Quyền nuôi con sau ly hôn của người khuyết tật

(ĐHVO). Người khuyết tật thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội, bởi lẽ đó, trong cuộc sống hàng ngày nhiều khi họ phải chịu thiệt thòi hơn so với những người khác. Không ít người khuyết tật lo ngại rằng: Liệu khi ly hôn, mình có quyền nuôi con hay không? Để giải đáp thắc mắc này, Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt xin đi sâu tìm hiểu vấn đề “Quyền nuôi con sau ly hôn của người khuyết tật”.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt có nhận được câu hỏi của bạn đọc gửi về như sau: Xin chào Trung tâm tư vấn pháp luật Đồng Hành Việt, tôi tên là Nguyễn Thị A, 27 tuổi, là người khuyết tật nặng. Tôi có công việc hành chính ổn định, lương 10 triệu/tháng. Năm 2015, tôi và chồng tôi kết hôn, trong quá trình chung sống, chồng tôi thường xuyên đi chơi cờ bạc, uống rượu chè suốt mấy ngày đêm, chúng tôi thường xuyên cãi vã và đã ly thân được 2 năm nay. Về con chung, tôi và chồng có với nhau 1 người con chung, cháu được 5 tuổi. Bây giờ tôi muốn ly hôn và dành quyền nuôi con, nhưng chồng tôi nói rằng tôi là người khuyết tật nên quyền nuôi con sẽ được ưu tiên cho anh ta (chồng tôi không phải người khuyết tật). Liệu chồng tôi nói vậy có đúng không? Tôi có thể giành quyền nuôi con với chồng được không?”

Với thắc mắc trên, Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt trả lời như sau:

I. Căn cứ pháp lý

– Luật Người khuyết tật năm 2010;

– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

II. Nội dung tư vấn

Theo quy định tại khoản 6 Điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là:“Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật”. Như vậy, người khuyết tật có quyền được nuôi con như những người khác, không cá nhân, tổ chức nào được cản trở quyền nuôi con của người khuyết tật.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

Căn cứ vào quy định trên, trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ dựa vào các điều kiện của các bên, xem xét xem bên nào có thể cho con một cuộc sống tốt đẹp, ổn định hơn để quyết định người trực tiếp nuôi con. Các điều kiện được Tòa án xem xét là:

Thứ nhất, về điều kiện vật chất: Cần đảm bảo thu nhập, chỗ ở ổn định để có thể đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cơ bản như ăn ở, học tập,… của con

Thứ hai, về đạo đức, nhân phẩm, trình độ học vấn: Người nuôi dưỡng con cần có nhân phẩm đạo đức tốt, sống hiền lành, lương thiện…Trình độ học vấn cũng là một tiêu chí quan trọng để Tòa án quyết định giao con cho người nào.

Thứ ba, sự quan tâm, chăm sóc: trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, không thể thiếu sự quan tâm và chăm sóc của bố, mẹ. Đặc biệt, đối với đứa trẻ được nuôi nấng trong một gia đình không trọn vẹn thì người trực tiếp nuôi con phải vừa làm bố, vừa làm mẹ. Do đó, họ cần có đủ tình thương yêu, sự quan tâm đối với con của mình, để bé có thể phát triển ngoan ngoãn, không bị mặc cảm. Nhiều trường hợp các đôi vợ chồng dành con để hơn thua nhau, chứ không thực sự quan tâm đến cảm nhận của trẻ, đây là một hành động ích kỷ, vô lương tâm của một số bậc làm cha, làm mẹ tạo nên tổn thương cho chính con mình. Chính vì thế, việc một bên có thái độ quan tâm, chăm sóc con là yếu tố quan trọng để Tòa án đưa ra quyết định ai sẽ là người có quyền nuôi con.

Xét trong trường hợp của chị: chị có thu nhập ổn định (lương 10 triệu/tháng); là người trực tiếp quan tâm, chăm sóc bé trưởng thành do vậy chị có lợi thế trong việc giành quyền nuôi con. Bên cạnh đó, như chị chia sẻ, chồng chị thường xuyên đi chơi cờ bạc, uống rượu chè suốt mấy ngày đêm, không quan tâm vun vén gia đình, đây sẽ là bất lợi lớn cho chồng chị trong việc giành quyền nuôi con.

Như vậy, người khuyết tật vẫn có quyền nuôi con sau khi ly hôn như những người khác. Và Tòa án có thể xem xét việc chị có điều kiện chăm sóc hơn so với người cha để tuyên chị có quyền nuôi dưỡng con.

Trên đây là nội dung tư vấn của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt đối với câu hỏi của chị. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp chị tháo gỡ được những vướng mắc đang gặp phải.

Bạn đọc có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng gửi vướng mắc về Tòa soạn theo email: toasoandhv@gmail.com hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt qua Hotline: 19006248.

Nguyễn Khương

 

 


Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang