(ĐHVO)“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em như búp măng non, là tương lai của gia đình, của đất nước. Nhưng đâu đó của cuộc đời, trong xã hội, chúng ta vẫn gặp không ít những trẻ thiệt thòi do bệnh tật bẩm sinh gây ra.
Hội chứng Down là một rối loạn di truyền gây nên bởi việc nhiễm sắc thể (NST) 21 bị thừa một phần hoặc toàn bộ, trong đó nổi bật là người bệnh sở hữu khuôn mặt đặc trưng, luôn trong tình trạng trì trệ tâm thần và thường gặp một số bất thường về hệ tim mạch, tiêu hóa…
Có một tỷ lệ nhất định những đứa trẻ sinh ra đã mắc hội chứng Down. Đây có thể nói là một cú sốc quá lớn đối với gia đình và người mẹ trẻ. Những người mắc hội chứng Down gần như luôn bị khiếm khuyết về cả thể chất và trí tuệ; chức năng miễn dịch kém. Khi trưởng thành, năng lực nhận thức của họ thường chỉ tương tự như trẻ 8 hoặc 9 tuổi và thường đạt được các mốc phát triển ở độ tuổi muộn hơn.
Nhìn chung, các giai đoạn phát triển của một bé mắc hội chứng Down cũng giống như một bé bình thường nhưng chậm hơn, các em phải mất nhiều thời gian để có thể học được những kỹ năng mà trẻ bình thường có thể nhìn một lần là đã bắt chước được. Nguyên nhân của hội chứng Down là do đột biến gây rối loạn NST hoặc có thể là do cha hoặc mẹ có tiền sử NSTbất thường
Ảnh về đứa trẻ mắc hội chứng down – ảnh minh họa (nguồn internet)
Trong cuộc sống hiện đại, mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con, nên các bậc phụ huynh thường quá bao bọc con trẻ, không để con phải vất vả, không để con phải làm việc nhà… Nhất là khi con lại là “Một mảnh khuyết”, phải chịu thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa nên cha mẹ muốn một phần nào bù đắp cho con. Đây là một sai lầm vì lâu dần con trẻ sẽ trở nên thụ động, ỷ lại, không tự giác làm việc và không biết làm bất cứ việc gì. Vì vậy hãy rèn cho con kỹ năng sống tự lập mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Ban đầu là hướng dẫn và cùng con làm, sau đó để con tự làm và có quan sát hỗ trợ để đến khi con đã làm thành thạo.
Sau tất cả những nỗ lực của gia đình, có những đứa trẻ đã có thể tự phục vụ bản thân mình: Biết chải tóc, đánh răng rửa mặt, mặc quần áo … Và còn biết giúp đỡ mẹ một vài việc nhỏ trong nhà như: Quét nhà, gấp quần áo…Những kỹ năng này, trẻ mầm non cũng có thể thực hiện được nhưng đối với trẻ mắc hội chứng Down thì phải qua một quá trình nỗ lực rèn luyện mới hình thành được.
Trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn mắc hội chứng Down cũng cần được chăm sóc y tế thường xuyên, từ thăm khám trẻ sơ sinh và tiêm phòng thông thường đến tư vấn sinh sản và chăm sóc tim mạch sau này trong cuộc sống. Cũng giống như những người khác, họ cũng được hưởng lợi ích hoạt động thể chất và hoạt động xã hội thường xuyên.
Bệnh Down chưa có biện pháp điều trị, trẻ bị bệnh phải sống chung với bệnh suốt đời và phải phụ thuộc nhiều vào người khác. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ vượt bậc của y học, ngày nay hầu hết các vấn đề này đã giải quyết được. Việc chăm sóc sớm và toàn diện người bệnh Down, tạo điều kiện và môi trường sống tốt hơn giúp người bệnh có tuổi thọ tăng đáng kể, một số người mắc bệnh này đã trở thành những người bình thường hoặc gần như bình thường, trở thành nghệ sĩ, họa sĩ, giáo viên, tốt nghiệp đại học, nhà hoạt động xã hội.
Nam Phương