(DHVO). Như chúng ta đều biết, bầu cử là quyền của công dân. Mọi công dân từ đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ đủ 21 tuổi trở lên sẽ có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt, đối với đối tượng là người khuyết tật, pháp luật đã có sự bảo đảm và ưu tiên để họ có thể thực hiện quyền này cảu mình một cách dễ dàng và thuận lợi nhất.
Thứ nhất, mặc dù tại Khoản 1 Điều 69 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, pháp luật quy định mỗi cử tri “phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay”, tuy nhiên, cũng tại Khoản 3 Điều này, pháp luật lại có những quy định ưu tiên đối với người khuyết tật, cụ thể: “Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu”. Như vậy, đối với quy định này, những cử tri không bị hạn chế về vận động, nhưng có thể gặp các khiếm khuyết dẫn đến không thể tự viết phiếu hoặc bỏ phiếu được, thì có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người khác.
Người khuyết tật vẫn được bảo đảm quyền bầu cử của mình (Ảnh: Internet)
Thứ hai, theo quy định tại điểm b, Khoản 3, Điều 11 Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, cơ sở chăm sóc người khuyết tật có từ “50 cử tri trở lên có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng”. Bên cạnh đó, tại Khoản 4, Điều 69 Luật này quy định về nguyên tắc bầu cử có quy định: “Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử”.
Có thể thấy rằng, Nhà nước đã đưa ra các quy định về việc đưa hòm phiếu đến gần hơn với những đối tượng không thể tự đi đến nơi bỏ phiếu. Điều này đã giúp cho nhiều người khuyết tật thuận lợi hơn trong việc thực hiện quyền bầu cử của mình. Những người khuyết tật vận động, hạn chế về vận động vẫn có thể được tự tay bỏ lá phiếu của mình mà không cần phải nhờ người khác hay đi đến tận nơi tổ chức bầu cử để bỏ phiếu.
Qua những quy định trên, Nhà nước đã phần nào đảm bảo cho người khuyết tật, những người không may gặp khiếm khuyết trên cơ thể được thực hiện quyền công dân của mình, tự mình bỏ lá phiếu chọn ra người đại diện mình tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Điều này không những thể hiện sự dân chủ, tích cực của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà thể hiện sự không phân biệt, đối xử đối với người khuyết tật.
Minh Hằng.