Quy định về tham gia giao thông công cộng của người khuyết tật!

(ĐHVO). Ngày nay, dân số đô thị tăng kéo theo nhu cầu vận tải tăng cao dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến ngày một phức tạp. Do đó, sử dụng giao thông công cộng là một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề trên. Bên cạnh các lợi ích đối với việc giải quyết vấn đề ùn tắc, giao thông công cộng thì phương châm đảm bảo an toàn, giá rẻ, tiện dụng đặt lên hàng đầu đối với mọi người nói chung và người khuyết tật nói riêng. Vậy, pháp luật đã có những quy định nào nhằm khuyến khích, hỗ trợ người khuyết tật sử dụng các phương tiện giao thông công cộng? Xin mời bạn đọc cùng Trung tâm tư vấn pháp luật tìm hiểu sâu hơn về vấn đề trên.

Câu hỏi: Xin chào luật sư, em tên là N.T.A, em năm nay 18 tuổi, là người khuyết tật nặng. Sắp tới em sẽ lên Hà Nội học đại học, vì vậy em rất muốn tìm hiểu về các quy định về tham gia giao thông công cộng của người khuyết tật. Kính mong luật sư giải đáp giúp em, em xin chân thành cảm ơn!

Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt giải đáp thắc mắc của em như sau:

I. Căn cứ pháp lý

Luật Người khuyết tật năm 2010;

Nghị định 28/2012/NĐ-CP;

– Thông tư số 62/2014/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 82:2014/BGTVT

II. Giải quyết vấn đề

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.”

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định: “Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.”

Phương tiện giao thông công cộng mà người khuyết tật có thể sử dụng bao gồm xe buýt, xe khách tuyến cố định, taxi, máy bay, tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy,…

Theo quy định tại Điều 42 Luật Người khuyết tật: Phương tiện giao thông để người khuyết tật có thể tiếp cận phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật; có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật. Bên cạnh đó, cần đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về thiết kế theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận, số lượng phương tiện giao thông tiếp cận trên từng tuyến vận tải hành khách phải thực hiện theo lộ trình và tỷ lệ do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Mỗi loại phương tiện giao thông công cộng có những quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận riêng biệt như sau:

Thứ nhất, xe buýt: Đơn vị tham gia vận tải công cộng bằng xe buýt phải xây dựng phương án, trang bị, cải tạo phương tiện giao thông công cộng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận trên các tuyến vận tải theo tỷ lệ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận theo từng thời kỳ đến năm 2015, 2020 và 2025 theo quy định của UBND cấp tỉnh. Ngoài các yêu cầu kỹ thuật chung còn phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật riêng được quy định tại phần 2 Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 302-06 của Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 02/3/ 2006.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng khi tham gia giao thông công cộng bằng xe buýt thì sẽ được miễn giá vé, giá dịch vụ. Hiện nay, mạng lưới xe buýt ở Hà Nội rất phát triển, có nhiều tuyến xe cố định với lịch trình di chuyển khá dày đặc, khoảng 20 phút/ chuyến. Do vậy, em có thể sử dụng xe buýt để di chuyển để đảm bảo an toàn, tiện lợi và cũng tiết kiệm kinh phí cho mình trong quá trình học tập trên Hà Nội.

Thứ hai, xe khách tuyến cố định: Thông tư số 62/2014/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 82:2014/BGTVT về Ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng thì ô tô khách thành phố từ 17 chỗ ngồi trở lên phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định trong quy chuẩn này và phải được kiểm tra, thử nghiệm theo quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Người khuyết tật được giảm tối thiểu 25% đối với xe ô tô vận tải khách theo tuyến cố định.

– Thứ ba, đối với máy bay: hành khách là người khuyết tật phải được hãng hàng không quan tâm chăm sóc trong quá trình vận chuyển. Người khai thác phải xây dựng phương thức vận chuyển hành khách có khả năng di chuyển hạn chế như hãng hàng không phải thực hiện các nghĩa vụ vận chuyển hành khách là người khuyết tật như đối với hành khách thông thường, bố trí nhân viên chăm sóc, hỗ trợ; đồng thời có trách nhiệm tổ chức và triển khai các loại hình dịch vụ hỗ trợ trong quá trình vận chuyển. người khuyết tật được miễn phí cước vận chuyển công cụ hỗ trợ (xe lăn, nạng, gậy dẫn đường,…); loại dịch vụ hỗ trợ bắt buộc cho từng đối tượng hành khách đặc biệt,… người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng phương tiện giao thông công cộng sẽ được ưu tiên mua vé tại cửa bán vé, được sử dụng chỗ ngồi dành cho các đối tượng ưu tiên; được giảm tối thiểu 15% đối với máy bay.

-Thứ tư, tàu hỏa: Luật Đường sắt năm 2017 quy định: Ga hành khách phải có công trình, thiết bị chỉ dẫn tiếp cận cho người khuyết tật và đối tượng được ưu tiên theo quy định của pháp luật; hệ thống điện thoại khẩn cấp, phương tiện sơ cứu y tế( điểm d, khoản 2 Điều 16); Phương tiện giao thông đường sắt phải có thiết bị cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng ( điểm b, khoản 1 Điều 33). “Trên toa xe khách phải có… thiết bị phục vụ người khuyết tật”; đối với tàu hỏa tốc độ cao cần đảm bảo thuận tiện cho hành khách và bảo đảm tiếp cận sử dụng cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật. Đồng thời đối với toa xe khách tiếp cận người khuyết tật phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại QCVN 18:2011/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra, nghiệm thu toa xe khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Khi di chuyển bằng tàu hỏa tuyến cố định thì người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng được giảm tối thiểu 25% giá vé.

Để được hưởng những ưu đãi này, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng cần xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật cho đơn vị vận tải công cộng.

Nhìn chung các tổ chức, cá nhân quản lý, kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp người khuyết tật lên, xuống phương tiện được thuận tiện. Phương án trợ giúp này phải được thông báo ở nhưng nơi dễ nhận biết tại các bến, nhà ga để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng. Trách nhiệm không chỉ thuộc về các tổ chức, cá nhân điều hành, quản lý vận tải mà còn thuộc về hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện giao thông công cộng cùng với người khuyết tật có trách nhiệm nhường chỗ, ưu tiên cho người khuyết tật; phối hợp với nhân viên phục vụ của đơn vị vận tải trợ giúp người khuyết tật tham gia giao thông an toàn, thuận tiện.

Trên đây là giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt về thắc mắc của em. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp em tháo gỡ được những vướng mắc đang gặp phải.

Tiểu Nguyên

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang