất nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh tại bếp ăn cung cấp suất ăn bán trú nhằm hạn chế tối đa tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Ngoài ra, bất cứ thực phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra. Thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng, đủ dinh dưỡng… mới được cung cấp vào trường học.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, biểu hiện ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng điển hình, như: Nôn, đau bụng, tiêu chảy… Bệnh nhân có thể uống dung dịch oresol (uống thay nước, cho hết khát và uống tiếp chừng nào còn tiêu chảy) hoặc nước khoáng, nước rau luộc pha muối. Trường hợp ngộ độc nặng, phức tạp sẽ có các biểu hiện tiêu hóa nhiễm trùng ở mức độ nặng hơn, như: Nôn liên tục nhiều lần, tiêu chảy liên tục nhiều lần, đau bụng dữ dội liên tục, sốt cao 39 độ C…, kèm thêm một số dấu hiệu liên quan đến thần kinh hoặc tim mạch, hô hấp,… gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Nguồn Báo Hà Nội mới

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ EM VÀ NGƯỜI BẠI NÃO VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI CHẠY THIỆN NGUYỆN “NÂNG BƯỚC CHÂN EM” LẦN THỨ 6

SEE_5346

Trao giải cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Picture1

“Vá lành” những mảnh khuyết cuộc đời bằng đôi bàn tay khéo léo

z5916242329405_55c88a8cf81ef44bfcd7e6a8b48c7ad1

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI ĐẢM BẢO HÒA NHẬP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture1

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Ủng hộ 87 người khuyết tật bị ảnh hưởng sau bão lũ

Picture3

NHU CẦU VỀ THÔNG TIN PHÁP LUẬT VÀ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÙNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CÔNG TÁC THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang