Thời gian qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội ở Quảng Trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt để chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ về đời sống vật chất và tinh thần cho người khuyết tật (NKT).
Bên cạnh đó, NKT trên địa bàn tỉnh còn nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Sự quan tâm, chia sẻ ấy đã giúp đỡ, động viên NKT vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn hòa nhập cùng cộng đồng và đạt được nhiều thành tích trong học tập, trong lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo và tham gia các phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao…
Nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT; tạo điều kiện để NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT và hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình, ngày 31/3, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo đó, Quảng Trị đặt mục tiêu trong năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 80% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 350 trẻ em và NKT được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp.
Năm 2023, Quảng Trị đặt mục tiêu có 80% NKT được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức
Phấn đấu có 80% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục. 200 NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; 90% NKT có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
50% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. 100% NKT được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định.
Tỷ lệ NKT được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng ¼ tỷ lệ chung cả tỉnh. 50% huyện/thị xã/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao NKT có thể tiếp cận, thu hút 10% NKT tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 10% NKT được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 90% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng. 100% NKT có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
Tỉnh có 60% cán bộ làm công tác trợ giúp NKT được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ NKT; 30% gia đình có NKT được tập huấn về kỹ năng, phương pháp chăm sóc phục hồi chức năng cho NKT; 20% NKT được tập huấn các kỹ năng sống. 80% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau. 100% số huyện, thị xã, thành phố có tổ chức của NKT.
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về NKT; quyền, lợi ích hợp pháp của NKT và trách nhiệm của cộng đồng trong việc trợ giúp cho NKT; các dịch vụ đối với NKT nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật. Truyền thông nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành về thái độ, cách cư xử, làm việc với NKT, các phương pháp trợ giúp NKT và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, hỗ trợ NKT thông qua các buổi giao lưu, tập huấn…
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách của Nhà nước đối với NKT là đối tượng bảo trợ xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng, tạo điều kiện cho NKT cải thiện, ổn định cuộc sống và nâng cao chất lượng cuộc sống. Triển khai các chương trình hỗ trợ NKT thông qua chương trình giảm nghèo, chương trình giải quyết việc làm và lồng ghép các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ và trợ cấp đột xuất kịp thời cho NKT có hoàn cảnh khó khăn. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp bảo trợ xã hội đối với NKT.
Bên cạnh đó, thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ để thực hiện phẩu thuật chỉnh hình và cung cấp các dụng cụ trợ giúp như: phương tiện giả, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ khuyết tật.
Tổ chức các hình thức giáo dục hòa nhập trong các trường phổ thông, trường chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, trẻ em bị khuyết tật khác, tạo môi trường thuận lợi cho các em hòa nhập, tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật có năng khiếu tham gia các trường đào tạo bồi dưỡng năng khiếu. Xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức kỹ năng cho cán bộ, giáo viên nhân viên tại các cơ sở giáo dục; cụ thể hóa các chương trình sách giáo khoa, thiết bị giáo dục NKT, xây dựng các bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên và các điều kiện để thực hiện công tác giáo dục NKT.
Triển khai thực hiện trợ giúp NKT về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế; trợ giúp NKT về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế; trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng; trợ giúp NKT tiếp cận và tham gia giao thông; trợ giúp NKT tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông; trợ giúp NKT về pháp lý; hỗ trợ NKT trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch; hỗ trợ NKT sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; tăng cường năng lực chăm sóc, hỗ trợ NKT và giám sát đánh giá…
Theo Tạp chí Lao động và Thủ đô