(ĐHVO). Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) luôn lấy đối tượng người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác là mục tiêu phục vụ. Những năm gần đây, hoạt động TGPL đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đó là trao đổi của Ông Vũ Văn Chính – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thái Nguyên với Đồng hành Việt khi nói về vai trò của hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây. Với 15 viên chức, người lao động và 22 luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, việc đi cơ sở bị hạn chế, song chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, tổng số vụ việc TGPL do Trung tâm thực hiện là 583 vụ, tăng 284 vụ so với cùng kỳ năm trước (146%), trong đó số vụ việc thụ lý mới là 325 vụ, tăng 70 vụ so với cùng kỳ năm trước (128%). Thụ lý và thực hiện tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng: 5 trợ giúp viên pháp lý thực hiện được 135/260 vụ việc (chiếm 51,9%), 22 luật sư thực hiện được 125/260 vụ việc (chiếm 48,1%).
Ngay từ đầu năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh triển khai việc in và cấp phát mẫu đơn yêu cầu TGPL, tờ gấp pháp luật, sổ và các biểu mẫu theo quy định cho các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ sở giam giữ trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng. Để thực hiện tốt công tác phối hợp về TGPL, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp Thái Nguyên xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phối hợp thực hiện hoạt động tố tụng và kế hoạch kiểm tra của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trên địa bàn tỉnh.
Một buổi TGPL lưu động tại cơ sở của cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Thái Nguyên
Quan hệ giữa Trung tâm và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thông tin truyền thông, báo chí, chính quyền cơ sở cũng như với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình hoạt động nghiệp vụ TGPL phối hợp ngày càng chặt chẽ và đạt hiệu quả thiết thực. Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh các huyện, xã trên địa bàn để tuyên truyền về hoạt động TGPL, kết hợp tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại cơ sở, giúp người dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận thông tin, hiểu biết chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Các chuyên trang, chuyên mục về hoạt động TGPL, câu chuyện pháp luật… được đăng tải trên Báo, Đài tỉnh. Nhiều bảng thông tin về TGPL được xây dựng và treo ở nơi công cộng giúp người dân dễ tiếp cận. Trung tâm đã in và cấp miễn phí 20.000 tờ gấp về pháp luật cho người dân với các nội dung như: “Bạn và một số quy định về TGPL”, “Quyền và nghĩa vụ của người bị giữ, người bị bắt, người bị hại”…
Với người khuyết tật, Trung tâm cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2021 theo Quyết định số 2584/QĐ-BTP ngày 25/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nhiều vụ việc theo yêu cầu của người khuyết tật đã được Trung tâm cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Có thể kể đến như: Đối tượng Ma Văn Hùng, 23 tuổi, cư trú tại xóm Lũng 2, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, bị mù cả 2 mắt, thuộc trường hợp người khuyết tật nặng. Anh bị truy tố trước pháp luật về hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Sau khi được TGPL, căn cứ vào những tình tiết có thể giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xem xét cho hưởng khoan hồng của pháp luật, lấy giáo dục thuyết phục để cải tạo người lầm lỡ, anh đã được hưởng mức án thấp nhất do đại diện Viện Kiểm sát đề nghị. Hay đối tượng Trần Văn Tú, 35 tuổi, cư trú tại xóm Hộ Sơn, xã Nam Tiến, Thị xã Phổ Yên, bị câm điếc bẩm sinh. Anh đã được trợ giúp viên của Trung tâm hỗ trợ về pháp lý để giải quyết việc thuận tình ly hôn với vợ là chị Nguyễn Thị Hiền và vấn đề nhận trực tiếp nuôi con một cách thuận lợi, đúng pháp luật…
Có thể khẳng định, hoạt động TGPL, đặc biệt là những vụ việc được giải quyết thành công, hiệu quả đã và đang đảm bảo tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cũng như những người yếu thế trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động TGPL đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của chính sách TGPL trong đời sống xã hội, nâng cao uy tín của công tác TGPL trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước.
Đánh giá về hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Giám đốc Sở Tư Pháp Thái Nguyên khẳng định: Những năm gần đây, Trung tâm đã đổi mới hoạt động TGPL, tập trung thực hiện các vụ việc, đặc biệt chú trọng vào những vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người thuộc diện được TGPL trong tỉnh. Qua đó, số lượng vụ việc tham gia năm sau cao hơn năm trước, chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên, được nhiều cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng và tham gia tố tụng đã có nhiều chuyển biến; hoạt động truyền thông về công tác TGPL có nhiều đổi mới, góp phần tuyên truyền rộng rãi đến người dân để biết và thực hiện quyền được TGPL theo quy định.
Ông Vũ Văn Chính cho biết: Để tăng cường hơn nữa về chất lượng vụ việc TGPL, đảm bảo người được TGPL được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí với chất lượng tốt nhất, đồng thời tôn trọng sự thật khách quan, bảo đảm tính chính xác, toàn diện, kịp thời; tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá, tới đây, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Ngành Tư pháp Thái Nguyên thực hiện tốt TGPL trong hoạt động tố tụng; tăng cường TGPL cho người nghèo, người khuyết tật, trẻ em; mở các lớp bồi dưỡng và tập huấn, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động TGPL, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Đỗ Thị Thìn.