Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện Bộ GD&ĐT, các nhà khoa học quản lý giáo dục đến từ các Sở GD&ĐT, và các cơ sở đại học quốc tế có kinh nghiệm trong hoạt động này.
Thực tế đặt ra
Tham luận tại Hội thảo có diễn giả chính là những chuyên gia giáo dục đặc biệt nhiều kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam cùng hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, hoạch định chính sách về giáo dục đặc biệt, quản lý các cơ sở giáo dục người khuyết tật công lập và tư thục, đại diện của các tổ chức xã hội dân sự của và vì người khuyết tật, Tổ chức UN, các tổ chức NGOs hoạt động trong lĩnh vực giáo dục người khuyết tật cùng tham dự.
GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: Viện thực hiện nhiệm vụ được giao, là cơ quan lập Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các ý kiến trao đổi trong hội thảo nhằm làm rõ, so sánh sự ưu việt, tính đa dạng của hệ thống giáo dục người khuyết tật các nước, đồng thời tập trung vào góp ý cho định hướng Quy hoạch phát triển.
GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tại hội thảo, bằng kinh nghiệm quản lý và thực tế, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung: Thực trạng hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại Việt Nam; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật tại Hàn Quốc; Hệ thống các cơ sở giáo dục cho người khuyết tật tại các nước trong khu vực Đông Nam Á; Giáo dục cho người khuyết tật tại Nauy.
Khó khăn và thách thức
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016 của Tổng cục Thống kê: Tỉ lệ khuyết tật ở trẻ em từ 2 đến 17 tuổi là 2,83%, tương đương khoảng 1,5 triệu trẻ em khuyết tật; Tỉ lệ trẻ em khuyết tật ở khu vực nông thôn cao hơn 1,5 lần khu vực thành thị; Vùng có khuyết tật tật cao nhất là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Báo cáo thống kê số liệu về các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật theo công văn số 1742/BGDĐT-GDTH ngày 20/05/2021 của Bộ GD&ĐT (52/63 tỉnh/thành gửi số liệu) cho biết có 44 cơ sở giáo dục chuyên biệt (35 công lập và 9 tư thục). Nhiều tỉnh/thành không thể thành lập được Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (HTPT HDHN) (bao gồm cả công lập và tư thục). Các trung tâm đang gặp những khó khăn, thiếu về đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Thiếu về phương tiện/thiết bị/đồ dùng dạy học và học liệu đặc thù cho từng dạng khuyết tật.
Các cơ sở giáo dục hòa nhập chưa có thiết kế phù hợp với từng dạng học sinh khuyết tật. Nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa thật sự quan tâm đến giáo dục học sinh khuyết tật. Kết quả đầu ra của giáo dục học sinh khuyết tật chưa được như mong muốn. Độ tuổi chênh lệch của học sinh khuyết tật làm ảnh hưởng đến quá trình giáo dục của giáo viên. Chưa có quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Các ý kiến trao đổi trong hội thảo nhằm làm rõ những khó khăn, thách thức cho sự phát triển, trong đó có sự so sánh ưu việt, tính đa dạng của hệ thống giáo dục người khuyết tật các nước, đồng thời tập trung vào góp ý cho định hướng Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục người khuyết tật Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham luận trực tuyến từ chuyên gia Hàn Quốc |
Các chuyên gia đã đề xuất thực trạng hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm Giáo dục đặc biệt Hàn Quốc – GS. TS. Lee Pil Sang, Đại học KonYang, đã chỉ ra những việc làm cần thiết.
Ms. Anne Line Kihle, giảng Viên Đại học khoa học Ứng dụng Inland NaUy đưa ra thông tin về giáo dục hòa nhập Nauy và GS.TS Yasmin Binti Hussain, Đại học City University, Malaysia trình bày về giáo dục đặc biệt tại Malaysia. Các diễn giả cùng nhấn mạnh cần có sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực này.
Khuyến nghị với ngành GD&ĐT
TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Viện KHGD Việt Nam trình bày định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại Việt Nam, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TS Nguyễn Văn Hưng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, các Trung tâm HTPT GDHN tư thục chưa thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ; Đa số giáo viên dạy hòa nhập học sinh khuyết tật chưa được bồi dưỡng về giáo dục đặc biệt; Chưa có quy chế về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm HTPT GDHN.
Khuyến nghị được đưa ra với Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Trung tâm HTPT GDHN và hệ thống các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật. Ban hành quy định về vị trí việc làm giáo viên giáo dục đặc biệt trong các cơ sở giáo dục. Đầu tư nguồn lực phát triển chương trình, học liệu, sách giáo khoa và tài liệu dạy học đặc thù dành cho học sinh khuyết tật.
Kiến nghị từ chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. |
Khuyến nghị với các Sở GD&ĐT: Triển khai các phương thức giáo dục cho học sinh khuyết tật phù hợp với từng địa phương. Huy động tối đa nguồn lực từ công tác xã hội hóa đồng thời chủ động sử dụng hợp lý nguồn ngân sách công vào đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu dành cho giáo dục trẻ khuyết tật. Triển khai tập huấn, bồi dưỡng về giáo dục học sinh khuyết tật cho cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học.
Đưa học phần Giáo dục học sinh khuyết tật vào chương trình đào tạo giáo viên. Triển khai tập huấn, bồi dưỡng về Giáo dục học sinh khuyết tật cho cán bộ quản lý và giáo viên các cấp học. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Phối hợp chặt với các ngành lao động, y tế trong việc phát hiện, xác định khuyết tật và thu thập dữ liệu về giáo dục người khuyết tật.
Thực thi các chính sách về giáo dục cho người khuyết tật (bao gồm cả chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh khuyết tật). Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công tác giáo dục người khuyết tật tại địa phương nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu giáo dục của người khuyết tật và gia đình người khuyết tật.
Từ thực tế kinh nghiệm hoạt động và quản lý, điều hành các hoạt động liên quan, các đại biểu đã ý kiến về định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tại Việt Nam, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo “Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm tạo diễn đàn khoa học, trao đổi kinh nghiệm hệ thống cơ sở giáo dục người khuyết tật của một số nước trên thế giới từ đó định hướng xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục cho người khuyết tật Việt Nam. – GS Lê Anh Vinh.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại