(ĐHVO). Phát huy vai trò của các chủ thể trong mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Bên cạnh đó, thông qua việc liên kết, hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản, tính tích cực xã hội và trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên tham gia các mô hình liên minh, liên kết, được khơi dậy và phát huy. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc phát huy vai trò của các chủ thể trong mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.
Liên kết sản xuất nông nghiệp là một chuỗi các hoạt động kinh tế tự nguyện của các chủ thể (nhà nông, nhà doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học, nhà nước, ngân hàng…) tham gia cùng có lợi, nhưng ràng buộc chặt chẽ với nhau theo một thỏa thuận trước, gắn với các hình thức tổ chức kinh doanh trong ngành hàng nông sản, chịu sự chi phối của các chế định thể chế, nhằm đạt được mục tiêu của các hoạt động tham gia quá trình liên minh, liên kết, hợp tác sản xuất.
Để kết nối các chủ thể tham gia mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chủ trương, chính sách nhằm tạo hành lang, cơ chế thu hút sự tham gia của các chủ thể nhằm hướng đến phát triển một nền nông nghiệp sinh thái hiện đại.
1. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành các chính sách, cơ chế, tăng cường liên kết kinh tế, đầu tư nông nghiệp, nông thôn, tạo mọi điều kiện để các chủ thể phát huy vai trò của mình
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân”[1]. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng quy hoạch vùng; đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng có hiệu quả, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng vùng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng”[2]; “Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, kinh tế hộ; phát triển các công ty cổ phần có sự tham gia rộng rãi của các chủ thể xã hội, nhất là người lao động”[3]; “Hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ”[4].
Với tinh thần trên, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện cởi mở chính sách, cơ chế, tăng cường liên kết kinh tế, đầu tư nông nghiệp, nông thôn, tạo mọi điều kiện để các chủ thể tham gia trong các mô hình liên minh, liên kết sản xuất nông nghiệp phát huy vai trò của mình. Trong đó, chú trọng phát triển nhanh đội ngũ “công nhân trí thức”, thừa nhận vai trò của doanh nhân, vai trò của các Hợp tác xã với trách nhiệm là cầu nối giữa người nông dân với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; thừa nhận vai trò chủ thể của người nông dân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện liên minh, liên kết trong nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã phải luôn sâu sát với nông dân, hiểu và nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu kinh tế, nhu cầu sản xuất của nông dân để có chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, công nghệ… và bao tiêu sản phẩm hàng hóa. Còn nông dân phải vượt qua tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ trong sản xuất và phải thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, chủ động liên kết, hợp tác với các chủ thể khác trong chuỗi sản xuất để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn mới.
Ở Việt Nam hiện nay, Nhà nước (chính quyền địa phương) là chủ thể thực hiện nhiệm vụ phát huy vai trò của các chủ thể khác trong mô hình liên minh sản xuất và tiêu thụ nông sản, đồng thời đóng vai trò “trọng tài” trong quá trình liên minh, liên kết kinh tế, là nhân tố “kiến tạo” quá trình hình thành và duy trì tính bền vững của các liên minh, liên kết kinh tế; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình hình thành các liên minh, liên kết “ba nhà”, “bốn nhà”, thông qua các cơ chế, chính sách….
Để thúc đẩy việc hình thành các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, xây dựng các hợp tác xã kiểu mới phát triển nhanh, trở thành nhân tố liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 461/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Mục tiêu đưa 15.000 hợp tác xã trở thành hạt nhân để liên kết với các doanh nghiệp, từ đó tạo thành hệ thống đồng trục cho gần 9 triệu hộ nông dân cùng các hợp tác xã, các doanh nghiệp tạo chuỗi khép kín, như hoàn chỉnh chu trình sản xuất từ khu vực tổ chức sản xuất, vùng nguyên liệu, chế biến và xúc tiến thương mại, trên cơ sở đảm bảo mục tiêu chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp.
2. Đề cao vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, gắn với yêu cầu xây dựng nông nghiệp sinh thái và phát triển bền vững
Nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân, xuất phát từ tình hình đặc điểm xã hội Việt Nam và yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2/1930) đã xác định phải “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản”. Để thực hiện được mục tiêu đó trước hết phải “xây dựng chính phủ công nông binh” và “thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân nghèo”, “bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo”. Như vậy, trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định vấn đề nông dân và ruộng đất là một trong những vấn đề cốt lõi của các mạng. Sự nghiệp giải phóng dân tộc chỉ có thể thắng lợi hoàn toàn khi giải quyết được vấn đề nông dân và ruộng đất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét vấn đề nông dân một cách toàn diện, nghĩa là không dừng lại ở vấn đề chính trị mà gắn liền với vấn đề kinh tế, vấn đề ruộng đất và kinh tế nông nghiệp. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, khi xem xét về mặt chính trị của vấn đề nông dân là cơ sở để xây dựng khối liên minh công, nông và trí thức, cơ sở để xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi gìành được độc lập dân tộc, liên minh công, nông, trí thức là nền tảng của chính quyền, là công cụ sắc bén trong công cuộc xây dựng và bảo về chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, trong phát triển lực lượng sản xuất đưa đất nước chuyển nhanh từ nền văn minh công nghiệp lên nền văn minh trí tuệ mà nền tảng là kinh tế tri thức. Trong phần “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức”, Nghị quyết Đại hội lần thứ X (2006) của Đảng cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Tranh thủ thời cơ thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa’’[5].
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân. Trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng nông thôn với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di dân quy mô lớn… Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”[6]. Như vậy, nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần được đầu tư theo hướng nông nghiệp sinh thái để tăng tính chống chịu với các rủi ro khí hậu, phi khí hậu và phát triển bền vững. Nông nghiệp phát triển dựa trên các tiến bộ khoa học công nghệ mang tính sinh thái cho phép đa dạng hóa sản phẩm, vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa bảo vệ được các tài nguyên tự nhiên như đất, nước, rừng, đa dạng sinh học, giúp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng (2022) đã đánh giá tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đưa ra Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định: nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh; phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; ý chí vươn lên, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường; được thụ hưởng những thành quả phát triển kinh tế – xã hội và tiếp cận các dịch vụ, tiệm cận với đô thị. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.
Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Trung ương 5 đã khẳng định: “nông dân và người dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nông sản nhiều loại hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc”[7]. Như vậy, có thể thấy, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại luôn được Đảng quan tâm và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững.
Trong các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ở bất cứ đâu thì vai trò của chủ thể nông dân bao giờ cũng phải được coi là trung tâm vì nông dân là lực lượng trực tiếp sản xuất và tạo ra sản phẩm nông nghiệp, các chủ thể khác (Nhà nước, doanh nghiệp, HTX, nhà khoa học…) phải xoay xung quanh chủ thể này. Do đó, đối với các mô hình này cần phải xác định và đánh giá đúng nhu cầu, lợi ích kinh tế của nông dân. Trên cơ sở đó, nhu cầu, lợi ích kinh tế của các chủ thể khác được thể hiện thành vai trò của các chủ thể trong quá trình liên kết sản xuất. Khi tham gia mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, mỗi chủ thể đều có nhu cầu, lợi ích kinh tế riêng nên khi nhu cầu, lợi ích kinh tế của các chủ thể phù hợp (tương đồng) với nhu cầu, lợi ích kinh tế của chủ thể trung tâm (nông dân) thì các chủ thể này sẽ bắt tay, hợp tác với nhau. Hiệu quả của các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp đến đâu phụ thuộc vào mức độ phù hợp giữa nhu cầu, lợi ích kinh tế của các chủ thể khác với nhu cầu kinh tế, lợi ích kinh tế của chủ thể nông dân.
Thực tế lịch sử vừa qua đã cho thấy rõ: Từ thiếu đói những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai, xuất khẩu hạt tiêu, hạt điều đứng thứ nhất trên thế giới… Đó là minh chứng hùng hồn cho thấy vai trò của việc chuyển đổi mô hình sản xuất trong nông nghiệp, thực hiện liên minh, liên kết giữa các chủ thể sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.
3. Tạo bước đột phá mới từ thực tiễn thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính Phủ, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa
Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã khẳng định giải pháp: Thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, đáng chú ý nhất là việc Chính phủ ban hành Quyết định 80, trong đó đã quy định: “Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa (bao gồm nông sản, lâm sản, thủy sản và muối) với người sản xuất (hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại, đại diện hộ nông dân), nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển sản xuất ổn định và bền vững”[8]. Theo Quyết định này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 05/2002/TT-NHNN, ngày 27/9/2002 hướng dẫn việc cho vay vốn đối với người sản xuất, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa… Sau 5 năm triển khai Quyết định 80, cho thấy có nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, để khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định, như vẫn còn nhiều địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng. Vì vậy Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg, ngày 25/8/2008, về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.
Từ năm 2017 đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản nhằm tăng cường liên kết kinh tế, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định số 65/2017/NĐ-CP, ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn, công nghệ trong phát triển, nuôi trồng, khai thác dược liệu; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Thông tư 04/2018/TT-BKHĐT, ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng chính phủ Phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định hướng nhiệm vụ phải thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến: Chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Dựa vào các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực, phát triển hợp tác xã, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị; lấy chuỗi giá trị của các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế chung giữa các địa phương tương đồng về điều kiện, “vượt qua” địa giới hành chính. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị; Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường[9].
Qua đó, đã mở ra hướng đi tích cực, giúp cho sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ, thu hút nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia.Thông qua hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản, bước đầu đã gắn trách nhiệm các doanh nghiệp với người sản xuất; nông dân có điều kiện tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả hợp lý, phấn khởi yên tâm sản xuất, thu nhập từng bước được nâng cao. Doanh nghiệp đã chủ động được nguyên liệu mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh; một số ngành hàng đã hình thành mô hình liên minh, liên kết giữa nông dân với DN… rồi tiến tới có sự liên kết “ba nhà”, “bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo bước đột phá mới cho sản xuất nông nghiệp hiện nay. Có thể thấy, với chủ trương khuyến khích của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như: đầu tư của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty TNHH Ba Huân, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt Úc đầu tư tại Bạc Liêu… Đặc biệt, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa), tiêu biểu cho khối doanh nghiệp nhà nước, Công ty TNHH Tấn Hưng (TP Hồ Chí Minh), thuộc khối doanh nghiệp tư nhân và Công ty chăn nuôi cổ phần Việt Nam (Thái Lan), tiêu biểu cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… được xem là những điển hình của việc liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả, rất đáng học tập.
Quá trình hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, không những đã làm thay đổi căn bản nếp suy nghĩ, cách làm (phương thức canh tác, đầu tư) của các chủ thể trong hợp tác, liên minh, liên kết, mà còn tạo cơ hội để mỗi chủ thể phát huy tính tích cực xã hội và thực hiện vai trò, trách nhiệm xã hội của mình vì sự phát triển chung của đất nước.
Ths. Phạm Thị Trọng Hiếu
Học viện Chính trị khu vực I
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, tập 1, Hà Nội.
4. Thủ tướng Chính phủ (2002): Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 6 năm 2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
5. Thủ tướng Chính phủ (2022): Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 Phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
————————————————————————————————————————————————————————-
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG Sự thật, H, tr.92.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, H, tập 1, tr127.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, H, tập 1, tr130.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, H, tập 1, tr141.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, tr.87.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, tập 1, tr166-167.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2022): Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.98-99
[8] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, ngày 24 tháng 6 năm 2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, Hà Nội, 2002.
[9] Thủ tướng Chính phủ (2022): Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 Phê duyệt chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.