(ĐHVO). Bảo hiểm y tế cho người khuyết tật là hình thức bảo hiểm bắt buộc để chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Theo đó, người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo luật định.
Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước và xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến với các đối tượng yếu thế trong xã hội đặc biệt đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách pháp luật chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, đối tượng người khuyết tật luôn được quan tâm và hỗ trợ, ưu tiên thông qua các chế độ bảo hiểm cho người khuyết tật nhằm tạo môi trường bình đẳng, đảm bảo quyền của người khuyết tật.
Ảnh minh họa
1. Mức hưởng bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật
Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế quy định người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng. Theo đó, Điều 9 Nghị định 136/2013/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y thế gồm người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng.
Căn cứ Điều 3 và Khoản 1, Khoản 3 Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định cụ thể về mức độ khuyết tật và xác định mức độ khuyết tật:
+ Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc, suy giảm từ 61% – 80%.
+ Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn, suy giảm 81% trở lên.
Có thể thấy không phải đối tượng là người khuyết tật nào cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng mà sẽ căn cứ vào mức độ khuyết tật được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xác định và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.
Mức hưởng BHYT được quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, theo đó người khuyết tật khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi bảo hiểm y tế.
Riêng trường hợp người khuyết tật tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến trung ương được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức hưởng nêu trên theo tỷ lệ 40% chi phí điều trị nội trú.
Trường hợp người khuyết tật nhẹ (mức độ giảm khả năng lao động dưới 61%) thì sẽ không được Nhà nước đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu người khuyết tật nhẹ mong muốn được tham gia bảo hiểm y tế để được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thì người khuyết tật nhẹ hoặc gia đình có thể mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện và được hưởng mức bảo hiểm y tế như người bình thường.
2. Nguyên tắc hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao nhất
Trên thực tế, nhiều người khuyết tật thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, mức hưởng bảo hiểm y tế theo từng đối tượng là khác nhau.
Ví dụ minh họa: Người khuyết tật nặng thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và được cấp thẻ BHYT với mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, người khuyết tật đó có thể đi làm và được đóng BHYT với mức hưởng tối đa 80% chi phí khám chữa bệnh. Vậy có giữ được quyền lợi BHYT có mức chi trả cao hơn không?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể, bởi lẽ theo khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế quy định trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật Bảo hiểm y tế, và được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất. Khi đó, quyền lợi được chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi bảo hiểm y tế của người khuyết tật luôn được đảm bảo trong mọi trường hợp.
3. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc chăm sóc sức khỏe người khuyết tật được chú ý nhấn mạnh tại Điều 23 Luật Người khuyết tật 2010, cụ thể:
– Thực hiện biện pháp khám bệnh, chữa bệnh phù hợp cho người khuyết tật.
– Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
– Tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp.
– Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Trường hợp không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo Điều 10 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.
Hồng Liên