(ĐHVO). Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, chiếm khoảng 7,06% dân số. Với tỷ lệ người khuyết tật ở Việt Nam khá cao thì việc phục hồi chức năng cho người khuyết tật là biện pháp cần thiết để giúp họ phục hồi tối đa những chức năng đã bị suy giảm hoặc đã mất do các khiếm khuyết về cơ thể gây ra.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Có thể hiểu phục hồi chức năng cho người khuyết tật là sử dụng những biện pháp tổng hợp về y tế, khoa học, giáo dục, kỹ thuật phục hồi hay tập luyện,…giúp người khuyết tật hạn chế được những khó khăn do tật nguyền, tạo cơ hội để họ hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất và cải thiện cuộc sống của chính họ. Với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về các dạng khuyết tật, các phương pháp, chương trình phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn giúp mọi người cách nhận biết, phát hiện, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho người khuyết tật một cách hiệu quả nhất.
Các dạng khuyết tật thường gặp ở Việt Nam có thể kể đến khuyết tật về vận động, khuyết tật các giác quan (khó khăn về nhìn, về nói, giao tiếp), khuyết tật về nhận thức (hội chứng Down, chậm phát triển trí tuệ), khuyết tật về tâm thần và các dạng khuyết tật khác. Những dạng khuyết tật trên khiến người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt, học tập, tìm kiếm việc làm và hòa nhập với xã hội. Do đó nếu người khuyết tật tiếp cận sớm việc phục hồi bằng phương pháp y học như sớm phát hiện nguyên nhân, mức độ khuyết tật, từ đó có sự can thiệp kịp thời sẽ làm giảm khả năng khuyết tật của họ. Cũng như tiếp cận các phương pháp phục hồi khác như phục hồi về tinh thần, sức khỏe, thể trạng, phục hồi về khả năng giao tiếp,…cũng sẽ cải thiện đáng kể những khó khăn mà họ gặp phải.
Các hình thức phục hồi chức năng cho người khuyết tật bao gồm phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại các viện, trung tâm; phục hồi chức năng cho người khuyết tật ngoài các viện, trung tâm; phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng,…Mỗi hình thức phục hồi lại có những ưu điểm, hạn chế riêng phù hợp với từng đối tượng người khuyết tật khác nhau. Trong đó, phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng được Bộ Y tế ưu tiên đẩy mạnh do có tính xã hội hóa cao, người khuyết tật cùng gia đình, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đều có thể tham gia nên được đánh giá chất lượng phục hồi tốt nhất. Đây là hình thức cán bộ y tế cơ sở, gia đình người khuyết tật sẽ được truyền dạy các phương pháp phục hồi chức năng và người khuyết tật được phát hiện, phục hồi chức năng tại cộng đồng theo kỹ thuật thích nghi.
Hình thức phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng sẽ sản xuất, tận dụng các dụng cụ trợ giúp phục hồi chức năng từ nguyên liệu sẵn có ở cộng đồng; nâng cao nhận thức về khuyết tật cho những người xung quanh; giúp đỡ đào tạo nghề, tăng thu nhập cho người khuyết tật và gia đình; hợp tác đa ngành và huy động mọi nguồn lực của cộng đồng,… Ngoài ra, người khuyết tật khác trong cộng đồng cũng có thể giúp đỡ nhau, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hay cùng nhau thành lập các nhóm tự lực. Tất cả hoạt động đều nhằm giúp người khuyết tật có thể phục hồi tối đa những khiếm khuyết, nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ những người xung quanh.
Với những lợi ích mà chương trình phục hồi chức năng mang lại, thiết nghĩ chương trình này cần được mở rộng và phát triển hơn nữa ở các tỉnh, địa phương để tất cả những người khuyết tật đều có cơ hội tham gia, cải thiện cuộc sống bản thân và hòa nhập bền vững với cộng đồng.
Hạ Linh