Theo số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có hơn 71.400 người khuyết tật; trong đó có hơn 15 nghìn người khuyết tật đặc biệt nặng, 48.010 người khuyết tật nặng và hơn 8.400 người khuyết tật nhẹ.
Những năm qua, cùng với các giải pháp về phát triển kinh tế – xã hội, các cấp chính quyền, ngành chức năng và tổ chức đoàn thể tỉnh Quảng Nam đã triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật ổn định đời sống vật chất, tinh thần. Qua đó, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.
Đặc biệt, để triển khai thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, trợ giúp, tạo điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống, tỉnh Quảng Nam đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tư pháp; trợ giúp học nghề – việc làm, tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông, sử dụng công nghệ thông tin truyền thông, bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, góp công sức tiền của, ngày công để hỗ trợ người khuyết tật ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm và tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Tiếp đến, để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Nam còn phối hợp với các Sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội về: chính sách trợ giúp xã hội, chính sách đối với người khuyết tật; phương pháp tiếp cận, cách xác định đối tượng; cơ chế phân bổ tài chính, đối mới cơ chế chi trả qua tổ chức dịch vụ…
Đối với công tác chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, hệ thống mạng lưới bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa phục hồi chức năng ở Quảng Nam cũng được củng cố và phát triển. Hiện tại, Quảng Nam có 27/34 cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng, trong đó có 3 đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng theo hướng đa ngành, bao gồm: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, dụng cụ trợ giúp.
Qua đánh giá, các cơ sở khám chữa bệnh cung cấp thực hiện được trên 50% dịch vụ kỹ thuật về phục hồi chức năng. Các cơ sở này cũng đã có nhiều nỗ lực để cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại nhà, kết hợp với chuyển tuyến theo tiếp cận đa chuyên ngành; hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và tham gia các hoạt động xã hội…
Để hưởng ứng ngày Quốc tế Người khuyết tật (03/12) năm 2023, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày 28/11, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Nam đã ban hành công văn đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam, các Sở, ban, ngành có liên quan, hội, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương; của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành về công tác người khuyết tật. Tuyên truyền về các chính sách trợ giúp người khuyết tật, quyền và trách nhiệm của người khuyết tật đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân, gia đình và bản thân người khuyết tật; tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, chống phân biệt đối xử đối với người khuyết tật là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số. Tuyên truyền những hoạt động có hiệu quả trong việc trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, các mô hình trợ giúp người khuyết tật, nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật và những người khuyết tật tự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
UBND các huyện, thị xã, thành phố và Hội Người khuyết tật tỉnh Quảng Nam tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc trợ giúp, chăm sóc người khuyết tật tại địa phương. Tổ chức các hoạt động gặp mặt, tặng quà, sinh hoạt, giao lưu, văn nghệ, thể thao… phù hợp, có sự tham gia của người khuyết tật; biểu dương, khen thưởng những tập thể/đơn vị, cá nhân có nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật; tuyên dương, động viên những người khuyết tật có ý chí và thành tích phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp…
Đồng thời, Vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trợ giúp người khuyết tật nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật; tổ chức thăm, hỏi, tặng quà, động viên người khuyết tật nghèo, khó khăn đột xuất.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Nam cũng đề nghị các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi, giải trí phù hợp cho người khuyết tật nhằm động viên, khích lệ về tinh thần, thể chất cho người khuyết tật tại cơ sở.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội