Quảng Ninh chăm lo, đồng hành cùng người khuyết tật

Người khuyết tật (NKT) là người có một hoặc nhiều khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, vì thế gây ra suy giảm đáng kể và lâu dài đến khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày. Thấu hiểu những khó khăn của NKT, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của Quảng Ninh đã dành rất nhiều sự quan tâm, vận động nhiều nguồn lực, mang ý nghĩa lan tỏa tấm lòng nhân ái, giúp NKT có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Lớp dạy may cho NKT do Câu lạc bộ NKT thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) tổ chức từ tháng 3 đến tháng 7/2021.

Lớp dạy may cho NKT do Câu lạc bộ NKT thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) tổ chức từ tháng 3 đến tháng 7/2021.

Thực hiện các quy định của Trung ương về chính sách trợ giúp NKT, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản, nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn các hoạt động và ưu tiên tập trung nguồn lực trong việc hỗ trợ đối tượng NKT trên địa bàn. Điều này được thể hiện qua các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH từng giai đoạn và hằng năm của tỉnh.

Hệ thống chính sách đối với NKT ở Quảng Ninh cũng được quan tâm và có nhiều điểm mở rộng, có lợi cho NKT. Theo tổng kết của Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2010-2020, mức chuẩn trợ giúp xã hội đã tăng lên 350.000 đồng/tháng (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định), đảm bảo hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cơ bản của NKT.

Ông Lê Văn Mạnh, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Chính sách đối với NKT của Quảng Ninh được xây dựng, phát triển trên nền tảng chính sách của Nhà nước, được hoàn thiện phù hợp, bổ sung theo từng nhóm chính sách, phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của tỉnh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác an sinh xã hội.

Theo đó, hằng năm vào dịp Ngày NKT Việt Nam (18/4), tỉnh đều tổ chức Chương trình “Nối vòng tay nhân ái vì NKT&TMC”, nhằm tuyên truyền, vận động toàn xã hội chung tay trợ giúp NKT. Đồng thời, công tác tuyên truyền phổ biến luật NKT được các sở, ngành, địa phương thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Giai đoạn 2014-2020, toàn tỉnh tổ chức 57 hội nghị truyền thông tại cộng đồng cho 4.470 người; in 20.000 tờ rơi; phát hành 7.000 cuốn “Chính sách pháp luật dành cho NKT” và 3.000 cuốn sổ tay “Ngôn ngữ ký hiệu”.

Đặc biệt, NKT trong tỉnh còn được quan tâm, hỗ trợ về nhà ở, tạo cuộc sống ổn định. Riêng năm 2020, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã phối hợp với các địa phương rà soát, thống nhất và quyết định hỗ trợ xây dựng 107 nhà ở cho NKT&TMC thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đối với công tác khám chữa bệnh, NKT cũng được tạo  điều kiện chăm sóc tốt nhất như: Cấp thẻ BHYT, ưu tiên  giường bệnh riêng khi điều trị nội trú.

Cùng với đó, công tác phục hồi chức năng cho NKT được quan tâm, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 27/7/2012 về việc hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động cho NKT hệ vận động trên địa bàn tỉnh. Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật chỉnh hình và trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho NKT hệ vận động, hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng và 01 người nhà đối tượng trong thời gian phẫu thuật với mức 50.000 đồng/ngày (không quá 15 ngày), hỗ trợ tiền đi lại cho đối tượng và 01 người nhà đối tượng từ nơi ở của đối tượng đến cơ sở phẫu thuật theo quãng đường thực tế, hỗ trợ chi phí thù lao cho 01 người nhà hướng dẫn đối tượng tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật với mức 50.000 đồng/ngày (không quá 15 ngày).

Kết quả từ năm 2013-2020, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện khám sàng lọc cho hơn 1.924 đối tượng là NKT hệ vận động. Trong đó, thực hiện phẫu thuật chỉnh hình thành công cho 238 đối tượng và trang cấp 321 dụng cụ chỉnh hình (bao gồm tay giả, chân giả, độn gót…) với tổng kinh phí là 3,24 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp NKT còn được thực hiện từ nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Từ nguồn tài trợ của Chính phủ Ấn Độ đã có 261 NKT được làm chân giả, 22 người được làm tay giả, 52 NKT được cung cấp nạng; trang cấp 734 xe lăn với kinh phí 952,6 triệu đồng. Tổ chức POF đã phẫu thuật chỉnh hình cho 21 bệnh nhân khuyết tật, dị dạng, di tật.

Toàn tỉnh thành lập, công nhận 14 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT. Trong đó có 4 doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT được hỗ trợ vốn từ Quỹ việc làm dành cho NKT của tỉnh, để mua sắm thiết bị, hỗ trợ vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, tạo việc làm cho NKT.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch 168/KH-UBND ngày 14/9/2020 về thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 với nhiều nội dung và hoạt động cụ thể, thiết thực, nhằm hỗ trợ và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của NKT, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân với công tác NKT, giúp NKT vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội.

Theo Báo Điện tử dân sinh

Bài viết liên quan

Picture1

HỘI GIA ĐÌNH TRẺ EM VÀ NGƯỜI BẠI NÃO VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI CHẠY THIỆN NGUYỆN “NÂNG BƯỚC CHÂN EM” LẦN THỨ 6

SEE_5346

Trao giải cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Picture1

“Vá lành” những mảnh khuyết cuộc đời bằng đôi bàn tay khéo léo

z5916242329405_55c88a8cf81ef44bfcd7e6a8b48c7ad1

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI ĐẢM BẢO HÒA NHẬP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Picture1

Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam: Ủng hộ 87 người khuyết tật bị ảnh hưởng sau bão lũ

Picture3

NHU CẦU VỀ THÔNG TIN PHÁP LUẬT VÀ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG CÙNG MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CÔNG TÁC THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang