Quảng Ninh: Định hướng nghề nghiệp cho trẻ khuyết tật

Song song với công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh) đẩy mạnh hướng nghiệp, kết nối với cơ sở dạy nghề để các em có việc làm, có thu nhập và tự tin hòa nhập cộng đồng.

Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng Phòng hành chính (Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh) cho biết, trong 3 năm trở lại đây, cùng với việc định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề, Cơ sở kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp đào tạo nghề cho khoảng 60 trẻ khuyết tật. Do đặc điểm sức khỏe, tâm lý của các trẻ nên Cơ sở đã hướng nghiệp, kết nối và đào tạo cho các em khuyết tật nghề làm mi, làm tóc, hoa pha lê, hoa đất sét, tranh cuốn giấy Nhật Bản…


Nhờ có sự hỗ trợ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, anh Văn Khắc Huấn bị câm điếc bẩm sinh đã mở được Salon tóc Á Đông (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long).

Đặc biệt, từ năm 2019, nhóm các nhà hảo tâm và salon tóc trên địa bàn TP Hạ Long hỗ trợ Cơ sở 1 phòng học và đào tạo nghề cắt tóc cho trẻ em, rất nhiều trẻ khiếm thính ở đây được học nghề làm tóc. Trong phòng học được trang bị các trang thiết bị phục vụ nghề làm tóc, như: Chậu rửa, ghế xoay, máy sấy tóc, giá đẩy tay để dụng cụ làm tóc, gương, ma nơ canh…. nên các em được làm quen với đầy đủ các trang thiết bị của salon tóc. Hàng tuần, các salon tóc cử nhân viên đến dạy nghề cho các em vào những ngày thích hợp.

Anh Vũ Ngọc Duy (chủ salon tóc Duy Anh), đại diện các salon tóc trên địa bàn TP Hạ Long cho biết: “Sau nhiều năm tổ chức cắt tóc miễn phí cho các em tại Cơ sở, chúng tôi có ý tưởng xây dựng một lớp học để đào tạo nghề cắt tóc miễn phí cho các em, đặc biệt là các em bị khiếm thính. Hi vọng rằng, lớp học sẽ là nơi định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề phù hợp để sau khi đến tuổi lao động, các em sẽ có việc làm, thu nhập cho bản thân”.

Các em khuyết tật sau khi được định hướng và đào tạo nghề tại Cơ sở nếu có nhu cầu và khả năng, các em được Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt kết nối với các salon tóc để học nâng cao. Salon Duy Anh hiện đang là nơi 2 em học sinh khiếm thính Nguyễn Hồng Sơn (SN 2003) và Nguyễn Ngọc Phong (SN 2004) theo học nghề làm tóc.

Từ cuối năm 2020, sau khi các em học xong chương trình ở Cơ sở Bảo trợ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt 2 em được giới thiệu đến salon Duy Anh tiếp tục học nâng cao. Sơn và Phong, 2 trong số những bạn nhỏ khuyết tật ngày nào còn vụng về đưa từng đường kéo thì nay đã có thể tự tin đứng cắt tóc cho khách. Đây là 2 học trò khiếm thính, có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Sơn và Phong đều mơ ước trở thành thợ cắt tóc giỏi và có thể nuôi sống bản thân bằng nghề.

Duy cho biết, sau thời gian học tập tại trung tâm, một số bạn học sinh có năng khiếu, nắm được kỹ thuật được những salon trong Nhóm nhận vào làm việc chính thức. Tại đây, các em được hỗ trợ khoản thu nhập xứng đáng. Khi các em đã thành thạo, Nhóm tiếp tục hỗ trợ mở cửa hàng, cửa tiệm theo đúng sở trường và điều kiện kinh tế của gia đình. Phong hiện đã thành thạo kỹ thuật cơ bản, có thể cắt được những kiểu đầu đơn giản hoặc phụ cắt tóc. Còn Sơn sau chừng 4-5 tháng đào tạo, tay nghề đã cải thiện khá nhiều, hiện nắm được một số kỹ thuật cắt tóc khó, kỹ thuật nhuộm tóc… Các em đều đã có thu nhập chừng 1 triệu đồng/tháng để lo một phần ăn ở, đi lại.

Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh) hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng 102 trẻ. Trong đó, có 64 trẻ thuộc diện bảo trợ xã hội và 38 đối tượng tự nguyện.

Cũng theo bà Trần Thị Ngọc Anh, trẻ khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, vì thế việc hòa nhập cộng đồng, kiếm việc làm lại càng khó khăn hơn gấp bôi. Việc các em được hướng nghiệp nghề nghiệp, đào tạo nghề và đặc biệt là kết nối với các cơ sở nhận dạy nghề tạo việc làm sẽ mở ra cơ hội giúp các em có việc làm, thu nhập ổn định. Từ đó, các em sẽ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Nguồn Báo Điện tử Dân sinh


Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang