Quan điểm của luật sư về sự việc TMV Việt Hàn gây chết người

(ĐHVO). Vụ việc một nam nhân tử vong do hút mỡ bụng tại cơ sở Thẩm mỹ viện Việt Hàn đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Kết quả thanh tra của sở Y tế Hà Nội cho thấy, thẩm mỹ viện này không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Vậy quan điểm của Luật sư về trách nhiệm của cá nhân, cơ sở TMV Việt Hàn đến đâu?

Ngày 27/12, khoảng 9h15 tại cơ sở Thẩm mỹ viện (TMV) Việt Hàn tại số 83, đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy xảy ra vụ chết người trong quá trình làm đẹp. Bước đầu, nạn nhân được xác định là nam giới, sinh năm 1976, quê Vĩnh Phúc tới thẩm mỹ viện Việt Hàn, nạn nhân này được nghi là hút mỡ bụng nhưng trong quá trình xử lý, tiêm thuốc xảy ra phản ứng dẫn đến tử vong.

TMV Việt Hàn – nơi xảy ra tử vong

Đáng chú ý, kết quả thanh tra của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, thẩm mỹ viện Việt Hàn không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đơn vị này hoạt động cũng không do Sở Y tế cấp phép.

Theo giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, TMV Việt Hàn chỉ được cấp phép làm dịch vụ chăm sóc da (không dùng phẫu thuật, không gây chảy máu), phun, xăm thẩm mỹ (không dung phẫu thuật, không gây chảy máu), mua bán mỹ phẩm.

Đây chỉ là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thông thường do Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy quản lý. Cơ sở này cũng không được phép thực hiện các dịch vụ xâm lấn có gây chảy máu hoặc tiêm, truyền, phẫu thuật.”, ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Hiện phía cơ quan điều tra chưa có kết luận về nguyên nhân trực tiếp gây tử vong, người trực tiếp tham gia thủ thuật, trình độ, chứng chỉ hành nghề của ekip thực hiện ca hút mỡ bụng, … để xác định tội trạng của các cá nhân, pháp nhân có liên quan.

Chính vì vậy, Luật sư Đinh Nguyên (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bày tỏ, cơ quan điều tra quận Cầu Giấy cần nhanh chóng điều tra, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự của cá nhân, pháp nhân đã gây ra thiệt hại về tính mạng cho người dân.

Luật sư Đinh Nguyên (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

“Khi cơ sở thẩm mỹ làm chết người, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (theo Điều 129 Bộ Luật Hình sự 2015 hoặc “tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” (theo Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).” Luật sư Đinh Nguyên nhận định.

Trường hợp xác định người thực hiện thủ thuật không thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật, coi thường quy tắc nghề nghiệp, không tuân thủ theo những quy tắc đó dẫn đến hậu quả chết người thì có thể bị truy cứu về “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” với khung hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp xác định người có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh (như vi phạm quy định về hành nghề; về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định về chuyên môn kỹ thuật;…) , sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuộc hoặc dịch vụ y tế khác mà gây chết người thì có thể bị truy cứu về “tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” với khung hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Hơn nữa, Thẩm mỹ viện Việt Hàn không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chỉ là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thông thường mà thực hiện các dịch vụ xâm lấn có gây chảy máu hoặc tiêm, truyền, phẫu thuật điều này là trái quy định của pháp luật. Căn cứ Nghị định 109/2016/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định rõ: “Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người … làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể… chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.”

Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng (Khoản 6 Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP) đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng. Ngoài ra, cơ sở này sẽ phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho gia đình nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Thiết nghĩ, trước tình hình hoạt động tràn lan của các cơ sở thẩm mỹ đặc biệt không ít cơ sở chưa được cấp giấy phép hoạt động thì cơ quan nhà nước cần tăng cường kiểm tra, quản lý, xử lý sát sao, triệt để tránh tình trạng gây hậu quả nghiêm trọng như sự vụ vừa rồi.

Phạm Vân (Thực hiện)

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang