Quảng Ninh: Chú trọng công tác giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật

Nhằm tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật được tham gia môi trường giáo dục bình đẳng như các trẻ em khác, những năm gần đây, ngành giáo dục Quảng Ninh đã triển khai khá hiệu quả chương trình giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật ở cấp tiểu học.

Tỉnh Quảng Ninh xác định và lựa chọn giáo dục hòa nhập là phương thức chủ yếu để giáo dục trẻ khuyết tật. Vì vậy, tỉnh đã ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND ngày 14/8/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, tự kỷ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020; Quyết định số 2985/QĐ-UBND ngày 7/10/2015 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo giáo dục hòa nhập dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Ninh. Trong những năm qua, công tác huy động trẻ khuyết tật đến trường đã được triển khai thực hiện hiệu quả, số trường, lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập tốt, tỉ lệ huy động trẻ khuyết tật trong độ tuổi có khả năng học tập ra lớp học hòa nhập ngày càng tăng.

Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Với mục đích tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng giáo dục người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật được tiếp cận giáo dục chất lượng, bình đẳng và thân thiện; UBND tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch kinh phí và triển khai bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về giáo dục hòa nhập cho các cấp học. Đầu tư cải tạo, sửa chữa bổ sung thiết bị phục vụ công tác giáo dục hòa nhập cho các Phòng hỗ trợ tại Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái với tổng kinh phí 1.877 triệu đồng; tổ chức thẩm định và cấp phép hoạt động giáo dục cho 3 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Những hoạt động trên đã phần nào giúp học sinh khuyết tật nâng cao khả năng nhận thức; nắm bắt được những kiến thức cơ bản của chương trình học; chủ động, linh hoạt hơn trong sinh hoạt của bản thân và cách ứng xử với các tình huống. Thực tế qua khảo sát mới đây của Sở Giáo dục và Đào tạo, hầu hết các học sinh tham gia chương trình giáo dục hoà nhập hàng năm đều có tiến bộ rõ rệt về học lực và đặc biệt không còn trường hợp học sinh nghỉ học do sức ép chương trình học hay không hoà nhập được với tập thể lớp. Nói về chương trình này, cô giáo Phạm Thị Hường, người phụ trách nội dung giáo dục hoà nhập cho học sinh khuyết tật Trường THCS Bình Dương phấn khởi cho biết: “Trường Bình Dương có 2 học sinh khuyết tật. Đến nay các em đã biết chú ý nghe giảng, không vẽ bậy lên sách vở, lên bàn ghế; các em cũng đã hứng thú tham gia chơi cùng các bạn, tươi vui, phấn khởi, hiền tính hơn thay vì ngồi một chỗ và nhiều khi la hét, đập phá đồ đạc như trước kia…”. Còn chị Nguyễn Thị Thường, phụ huynh một học sinh khuyết tật ở Trường THCS Đông Mai (TX Quảng Yên) chia sẻ thêm: “Có con khuyết tật đi học chúng  tôi thật sự rất lo lắng. Bởi trẻ khuyết tật có rất nhiều hạn chế trong nhận thức, hạn chế trong việc kiềm chế cảm xúc. Do đó, các cháu dễ bị thụt lùi so với các bạn cùng trang lứa. Điều này đương nhiên làm cháu ngày càng tự ti, buồn nản, bất cần hơn. Thế nhưng với chương trình giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật được triển khai trong năm học vừa qua thì tôi thấy bước đầu đã có những giải pháp khắc phục những điểm yếu cho trẻ khuyết tật, giúp các cháu phần nào lấy lại tự tin và phấn khởi mỗi khi đến trường…”.

Có thể khẳng định chương trình giáo dục hoà nhập cho học sinh khuyết tật đã và đang là cách hỗ trợ thiết thực nhất cho trẻ khuyết tật tại trường học. Tuy nhiên, chương trình này hiện đang gặp không ít khó khăn, tồn tại. Đơn cử như thực trạng nhiều trường học chưa có cơ sở hạ tầng dành cho trẻ khuyết tật; chưa xây dựng đội ngũ giáo viên và chương trình giảng dạy chuyên biệt phù hợp từng loại hình khuyết tật; vẫn còn tình trạng gia đình và bản thân trẻ khuyết tật vì xấu hổ đã cố tình giấu hoặc giảm nhẹ tình trạng khuyết tật của mình, gây ra khó khăn cho giáo viên, nhà trường… Bởi vậy thiết nghĩ, để chương trình giáo dục hoà nhập cho học sinh khuyết tật thật sự đạt được những hiệu quả như mong muốn thì cả phía nhà trường và gia đình đều cần phải có những cố gắng, nỗ lực, tích cực hơn nữa.

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, 90% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 85% trẻ em khuyết tật có nhu cầu được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 90% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng…
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang