Quan tâm phát triển giao thông tiếp cận cho người khuyết tật

(ĐHVO). Giao thông vận tải là yếu tố quyết định thúc đẩy sự hòa nhập của NKT. Cùng với sự phát triển của đất nước, những năm gần đây, hệ thống giao thông vận tải nói chung, trong đó có phát triển giao thông tiếp cận cho NKT đã được cải thiện đáng kể. Từ thay đổi về nhận thức, các cơ quan, đơn vị đã quán triệt sang hành động một cách nghiêm túc, giúp NKT hòa nhập với cộng đồng. Song, trên thực tế, việc thiết kế công trình xây dựng để NKT có thể tiếp cận, sử dụng ít được quan tâm.

Bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật (NKT) tại các công trình công cộng là vấn đề hết sức cần thiết, thể hiện sự quan tâm, sẻ chia sẻ của cộng đồng xã hội với sự thiệt thòi và những khó khăn trong sinh hoạt mà NKT phải trải qua; hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội không vật cản đối với NKT, tạo điều kiện và cơ hội để NKT hòa nhập với cộng đồng.


Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Thái Nguyên mới được xây dựng tại Thành phố Thái Nguyên có đường tiếp cận dành cho NKT

Đây là nội dung đã được Đề án “Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020” ghi rõ: Đến năm 2020, 100% công trình trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước, nhà ga, bến tàu, bến xe, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao, nhà chung cư… bảo đảm tiếp cận cho NKT. Tuy nhiên đến nay, nhìn chung việc tiếp cận của NKT tại hầu hết các công trình nêu trên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Dễ dàng nhận thấy NKT gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, đến trường, đến các công sở để giao dịch hoặc tới những nơi vui chơi giải trí… bởi thiết kế của các công trình xây dựng hầu như chưa có đường tiếp cận dành cho họ. Không nằm ngoài tình trạng chung của cả nước, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tại các bến xe khách, khó có thể nhìn thấy một phương tiện nào hỗ trợ khi khách là NKT vận động lên xe. Hầu hết những khách khuyết tật về chân, khi đi đều phải có người nhà hộ tống và ngay cả họ cũng phải nhờ nhiều người hỗ trợ mới có thể lên xe. Tại các công sở cũng vậy, có không nhiều lối riêng cho NKT…

Mới đây, trong số 25 công trình cấp tỉnh được khảo sát tại Thái Nguyên, chỉ có 9 công trình có đường xe lăn như: Trụ sở UBND, HĐND tỉnh, Trụ sở tiếp công dân tỉnh, các sở: Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục – Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường (có thang máy từ tầng trệt), Nhà thi đấu thể thao, Phòng bán vé bến xe khách… Có những công trình mới xây dựng thời gian gần đây (xây dựng sau năm 2012) cũng không có đường xe lăn dành cho NKT như trường Trung cấp nghề Thái Hà và Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân…

Những câu chuyện về NKT gặp khó khăn trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc những nơi công sở, khu vui chơi giải trí… không hiếm gặp. NKT có tuổi đã khổ, nhưng vất vả và bất cập nhất vẫn là NKT trong độ tuổi lao động. Chính vì khiếm khuyết ấy mà họ có những hạn chế, thiệt thòi trong cuộc sống, khó có cơ hội tìm việc làm cũng như tham gia vào các hoạt động kinh tế, thương mại hoặc đến các trung tâm giải trí… Đây là rào cản hạn chế NKT hòa nhập cộng đồng cũng như phát huy năng lực và đóng góp của họ đối với xã hội.

Ông Lê Đình Cường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và quyền trẻ em Thái Nguyên cho biết, theo báo cáo khảo sát mới đây của Hội, với 245 công trình được điều tra trên địa bàn tỉnh (trong đó có 170 công trình được xây dựng trước năm 2012) thì chỉ có 35 công trình có đường xe lăn dành cho NKT, chiếm 14,28%, chủ yếu là các công trình ở cấp tỉnh và huyện. Khi được hỏi về nguyên nhân khiến công trình chưa có đường xe lăn cho NKT, chỉ có rất ít ý kiến đề cập lý do khiến công trình chưa có đường tiếp cận bởi không nhận được văn bản chỉ đạo; không thấy cấp trên nhắc nhở; đơn vị, cơ quan không có người đi xe lăn; không có người đi xe lăn đến giao dịch; thiết kế có nhưng không làm vì tăng kinh phí; không có mặt bằng để bổ xung… Còn lại, đa số (khoảng 95%) người được phỏng vấn đề cập đến lý do trong thiết kế không có đường dốc cho xe lăn.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, NKT luôn khát khao sự vươn lên để hòa nhập, nhiều người trong số họ đã làm cho xã hội thay đổi cách nhìn nhận mình một cách bình đẳng như những người bình thường. Họ có thể làm được nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ về họ, thậm chí họ có thể làm được những điều mà người lành lặn không ngờ tới. Rất nhiều tấm gương sáng, giàu nghị lực trong cộng đồng NKT đã vượt lên khó khăn để thành công trên nhiều lĩnh vực: Học tập, lao động sản xuất, thể thao, văn hóa nghệ thuật… Không chỉ tự vươn lên, rất nhiều NKT còn giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Không gian công cộng cho mọi người, trong đó có dành cho NKT đang là vấn đề cần được quan tâm trong xu hướng đô thị hóa ngày càng phát triển. Cùng với cả nước, kết quả khảo sát về đường giao thông tiếp cận dành cho NKT trên địa bàn tỉnh của Hội Bảo trợ người khuyết tật và quyền trẻ em Thái Nguyên sẽ là một trong những căn cứ quan trọng, góp thêm tiếng nói để các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cộng đồng những NKT rất mong muốn các cấp, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm rà soát lại hệ thống văn bản, các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn để sửa đổi, bổ sung cập nhật; đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc thẩm định, giám sát thực hiện, nghiệm thu, cấp phép đối với các công trình giao thông, đào tạo lái xe, văn hóa phục vụ…; hướng dẫn việc chấp hành luật pháp, chính sách của các tổ chức cá nhân trong các hoạt động giao thông vận tải, đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho NKT.

Đỗ Thị Thìn

Bài viết liên quan

Mạn đàm một số nội dung về tiếp cận quyền bầu cử, ứng cử của người khuyết tật

Cần làm tốt vai trò truyền thông liên quan đến người khuyết tật

Picture1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại tỉnh Nam Định

Picture1

Nam Định tiếp nhận ủng hộ đồng bào bị thiên tai

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc (ở giữa) cùng Chủ tịch HĐND Lê Quốc Chỉnh ủng hộ tại Lễ Phát động

Nam Định: Phát động ủng hộ đồng bào vùng lũ

Picture1

Cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người khuyết tật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang