Phụ nữ khuyết tật mang thai được hưởng những khoản trợ cấp xã hội nào?

(ĐHVO). Mang thai, sinh con là thiên chức cao quý của người phụ nữ, đây là niềm hạnh phúc nhưng cũng là nỗi vất vả. Bởi lẽ, ở phụ nữ có thai, tình trạng nội tiết tố thay đổi, thiếu máu, thiếu sắt, ốm nghén,…. xảy ra khiến người phụ nữ dễ bị mệt mỏi. Đặc biệt đối với phụ nữ khuyết tật mang thai, sự khiếm khuyết, suy giảm chức năng khiến họ phải chịu nỗi vất vả, mệt mỏi ấy nhiều gấp bội lần so với những người phụ nữ khác. Vậy pháp luật đã có chế độ gì để hỗ trợ đối tượng này? Xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Câu hỏi: Tôi là Nguyễn Thị L. 25 tuổi, quê ở Nam Định, hàng tháng tôi được nhận trợ cấp khuyết tật của Nhà nước. Hiện tôi đang mang thai được 4 tháng, phải lo nghĩ nhiều thứ để chuẩn bị đón em bé chào đời. Tôi muốn hỏi ngoài trợ cấp dành cho người khuyết tật thì Nhà nước có được hỗ trợ thêm trợ cấp nào khác đối với trường hợp của tôi không? Xin Trung tâm pháp lý Đồng Hành Việt hãy giải đáp thắc mắc giúp tôi, tôi xin chân thành cảm ơn!

Sau đây, Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt xin tư vấn cho chị như sau:

I. Căn cứ pháp lý

Luật Người khuyết tật năm 2010;

– Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

II. Giải quyết vấn đề

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội.

Mặt khác, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 20/2021/NĐ-CP, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng dành cho người khuyết tật mang thai, mức tiền trợ cấp bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số (công thức: mức tiền trợ cấp = mức chuẩn trợ cấp xã hội x hệ số; trong đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội không thấp hơn 360.000 đồng tùy điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương). Hệ số tương ứng như sau:

– Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi. Như vậy, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai được hỗ trợ không thấp hơn 360.000 đồng x 1,5 = 540.000 đồng/tháng.

– Trong trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi thì họ được nhận mức trợ cấp với hệ số là 2,0. Như vậy, hiện nay mỗi một tháng thì người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ không thấp hơn 360.000 đồng x 2,0 = 720.000 đồng.

– Lưu ý:

+Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 20/2021/NĐ-CP như trên thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất. Ví dụ: Người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi 02 (hoặc nhiều hơn 02) con dưới 36 tháng tuổi là người thuộc diện hưởng cả hệ số 1,5 (đối với người khuyết tật nặng mang thai) và hệ số 2,0 (đối với người khuyết tật nặng nuôi từ 02 con dưới 36 tháng tuổi trở lên). Tuy nhiên, pháp luật quy định họ chỉ được hưởng một hệ số cao nhất là 2,0. Do đó, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi 02 (hoặc nhiều hơn 02) con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng không thấp hơn 360.000 đồng x 2,0 = 720.000 đồng.

Tương tự, người khuyết tật đặc biệt nặng đang mang thai và nuôi 02 (hoặc nhiều hơn 02) con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng không thấp hơn 720.000 đồng.

+ Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 20/2021 thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.

Ví dụ: Chị A và anh B đều là người khuyết tật nặng, kết hôn hợp pháp và có 02 người con là C (30 tháng tuổi) và D( 15 tháng tuổi). Hiện chị A đang mang thai con thứ ba. Vậy nếu xét riêng lẻ từng người, thì: Chị A là người khuyết tật nặng đang mang thai thuộc diện hưởng hệ số 1,5; anh B là người khuyết tật nặng nuôi 02 con dưới 36 tháng tuổi thuộc diện hưởng hệ số 2,0. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật đều thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng theo quy định trên thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ.

Như vậy, trên đây là những giải đáp của Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt về thắc mắc của chị. Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng hành Việt hi vọng rằng với những kiến thức pháp lý mà chúng tôi cung cấp, chị sẽ có hiểu biết sâu sắc hơn về pháp luật người khuyết tật nói chung, những quy định chính sách về trợ giúp xã hội nói riêng, từ đó giúp bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ phần nào cho cuộc sống của chị.

Bạn đọc có vướng mắc cần giải đáp, vui lòng gửi vướng mắc về Tòa soạn theo email: toasoandhv@gmail.com hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Đồng Hành Việt qua Hotline: 19006248.

Tiểu Nguyên

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang