Quy định của pháp luật về quyền lợi của người khuyết tật trong doanh nghiệp

(ĐHVO). Việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động nói chung và đặc biệt đối với người khuyết tật nói riêng bởi giúp người khuyết tật có được thu nhập, ổn định đời sống. Tuy nhiên khi người sử dụng lao động nhận người lao động là người khuyết tật vào làm việc thì có quy định pháp luật về phân công công việc đặc thù dành cho người khuyết tật không?

Người khuyết tật là đối tượng lao động đặc thù nên các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân càng cần phải có sự quan tâm đặc biệt tới các đối tượng này nhằm đảm bảo cho họ được bình đẳng như những người lao động bình thường khác, tránh sự phân biệt đối xử. Tuần qua Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt nhận được câu hỏi của bạn đọc về vấn đề như sau: Tôi bị tai nạn lao động, hiện nay suy giảm khả năng lao động 40% thì tôi có được ưu tiên gì khi làm việc trong doanh nghiệp không?

Trả lời vấn đề của bạn, Đại diện Ban Cố vấn pháp luật của Tạp chí Điện tử Đồng Hành Việt – Luật sư Nguyễn Hồng Thái thuộc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật năm 2010:

“1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.

Theo quy định trên, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Do đó, người lao động bị suy giảm khả năng lao động 40% được xác định là người khuyết tật (phải có giấy tờ xác nhận khuyết tật). Vậy nên, khi bạn làm việc tại doanh nghiệp thì người sử dụng lao động cần áp dụng những quy định về sử dụng lao động là người khuyết tật.

Pháp luật không chỉ bảo đảm quyền việc làm cho người khuyết tật trong việc tuyển dụng (thiết lập quan hệ việc làm) mà còn có những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật trong quá trình thực hiện quan hệ lao động. Theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Bộ luật lao động năm 2012 quy định trong việc sắp xếp, bố trí công việc, môi trường làm việc, điều kiện làm việc: “1. Người sử dụng lao động phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại công việc để tuyển dụng và sắp xếp lao động….”.

Khi tuyển dụng người lao động là người khuyết tật vào doanh nghiệp thì người sử dụng lao động đã xem xét đến mức độ phù hợp với vị trí công việc tuy nhiên người sử dụng lao động vẫn cần tạo điều kiện hỗ trợ để người khuyết tật thích nghi với công việc và môi trường làm việc như: sắp xếp chỗ ngồi làm việc phù hợp, sắp xếp thời gian làm việc linh động, có chế độ khuyến khích, khích lệ lao động… Điều 33 Luật Người khuyết tật 2010 quy định: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.”

Môi trường làm việc phù hợp được hiểu là bất kì thay đổi nào trong môi trường làm việc hoặc thay đổi trong cách thức làm việc nhằm giúp người khuyết tật được hưởng cơ hội việc làm bình đẳng. Có ba hình thức tạo môi trường làm việc phù hợp đó là cải tiến quá trình xin việc, thay đổi môi trường làm việc hay cách thức làm việc, tạo điều kiện cho người khuyết tật hưởng một cách công bằng các phúc lợi và quyền lợi do công việc đem lại.

Ảnh minh họa – nguồn internet

Người lao động là người khuyết tật được đưa ra các ý kiến liên quan đến quyền lợi của mình theo Điều 177 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về sử dụng lao động là người khuyết tật: “Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.”

Hơn nữa, người lao động khuyết tật có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm 14 ngày làm việc, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động theo Điều 111 Bộ luật Lao động 2012.

Như vậy, doanh nghiệp tiếp nhận phải sắp xếp công việc cho bạn phù hợp với sức khỏe của họ theo kết luận của hội đồng giám định y khoa. Đồng thời, không được sử dụng người lao động khuyết tật này làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm quy định về sử dụng người lao động là người khuyết tật sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng theo Điều 13 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.

Trên đây là nội dung tư vấn của Tòa soạn Đồng Hành Việt. Bạn đọc có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng gửi vướng mắc về Tòa soạn theo email: toasoandhv@gmail.com hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt – 1900.6248 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Nam Phương

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang