(ĐHVO). Con người khi lớn lên luôn mong muốn tìm kiếm được một nửa phù hợp, xây dựng hạnh phúc trăm năm, người khuyết tật cũng không ngoại lệ. Hơn ai hết, họ cần một người để chia sẻ ngọt bùi, đỡ đần lẫn nhau lúc ốm đau bệnh tật, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện được mong muốn ấy. Vậy pháp luật quy định như thế nào về việc kết hôn của người khuyết tật, trường hợp nào người khuyết tật không có đủ điều kiện để kết hôn? Xin mời các bạn cùng Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt giải đáp thắc mắc này.
Câu hỏi: Em và bạn trai của em năm nay 26 tuổi, bạn trai em là người không khuyết tật, còn em là người khuyết tật vận động, không đi lại được, chỉ có thể nằm một chỗ thì có thể kết hôn như những người khác được không?
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Về thắc mắc của bạn, Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt xin giải đáp như sau:
I. Căn cứ pháp lý
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
– Bộ luật Dân sự năm 2015.
II. Nội dung tư vấn
Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nam nữ đủ điều kiện kết hôn nếu thỏa mãn những tiêu chí sau:
Thứ nhất, nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên: Ở độ tuổi này, cả nam và nữ đều đã thành niên, có đầy đủ năng lực dân sự, tự chịu trách nhiệm với các quy định của mình đồng thời cũng có đủ khả năng để chăm sóc, nuôi nấng gia đình, con cái.
Thứ hai, việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định: Nam và nữ tự nguyện tiến tới hôn nhân, không do sự bắt buộc, cưỡng ép hay sắp đặt của bất kỳ ai khác. Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định, Nhà nước có chính sách, biện pháp tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Thứ ba, không bị mất năng lực hành vi dân sự
Theo Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, được Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Chính vì vậy, những người này không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, không thuộc các trường hợp cấm kết hôn sau đây:
– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo: Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình (khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn, cụ thể theo quy định tại khoản 8,9,10 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
+ Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
+ Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ
+ Cản trở kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì NKT vẫn có thể kết hôn như người bình thường nếu tự nguyện kết hôn và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về độ tuổi, không bị mất năng lực hành vi dân sự, không thuộc các trường hợp cấm kết hôn như trên.
Trong trường hợp này, bạn và bạn trai bạn đã đáp ứng yêu cầu về độ tuổi, không bị mất năng lực hành vi dân sự, nếu hai bạn tự nguyện kết hôn và không thuộc trường hợp cấm kết hôn (kết hôn giả tạo, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, đối tượng kết hôn là người có vợ/chồng hoặc có cùng dòng máu về trực hệ) thì có thể đăng ký kết hôn tại UBND phường nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ (có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú).
Trên đây là những giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt về vấn đề kết hôn của người khuyết tật. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn đọc tháo gỡ được những vướng mắc đang gặp phải. Trân trọng!
Hồng Thái