Quan điểm của Luật sư và chuyên gia về bảo vệ quyền lợi người khuyết tật

(ĐHVO). Bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật từ sớm, từ xa để không ai bị bỏ lại ở phía sau.

Trong thực tế, vẫn còn tình trạng người khuyết tật bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Luật người khuyết tật ở nước ta ra đời có những quy định liên quan để đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật cũng như xử lý đối với hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Để giúp bạn đọc có thêm góc nhìn đầy đủ về các quy định pháp luật hiện hành của nhà nước về người khuyết tật, phóng viên đã liên hệ phỏng vấn với Thạc sỹ – Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp. Thạc sỹ – Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Do bị khiếm khuyết trên cơ thể nên họ có những khó khăn nhất định trong sinh hoạt và hòa nhập cuộc sống, họ được xem là những người yếu thế và được pháp luật bảo vệ. Về nguyên nhân dẫn đến khuyết tật là khác nhau như do di truyền, hoặt do tai nạn, chiến tranh…Nhưng đối với người khuyết tật họ luôn cần sự quan tâm và chia sẻ từ người thân, cộng đồng xã hội để họ không bị mặc cảm, không cảm thấy bị bỏ lại phía sau. Việc chăm lo cho người khuyết tật đã trở thành trách nhiệm không chỉ của người thân, gia đình họ mà là của cộng đồng, xã hội, cả hệ thống chính trị. Xuất phát từ vấn đề đó, Luật người khuyết tật năm 2010 nước ta đã tiếp cận có tiếp thu, chọn lọc các chế định từ công ước Quốc tế về người khuyết tật mà nước ta tham gia ký kết. Vận dụng có sáng tạo phù hợp với bối cảnh điều kiện trong nước, trên cơ sở đó Luật đã ban hành nhiều quy định, chế định và biện pháp bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật. Luật người khuyết tật năm 2010 cũng định nghĩa rõ về hành vi Kỳ thị người khuyết tật đó là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Cũng theo Luật Người khuyết tật năm 2010 Hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, Luật quy định Điều 14 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định những hành vi nghiêm cấm trong đó nghiêm cấm hành vi “Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật”. Vì vậy những người nào có hành vi phân biệt đối xử đối với người khuyết tật sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 11 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em: “Cá nhân, tổ chức có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật sẽ bị xử phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng”. Ngoài ra theo quy định tại khoản 4 Nghị định 130/2021/NĐ-CP tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cá nhân, tổ chức có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người khuyết tật còn phải khắc phục hậu quả, chịu hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 3- 6 tháng hoặc tước giấy phép hoạt động. Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, hiện nay pháp luật đã có chế tài mạnh và đủ sức răn đe đối với bất kỳ ai có hành vi cố tình vi phạm quyền lợi của người khuyết tật. Do đó điều quan trọng là phải tổ chức, triển khai thực hiện luật trên thực tiễn.

(Thạc sỹ – Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Thái và Đồng Nghiệp – PV)

Còn theo Ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt – Tạp chí Đồng Hành Việt cho biết thêm: Trong những năm qua, công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến đưa Luật người khuyết tật đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Luật người khuyết tật ra đời đã đem lại nhiều quyền lợi và kịp thời bảo vệ được lợi ích cho người khuyết tật trên hầu hết các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao và du lịch, giao thông trợ giúp pháp lý..v.v,…Đặc biệt, luật cũng đã đưa ra những quy định chặt chẽ đối với các tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật. Cụ thể:

Về lĩnh vực giáo dục, người khuyết tật được hỗ trợ, tạo điều kiện để được học tập, được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn giảm một số môn học hoặc hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết, người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia,… Bên cạnh đó, Luật Người khuyết tật năm 2010 đã thể hiện được tính ưu việt khi đã quy định 03 phương thức giáo dục đối với NKT gồm phương pháp giáo dục chuyên biệt, phương pháp giáo dục hòa nhập và phương pháp giáo dục bán hòa nhập để phù hợp với những trường hợp khuyết tật khác nhau.

Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe tại nơi cư trú, trạm y tế cấp xã có trách nhiệm khám, chữa bệnh cho người khuyết tật. Người khuyết tật được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Người khuyết tật là người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm, có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác được hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí đi lại và chi phí điều trị trong thời gian điều trị bắt buộc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh. Tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp. Người khuyết tật được tạo điều kiện, hỗ trợ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Về lĩnh vực dạy nghề và việc làm, đây là vấn đề hết sức nan giải và khó giải quyết vì những khiếm khuyết của người khuyết tật, tuy nhiên Luật Người khuyết tật cũng đã đưa ra được những quy định để bảo vệ nhóm người này như: Người khuyết tật bảo đảm được tư vấn học nghề miễn phí, được lựa chọn và học nghề đúng khả năng. Khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và có đủ điều kiện theo quy định thì được cấp văn bằng, chúng chỉ và công nhận nghề đào tạo tại các cơ sở dạy nghề. Các cơ sở dạy nghề đảm bảo đủ điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật. Người khuyết tật được tạo điều kiện trong việc phục hồi chức năng lao động, tư vấn việc làm miễn phí để từ đó có việc làm phù hợp. Nếu như người khuyết tật có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để làm việc thì các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp hay các cá nhân sẽ không được từ chối thực hiện tuyển dụng, hạn chế cơ hội việc làm của người khuyết tật. Khi tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp tiến hành bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật. Đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động đối với người lao động là người khuyết tật. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người khuyết tật về việc vay vốn với lãi suất ưu đãi khi người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm.

Về lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, Người khuyết tật được tạo điều kiện để hưởng thụ các hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật. Người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng được miễn giảm giá vé khi sử dụng 1 số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch theo quy định. Người khuyết tật được tạo điều kiện phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao, tham gia biểu diễn và sáng tác nghệ thuật. Nhà nước hỗ trợ hoạt động thiết kế, chế tạo và sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân thiết kế, chế tạo, sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với người khuyết tật.

Về lĩnh vực giao thông, Người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông công cộng được sử dụng các phương tiện hỗ trợ hoặc sự trợ giúp tương ứng; được phép mang theo và miễn phí khi mang phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp. Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông  bằng một số phương tiện giao thông công cộng theo quy định. Người khuyết tật được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, truyền thông, trợ giúp pháp lý. Trong những năm qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý của Tạp chí Đồng Hành Việt đã chủ động đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Liên hiệp hội và Tạp chí tổ chức các chương trình tuyên truyền, vấn pháp luật, tổ chức hội thảo, xuất bản sổ tay tư vấn pháp luật cho hội viên người khuyết tật để trang bị kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ, nhờ trợ giúp pháp lý. Với phương châm tư vấn, phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm từ xa các điều kiện, yếu tố tác động làm phương hại, ảnh hưởng đến quyền lợi của người khuyết tật. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt đã kịp thời tham gia tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho nhiều hội viên người khuyết tật đã được các cơ quan chức năng tiếp thu giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho hội viên.

(Ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Tạp chí điện tử Đồng Hành Việt – PV)

Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các quy định pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu cơ chế giám sát, thực thi nên hiệu quả chưa cao; việc tuyên truyền đưa pháp luật về người khuyết tật còn có bất cập hạn chế; Chưa được các các cấp, các ban ngành và xã hội quan tâm đầy đủ, đúng mức; nhận thức của một số người dân vẫn còn xem nhẹ quyền lợi của người khuyết tật; Vẫn còn thiếu cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm đối với những hành vi vi phạm quyền lợi của người khuyết tật. Đa số những hành vi kì thị, ngược đãi người khuyết tật bị phát giác là do người trong cuộc tự phản ánh hoặc do báo chí truyền thông còn qua công tác quản lý như kiểm tra, thanh tra, giám sát vẫn còn ít. Một vấn đề nữa là khi có kỳ thị, hoặc phân biệt đối xử bất công người khuyết tật thường chọn lối ứng xử cam chịu, cho qua, không muốn đưa ra trước dư luận. Cũng theo ông Nguyễn Văn Nguyên, để Luật người khuyết tật và các chế định của luật đi vào thực tiễn được phát huy đầy đủ cần sự chung tay của các cấp các ngành, cả hệ thống chính trị. Trong đó cần quan tâm làm tốt công tác truyền thông gắn liền với trợ giúp pháp lý cả chiều sâu và rộng khắp các địa bàn, vùng miền, lĩnh vực với cách thức tổ chức đa dạng, linh hoạt, phù hợp để cho người dân và cộng đồng người khuyết tật được  dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra phải có cơ chế để đảm bảo thực thi quyền lực và luật trên thực tế./.

 Hưng Nguyên

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang