Quyền lợi của lao động khuyết tật trong ngày nghỉ lễ

 

Các quốc gia trên thế giới có những cách xác định thời gian nghỉ lễ khác nhau. Thời gian nghỉ lễ, người lao động được nghỉ nguyên lương. Thời gian này được xác định theo phong tục của từng quốc gia, thường vào những ngày trọng đại của dân tộc và các ngày tết. Người lao động khuyết tật được hưởng các quyền lợi theo quy định.

Điểm qua các ngày nghỉ lễ cho người lao động tại Việt NamẢnh minh họa (Nguồn internet)

Thời gian nghỉ lễ theo Bộ luật Lao động

Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật lao động năm 2019 thì hằng năm, người lao động được nghỉ những ngày nghỉ lễ, tết sau:

–  Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

–  Tết Âm lịch: 05 ngày;

–  Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

–  Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

–  Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

–  Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

Quyền lợi chung của người lao động trong dịp nghỉ lễ, tết

Một trong những quyền cơ bản của người lao động trong thời gian nghỉ lễ tết là được nghỉ và hưởng nguyên lương trong những ngày nghỉ. Bộ luật lao động quy định về ngày nghỉ lễ, tết để đảm bảo cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo tín ngưỡng tôn giáo, thờ cúng theo phong tục, có điều kiện có những ngày nghỉ dài ngày để nghỉ ngơi, chăm sóc con cái, thăm nom bố mẹ, du lịch dài ngày. Các ngày nghỉ lễ được quy định phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo TopLisTenz, Ấn Độ có nhiều ngày nghỉ lễ nhất: 21, kế đến là Columbia và Philippines 18, Trung Quốc 17.

Các quyền lợi của người lao động trong ngày nghỉ lễ, tết còn được quy định trong quy chế lương, thưởng hoặc nội quy lao động của Công ty. Ở một số doanh nghiệp, ngoài được nghỉ hưởng lương, người lao động còn được thưởng một khoản tiền thưởng riêng của doanh nghiệp, số tiền này do doanh nghiệp quyết định dựa trên kết quả kinh doanh, chế độ phúc lợi cho nhân viên. Trên nguyên tắc bình đẳng, người lao động khuyết tật được hưởng đầy đủ quyền lợi tương đương với người lao động trong doanh nghiệp.

Quyền lợi của người lao động nếu đi làm trong dịp nghỉ lễ, tết

Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: Vào ngày thường ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Như vậy, người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ tết sẽ được trả lương cao hơn nhiều lần so với đi làm vào những ngày thông thường. Cụ thể, nếu làm việc vào ban ngày, người lao động được nhận ít nhất 400% lương của ngày làm việc bình thường; nếu làm việc vào ban đêm, người lao động được nhận ít nhất 490% lương của ngày làm việc bình thường.

Việc đi làm vào ngày nghỉ lễ căn cứ vào tình hình sản xuất của doanh nghiệp. Theo quy định, người sử dụng lao động không được ép buộc người lao động đi làm trong ngày nghỉ lễ. Người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ theo nguyên tắc tự nguyện của người lao động và người lao động sau đó không được nghỉ bù. Nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nghỉ bù nguyên lương, nhiều doanh nghiệp tạo điều kện cho người lao động chủ động xin nghỉ không lương sau khi làm việc vào ngày nghỉ lễ.

Người lao động nói chung và người lao động khuyết tật nói riêng được hưởng đầy đủ các quyền của người lao động trong ngày nghỉ lễ theo quy định của pháp luật lao động và quy định của doanh nghiệp. Tạo môi trường bình đẳng để người lao động phát triển toàn diện, cống hiến cho doanh nghiệp góp phần tích cực cho một xã hội phát triển.

Nguyễn Khương

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang