Quy định của pháp luật về việc tìm kiếm và đảm bảo việc làm cho Người khuyết tật

(DHVO) Việc làm có một vai trò vô cùng quan trọng đối với NKT. Việc làm không chỉ giúp NKT có thu nhập ổn định cuộc sống mà còn giúp họ hòa nhập cộng đồng, và đặc biệt là để họ thấy rằng mình cũng được bình đẳng như những người bình thường khác. Chính vì lẽ đó mà pháp luật đã đặt ra những quy định cụ thể để bảo vệ quyền của NKT trong lĩnh vực việc làm, góp phần tạo điều kiện cho NKT được thụ hưởng quyền lợi của mình trên cơ sở không phân biệt đối xử và bình đẳng. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề việc làm và bảo đảm việc làm cho NKT còn gặp nhiều khó khăn.

Còn nhiều rào cản tạo việc làm cho NKT

Có thể kể đến trường hợp của chị Ngô Thị Kim Oanh (người khuyết tật ở Thường Tín – Hà Nội) sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và bươn chải tìm việc, chị được tuyển vào làm việc ở một vài Tổ chức phi Chính phủ nước ngoài dưới dạng hợp đồng ngắn hạn để giúp đỡ những NKT khác. Thế nhưng, khi các dự án này kết thúc, chị lại rơi vào tình trạng thất nghiệp. Sau 4 năm tìm việc mới nhưng đều vô vọng, chị chán nản và quyết định trở về sống dựa vào bố mẹ già. Mặc dù sở hữu một nền tảng giáo dục vững chắc, người phụ nữ này vẫn không thể tìm được cho mình một công việc đúng với năng lực của mình bởi cái nhìn phân biệt đối xử từ các nhà tuyển dụng, chỉ vì chị gặp khó khăn trong việc đi lại do căn bệnh bại não mà chị mắc từ bé. Sau đó, chị trở về địa phương và may mắn nhận được sự động viên giúp đỡ của mọi người người xung quanh, giờ đây chị Oanh đã trở thành thủ quỹ của một trung tâm hỗ trợ cho NKT ở địa phương.

Có thể thấy, trường hợp của chị Oanh là một trong “rất rất nhiều” câu chuyện về sự khó khăn khi tìm kiếm việc làm của NKT. Mặc dù ban đầu chị Oanh đã vượt qua được mặc cảm bản thân, nỗ lực học tập, làm việc nhưng lại gặp phải rào cản xã hội ở đây chính là các nhà tuyển dụng. Xét về mặt lợi ích, nhà tuyển e ngại nhận người khuyết tật do quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ bảo hiểm, tiền lương,… Xét về mặt tâm lý, họ còn đặt nặng vấn đề về sức khỏe, trình độ của NKT,… liệu có đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không?… Đây là một vấn đề cấp thiết, xét thấy cần phải được giải quyết để có thể đảm bảo được việc làm cho NKT nói chung và phụ nữ KT nói riêng.

Hay như vụ việc Vietcombank từ chối mở thẻ ATM cho 4 trường hợp câm điếc bẩm sinh tại Hà Nội vì cho rằng họ không đủ năng lực hành vi dân sự và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì không được phép.

Hoặc trường hợp khác, phải đi lại trên chiếc xe lăn, chị Nguyễn Thùy Chi, tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhiều năm nay vẫn đang loay hoay trên hành trình tìm việc làm. Dù đã đề đạt nguyện vọng ở một số nơi nhưng khi nhìn thấy chị phải di chuyển khó khăn, lo ngại không đủ sức khỏe nên những nơi chị nộp đơn đều khéo léo từ chối, dù họ nói rằng rất muốn tạo điều kiện để chị có một công việc tự nuôi sống bản thân. Chị Thùy Chi nhận ra, NKT khó tìm công ăn việc làm, lý do chính vẫn là những rào cản về nhận thức đối với họ. Dù không ít NKT đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn về khiếm khuyết của bản thân, trang bị cho mình vốn kiến thức và kỹ năng nhất định, song họ vẫn phải trăn trở với câu hỏi: Ai chấp nhận tuyển dụng NKT?

Quy định pháp luật hiện hành về chế độ việc làm đối NKT còn nhiều hạn chế, bất cập

Luật NKT năm 2010 không quy định việc ưu đãi việc làm cho NKT là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp, mà chỉ quy định mang tính chất khuyến khích. Tại Khoản 1 Điều 35 Luật NKT năm 2010 có quy định: “Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu tiên theo quy định tại quy định Điều 34 của Luật này”. Đây là một bất cập, vì thực tế cho thấy, tâm lý không muốn nhận NKT vào làm việc là tâm lý chung của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước đều có tình trạng này, vì việc bố trí việc làm cho NKT ngoài việc làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng nơi làm việc cho NKT còn có thể làm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, yêu cầu NKT trong khi làm việc. Vậy nên, dù có nhiều chính sách khuyến khích nhưng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn không muốn nhận NKT vào làm việc;

Như ta đã biết, trước đây, theo Nghị định số 81/CP của Chính phủ thì các doanh nghiệp được yêu cầu phải thuê 3% lao động là NKT (2% đối với các ngành công nghiệp nặng và nguy hiểm). Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đưa ra những quy định xử phạt đối với các doanh nghiệp không thực hiện Nghị định và sẽ đưa số tiền phạt vào Quỹ việc làm cho NKT. Tuy nhiên, Luật NKT năm 2010 đã bỏ quy định bắt buộc tỷ lệ lao động khuyết tật mà doanh nghiệp phải nhận nên quy định về đóng góp cho quỹ việc làm này cũng bị bãi bỏ. Việc không đặt ra quy định bắt buộc tuyển dụng lao động NKT vào làm việc như trước đây đã làm hạn chế việc bảo đảm quyền lợi cho NKT;

Bên cạnh đó, tại Điều 34 Luật NKT 2010 quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp”. Nếu so với các quy định trước đây thì quy định tại Điều 34 Luật NKT năm 2010 đã giảm bớt điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT khi giảm xuống còn 30% tổng số lao động trở lên là NKT thay vì 50% như trước đây. Hiện nay việc thực thi chính sách trên chưa thật sự hiệu quả. Rất nhiều doanh nghiệp có sử dụng người lao động khuyết tật vào làm việc đến 30% tổng số lao động nhưng vẫn khó để nhận được những ưu đãi về thuế và những hỗ trợ khác của Nhà nước như trong pháp luật quy định. Bởi lẽ thủ tục để làm hồ sơ xin miễn giảm thuế là phức tạp và còn phải gia hạn thường xuyên mỗi năm. Những công việc mang tính thủ tục hành chính trên cũng sẽ làm mất thời gian và tiền bạc không nhỏ của doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp không mấy thiết tha với những chính sách khuyến khích sử dụng người lao động khuyết tật của Nhà nước. Vô hình chung, chính sách trên không đạt được hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, trên thực tế, số cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT đạt tỷ lệ từ 30% tổng số lao động trở lên không nhiều, nên một số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là NKT – nhưng dưới 30% tổng số lao động – đã không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Điều này cũng là một bất cập, gây nên sự không bình đẳng giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là NKT với cơ sở sản xuất, kinh doanh không sử dụng lao động là NKT;…

Phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật

Để đảm bảo hiệu quả trong việc thực thi quyền của NKT về vấn đề việc làm, xét thấy cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng như sau:

Thứ nhất, có thể khẳng định rằng: quy định về cấm sử dụng NKT từ 51% trở lên làm thêm giờ vào ban đêm chỉ có thể được thực thi nếu được quy định rõ trong điều lệ của công ty và được phổ biến đến từng đơn vị sản xuất. Ngoài ra trong đầu vào tuyển dụng, NKT cũng cần phải được giám định mức độ khuyết tật để có thể bảo đảm việc thực hiện quyền này của NKT. Do đó, để đảm bảo thực thi hiệu quả quy định về bảo vệ NLĐ khuyết tật làm thêm giờ, xét thấy cần phải bổ sung thêm các văn bản hướng dẫn chi tiết về vấn đề này;

Thứ hai, cần bổ sung thêm các quy định pháp luật mang tính bắt buộc đối với các thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp, của các cơ quan công quyền trong việc dành những chỉ tiêu, yêu cầu thích hợp để tuyển dụng lao động khuyết tật;

Thứ ba, xét thấy hằng năm, biên chế Nhà nước nên dành một mức % nhất định ở các vị trí phù hợp với khả năng của NKT như ngành công nghệ thông tin, trực tổng đài, công việc văn thư lưu trữ… để tạo điều kiện cho những NKT có đủ khả năng và năng lực có thể có việc làm ổn định và đáp ứng chuyên môn của họ;…

Thật vậy, vấn đề việc làm đối với NKT quả thực là một vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền lợi của NKT trong vấn đề việc làm thì trước hết pháp luật cần phải đặt ra những quy định nhằm bảo đảm hơn nữa quyền lợi cho NKT trong lĩnh vực này, đồng thời xem xét các quy định đó trong mối tương quan về lợi ích với NSDLĐ, góp phần tạo cơ hội cho NKT được lao động, làm việc như những người bình thường khác, giúp họ cải thiện cả về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần, nhanh chóng vươn lên hòa nhập cộng đồng…

Thật vậy, vấn đề việc làm đối với NKT quả thực là một vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả quyền lợi của NKT trong vấn đề việc làm thì trước hết pháp luật cần phải đặt ra những quy định nhằm bảo đảm hơn nữa quyền lợi cho NKT trong lĩnh vực này, đồng thời xem xét các quy định đó trong mối tương quan về lợi ích với NSDLĐ, góp phần tạo cơ hội cho NKT được lao động, làm việc như những người bình thường khác, giúp họ cải thiện cả về đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần, nhanh chóng vươn lên hòa nhập cộng đồng…

Hồng Liên

Bài viết liên quan

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Picture1

Trường THPT Bắc Kiến Xương lọt top những ngôi trường hàng đầu Thái Bình

5-1712332006101296289476

Đóng học phí một lần: Thực hiện sao cho đúng luật?

z5314683295603_d42ec9ed4bb4a30f54fd34b04322fdfa

Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam: Nâng cao năng lực trong lĩnh vực quản lý vốn vay quay vòng dành cho hội viên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang