Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 1.000 người khuyết tật có việc làm ổn định trên tổng số 8.630 người khuyết tật có khả năng lao động. Với số NKT gần 21.000 người, trong đó tổng số người khuyết tật không có khả năng lao động là gần 13.000 người, trông đó trên 4.000 NKT đặc biệt nặng, 11.633 NKT nặng đang hưởng trợ cấp xã hội.
Xác định người khuyết tật (NKT) do suy giảm về thể chất, tinh thần nên NKT bị hạn chế trong tham gia các hoạt động kinh tế, đời sống xã hội nhưng có một bộ phận không nhỏ NKT hoàn toàn có khả năng làm việc tốt, có thể tự nuôi sống bản thân. Nhằm tạo điều kiện để NKT tham gia sâu hơn vào đời sống xã hội cũng như đảm bảo công tác an sinh xã hội, thúc đẩy quyền, nghĩa vụ của NKT. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách riêng, ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề; đào tạo nghề, tạo việc làm, đặc biệt là tạo điều kiện tốt nhất để NKT có điều kiện làm việc, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, phát huy tối đa khả năng của mình qua đó tái hòa nhập cộng đồng.
Nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT được tỉnh triển khai thực hiện
Năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt và ban hành quyết định 2239/QĐ-UBND danh mục 44 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, trong đó có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT. Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ Quảng Ninh tiếp tục ban hành quyết định 1139/2017/QĐ-UBND danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, trong đó có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT. Song song với đó, Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quyết định thành lập “Quỹ Việc làm” dành cho NKT.
Bằng cách thức đa dạng, quyết liệt, cũng như sự chung tay của cả hệ thống chính quyền, đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có trên 841 /8.630 NKT có khả năng lao động được đào tạo nghề; trong đó đào tạo nghề từ chương trình dành cho NKT là 427 người. Từ năm 2010 – 2019, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 386 lao động là NKT. Gần 1.000 chỗ làm được bố trí cho người khuyết tật; trên 1.000 hộ gia đình NKT được vay vốn phát triển kinh tế; trên 60% người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng với mức cao hơn 1,5 đến 2,2 lần so với quy định chung…
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã vận động thành lập và ban hành quyết định công nhận 14 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động là NKT trở lên. Các cơ sở này hiện đã và đang tạo việc làm cho 201 lao động NKT với mức thu nhập từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Quỹ Việc làm dành cho người khuyết tật cũng dành trên 14 tỷ đồng từ nguồn thu của các doanh nghiệp chưa sử dụng đủ tỷ lệ lao động là NKT hỗ trợ kinh phí 4 doanh nghiệp mua sắm thiết bị, tăng vốn đầu tư nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho NKT.
Cùng với việc quyết liệt triển khai và thực hiện các biện pháp hành chính nhằm trợ giúp NKT qua công tác dạy nghề, tạo việc làm, vận động doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dung người lao động là NKT. Hệ thống các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh cùng các tổ chức, xã hội cũng tiến hành các hoạt động hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo công tác an sinh xã hội.
Đặc biệt các sở, ban, ngành của tỉnh đã phối hợp thực hiện khám sàng lọc cho 1.395 người và phẫu thuật chỉnh hình thành công cho 222 người và trang cấp 270 dụng cụ chỉnh hình cho NKT vận động. Ngoài ra, Các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã phối hợp cấp 734 xe lăn, 261 chân giả, 22 tay giả…từ nguồn tài trợ của Chính phủ Ấn Độ cho NKT. Trao tặng 100 máy trợ thính, trợ thanh, trợ thị cho NKT thuộc hộ nghèo; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ có sự tham gia của NKT… Qua đó chăm lo và động viên kịp thời đời sống vật chất cũng như tinh thần của NKT.
Tuy nhiên, dù đã thực hiện nhiều biện pháp dạy nghề, tạo việc làm, nhưng số NKT được hỗ trợ đào tạo nghề ở Quảng Ninh mới chiếm khoảng 4,5% số NKT có khả năng lao động. phần lớn NKT có việc làm không ổn định củ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo từ thiện. Mặt khác các doanh nghiệp chưa vào cuộc trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động là NKT. Mở lớp dạy nghề cho NKT gặp khó khăn (do khó tập trung được nhiều NKT học một lớp). Các cơ sở đào tạo chưa tích cực trong việc tham gia đào tạo nghề cho NKT. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề còn thiếu và chưa phù hợp với đối tượng là NKT.
Bên cạnh đó, bản thân NKT còn tự ti, chưa thật sự cố gắng vươn lên, còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Triển khai hoạt động Quỹ việc làm dành cho NKT còn gặp nhiều khó khăn, do các quy định về chế độ, nội dung chi còn hạn chế, chưa mở rộng. Do đó hiện tại Quỹ việc làm dành cho NKT của tỉnh chỉ sử dụng để hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho NKT hệ vận động, còn các nội dung khác cho NKT không được triển khai.
Người khuyết tật còn khả năng lao động hoàn toàn có khả năng lao động, nếu được cộng đồng, xã hội tạo điều kiện và môi trường phù hợp. Qua đó sẽ cải thiện từng bước đời sống vật chất, tinh thần, xóa bỏ kỳ thị hòa nhập cộng đồng./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội