(ĐHVO). Người khuyết tật bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng tâm hồn, tình yêu vẫn tràn đầy và cần sự đồng nhịp sẻ chia. Dẫu rằng người phụ nữ khuyết tật là sự thiệt thòi vô cùng lớn, là nỗi bất hạnh không phải dễ dàng chia sẻ nhưng trong tình yêu, họ vẫn có quyền được yêu, được thương!
Cuộc sống của phụ nữ khuyết tật là cả một hành trình. Ngày còn nhỏ, các bạn gái chẳng may bị khiếm khuyết cơ thể thường bị bạn bè trêu chọc, xa lánh. Phần lớn các em sẽ cảm thấy tự ti, dần thu người lại, tạo khoảng trống đủ an toàn cho bản thân. Các em lớn lên trong môi trường tự ti, không có bạn bè thân thiết, đồng cảm với hoàn cảnh của bản thân. Và cũng có ít ai phá bỏ được rào cản ấy, tự tin vượt qua, hòa nhập cộng đồng.
Khi lớn lên một chút, trở ngại trong tình yêu cũng là một mối quan tâm lớn đối với các bạn nữ khuyết tật. Không chỉ do ánh mắt chê cười, soi mói hoặc may chăng là ánh mắt thương hại của xã hội mà còn từ chính bản thân các bạn nữ khuyết tật. Đó là sự tự ti của chính họ, họ ngại tiếp xúc với người khác, họ đóng cửa cho những quan tâm, yêu thương từ các bạn khác giới, họ không đủ tự tin giành lấy sự yêu thương cho bản thân mình. Đây mới chính là nguyên nhân cốt lõi làm cản trở các bạn nữ khuyết tật đến với tình yêu.
Nguồn ảnh: Internet
Người khuyết tật vẫn có quyền được yêu thương, được chăm sóc không chỉ từ phía gia đình, xã hội mà còn từ các bạn khác giới. Vì vậy cho nên đối với các bạn nữ không may bị khiếm khuyết cơ thể, tự tin chính là vũ khí để tự bảo vệ, để chiến đấu và để khẳng định tình yêu đích thực. Tình yêu không “đóng cửa” với bất kỳ ai, kể cả người khuyết tật.
Muốn vậy, các bạn đừng bao giờ cố tạo cho mình một thế giới riêng, và cho rằng hoàn cảnh của mình đáng thương để lấy sự thương hại, đồng cảm của người khác. Sự tự ti, sợ hãi, dè dặt chỉ khiến các bạn gái tự chui vào vỏ ốc do chính mình dựng lên và mãi mãi không cho mình cơ hội để giành lấy sự công bằng, giành lấy cuộc sống hạnh phúc của bản thân. Những suy nghĩ thiếu bình đẳng sẽ khiến các bạn có tâm lý rằng không ai đủ dũng cảm để yêu thương, để cưới mình, và các bạn lo mình làm gánh nặng cho đối phương. Và vì thế, các bạn thường hay “đổ oan” cho sự khiếm khuyết của mình là nguyên nhân của sự đổ vỡ trong tình yêu hoặc khi bản thân bị lợi dụng, bị phản bội, bị bỏ rơi.
Tuy nhiên, nói nghe dễ, làm mới khó. Làm sao để có thể trang bị cho mình sự tự tin trong một cơ thể khuyết tật? Thật ra, sự tự tin phải do bản thân người khuyết tật tạo ra nó bằng những việc làm cụ thể. Dân gian truyền nhau “có tật có tài”, các bạn khiếm khuyết cơ thể nhưng lại giỏi về các lĩnh vực khác nhau. Khi bạn tự mình nuôi sống bản thân, có đóng góp cho gia đình và xã hội thì tự khắc bạn sẽ tự tin trong cuộc sống lẫn trong tình yêu.
Thảo Vân và bạn đời Neil (Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Không mấy xa lạ, Nguyễn Thảo Vân được mọi người biết đến với câu chuyện tình yêu với chàng kỹ sư Úc khiến nhiều người ngưỡng mộ, minh chứng rằng tình yêu không có khoảng cách. Là người khá giỏi ngoại ngữ, lại từng được học bổng tại Úc nên việc Thảo Vân giao tiếp nói chuyện với người nước ngoài như anh Neil thực sự không có gì khó. Bất kể ngoại hình của Thảo Vân có thiết sót, khuyết tật gì, cái mà anh Neil quan tâm đó chính là tâm hồn, sự tự tin và tinh thần bất khuất của người con gái đó.
Chính vì vậy, phụ nữ khuyết tật vẫn có quyền được yêu thương, được trân trọng. Có thể có một chút trở ngại nhưng đó không phải là tất cả, không nên vì khuyết tật mà từ bỏ cơ hội đến với tình yêu. Hãy tự tin và khẳng định quyền được ước mơ, quyền yêu và được yêu kể cả với người khuyết tật!
Phạm Vân