(ĐHVO). Dịch Covid-19 tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn khẩn cấp, diễn biến phức tạp không những khiến đời sống của người dân bị đảo lộn mà còn khiến các doanh nghiệp chao đảo, khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất kinh doanh, cho nhân viên nghỉ việc hoặc tạm thời nghỉ việc. Người lao động là người khuyết tật có lẽ là bộ phận chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Vậy quyền lợi của người khuyết tật lúc này thế nào mới được đảm bảo?
Công ty cho người lao động nghỉ việc không lương là đúng hay sai?
Do tác động bởi dịch Covid-19, trong thời gian qua sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, một số người lao động đặc biệt là người khuyết tật phải ngừng việc xuất phát từ các tác động của dịch như:
Lao động là người nước ngoài chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc trong thời gian có dịch theo quy định;
Người lao động phải thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp không vận hành được vì những người lao động khác trong thời gian chưa quay trở lại làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch ảnh hưởng đến nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới phải thu hẹp sản xuất, không bố trí đủ việc làm cho người lao động.
Từ thực tế trên, để thực hiện chế độ trả lương trong thời gian ngừng việc và giải quyết chế độ đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL ngày 25/3/2020 đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện như sau:
Việc trả lương ngừng việc căn cứ vào quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động hay người lao động hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho người lao động.
(Ảnh minh họa)
Đối với trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như: Lao động là người nước ngoài trong thời gian chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).
Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động. Nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.
2. Công ty được chấm dứt hợp đồng với người lao động là người khuyết tật vì dịch bệnh không?
Thay vì cho nhân viên tạm thời nghỉ việc, nhiều công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với người lao động đặc biệt đối với người khuyết tật bị. Lý do đưa ra là do dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, dẫn đến việc công ty gặp tổn thất nặng nề.
Bởi theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012: “Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác (địch họa, dịch bệnh…) mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.”
Do đó, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Tuy nhiên, trước khi chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Ngoài ra, trong trường hợp này, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được nhận trợ cấp thôi việc với mức trợ cấp mỗi năm làm việc bằng một nửa tháng lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc trước đó.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 liền kề trước khi người lao động nghỉ việc.
3. Quyền được hưởng chế độ ốm đau khi người lao động bị cách ly vì covid-19
Liên quan đến chế độ bảo hiểm, tại Công văn 422/BHXH-CSXH ngày 13/02/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đồng ý đối với những người bị cách ly y tế để phòng dịch theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng chế độ ốm đau trong thời gian cách ly.
Cụ thể:
Về hồ sơ hưởng chế độ ốm đau:
Trường hợp điều trị nội trú: Giấy ra viện;
Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú;
Trường hợp cách lý tại cơ sở: Giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế do cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp;
Trường hợp cách ly tại nhà: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú cấp.
Về chế độ ốm đau của người lao động:
Theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động sẽ được nghỉ chế độ ốm đau:
30 ngày/năm nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm;
40 ngày/năm nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
60 ngày/năm nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên mà làm việc trong điều kiện bình thường.
Với những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại thì được nghỉ thêm 10 ngày/năm.
Mức hưởng chế độ ốm đau được tính theo tháng và bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Nếu nghỉ theo ngày thì mức trợ cấp ốm đau một ngày bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 24 ngày.
Trên đây là một số quyền lợi của người lao động trong đó lao động là người khuyết tật cần đặc biệt chú ý để đảm bảo quyền lợi của bản thân trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay.
Phạm Vân