Quan tâm dạy nghề tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Không may mắn như người bình thường, người khuyết tật (NKT) chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, đặc biệt là trong việc tìm kiếm và duy trì việc làm. Để hỗ trợ NKT, những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, giúp NKT giảm bớt sự lệ thuộc, vươn lên tự chủ trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.


Lớp dạy nghề mộc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cơ sở 2, xã Lộc An (thành phố Nam Định).

Nhiều hoạt động hỗ trợ NKT học nghề

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 42.221 NKT, trong đó có 31.895 NKT nặng và đặc biệt nặng được trợ cấp hàng tháng không có khả năng lao động, còn lại là NKT nhẹ. Thực tế, những NKT nhẹ còn sức khỏe đều mong muốn có việc làm, thu nhập để giúp đỡ gia đình, làm chủ cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Những năm qua, thực hiện Luật NKT, Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1019/2012/QĐ-TTg ngày 5-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2012-2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Luật và Đề án như: Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 10-6-2013 về thực hiện Đề án trợ giúp NKT đến năm 2020; Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 23-6-2015 về dạy nghề ngắn hạn cho NKT; Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 20-5-2015 về việc quy định mức chi phí đào tạo nghề và mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho NKT học nghề theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5-8-2012 của Thủ tướng chính phủ… Triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương và của tỉnh về thực hiện Đề án trợ giúp NKT, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách của Đề án, qua đó thu hút được NKT tham gia học nghề. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các cơ sở dạy nghề có uy tín, chất lượng và doanh nghiệp tổ chức các lớp học nghề dành riêng cho NKT gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo giúp họ có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, tự tin hoà nhập cộng đồng. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, thực hiện Đề án trợ giúp NKT, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có trên 1.200 NKT được hỗ trợ học nghề. Các nghề chủ yếu là: May công nghiệp, chạm khắc gỗ, xoa bóp bấm huyệt. Phương pháp đào tạo được thực hiện theo mục tiêu hiệu quả, NKT được dành phần lớn thời gian để thực hành, học theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Đối với người câm điếc, việc đào tạo nghề khá thuận lợi, tuy nhiên với các trường hợp chậm phát triển trí tuệ việc học nghề gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh Đề án trợ giúp NKT, hiện trên địa bàn tỉnh có Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cơ sở 2, xã Lộc An (thành phố Nam Định) và Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thủy dạy nghề cho các em khuyết tật. Các trung tâm dạy nghề như: Hội Người mù tỉnh và thành phố Nam Định, Hội NKT tỉnh… cũng tổ chức các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã chung tay dạy nghề, tạo việc làm sau đào tạo cho hàng chục NKT mỗi năm, tiêu biểu như: Công ty Cổ phần 27-7 Hải Hậu, Công ty Cổ phần Thương mại Minh Hương…

Mở “cánh cửa” việc làm cho NKT

Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cơ sở 2, nằm ở xã Lộc An (thành phố Nam Định) hiện nay đang đào tạo nghề cho 84 trẻ khuyết tật. Qua thực tế, việc học nghề ở Trung tâm đã thay đổi cuộc sống của nhiều em. Sau 3 năm học nghề ở Trung tâm, phần lớn các em đều đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp, trong đó tỷ lệ đạt khá, giỏi luôn chiếm trên 70%. Với tay nghề được đào tạo, nhiều em đã tìm được việc làm, thu nhập ổn định. Em Phạm Thành Công (24 tuổi), ở xã Lộc An (thành phố Nam Định), bị câm điếc bẩm sinh, sau khi hoàn thành khóa học may 3 năm ở Trung tâm đã vào làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Bạch Việt (CCN An Xá, thành phố Nam Định), có thu nhập 4 triệu đồng/tháng, tự trang trải cuộc sống và còn phụ giúp bố mẹ. Em Vũ Văn Tụ, quê ở xã Trực Thắng (Trực Ninh) làm mộc tại quê hương; các em Nguyễn Thị Linh, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc); Trần Thị Hoà, ở thị trấn Gôi (Vụ Bản) làm nghề may, thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng… Ở Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy có các lớp học nghề may công nghiệp, nghề điện dân dụng. Sau khóa học nghề ở trường nhiều em đã tìm được việc làm và có thu nhập ổn định như em Đặng Thị Lành, xã Hoành Sơn (Giao Thủy); em Phạm Văn Điền hiện là Trưởng phòng Kỹ thuật tại một Công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh, em Phùng Hữu Thanh làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin… Trung tâm đào tạo phục hồi chức năng, giáo dục dạy chữ, dạy nghề thuộc Hội Người mù tỉnh hàng năm tiếp nhận từ 40-60 học viên học các lớp: xoa bóp bấm huyệt, vi tính, chữ nổi braille. Trong đó, số học viên khi kết thúc khóa học môn xoa bóp, bấm huyệt có việc làm ngay sau đào tạo đạt tỷ lệ 99%. Nghề xoa bóp bấm huyệt cũng trở thành nghề chủ lực của NKT khiếm thị trên địa bàn với 41 cơ sở đang hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 164 lao động có thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Nhiều học viên sau khi học nghề tại Trung tâm đã đầu tư kinh doanh dịch vụ xoa bóp bấm huyệt tạo thu nhập ổn định cho mình và nhiều người khác như chị Nguyên Thị Nhâm, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), chị Lê Thị Mùi, thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường)… Công ty Cổ phần 27-7 Hải Hậu có tỷ lệ người lao động khuyết tật chiếm gần 55%. Những năm qua, Công ty đã dạy nghề cho hàng nghìn lượt học viên với các ngành nghề: may công nghiệp, cơ khí – hàn, điện nước… Cùng với tạo việc làm tại chỗ cho NKT, Công ty giới thiệu việc làm cho NKT tại các Công ty CP May Sông Hồng, Công ty May Hải Đường, Công ty May Hải Hà… Theo số liệu tổng hợp của các cơ sở dạy nghề, hàng năm, khoảng 60% số NKT sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định bình quân 2,5 triệu đồng/tháng. Cùng với sự hỗ trợ, chung tay của các doanh nghiệp, thời gian qua đã có hàng trăm lượt gia đình có NKT được hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi, tạo việc làm tại cộng đồng cho NKT. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 100 NKT có việc làm mới ổn định, hòa nhập cộng đồng.

Với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, sự chung tay của các doanh nghiệp và sự nỗ lực vươn lên của bản thân, nhiều NKT đã vươn lên làm chủ cuộc sống góp phần phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tỷ lệ khá lớn NKT chưa được học nghề phù hợp. Bởi vậy, để NKT hòa nhập cộng đồng tốt hơn rất cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành chức năng, sự chung tay của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và toàn xã hội./.

Theo Báo Nam Định

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang