Mới đây, đoạn clip đăng tải, trong cuộc họp ban phụ huynh Trường Tiểu học Chu Văn An, Hoàng Mai, Hà Nội, một phụ huynh phát ngôn kỳ thị các bố mẹ đơn thân và gia đình nghèo gây bức xúc dư luận.
Khi trình bày quan điểm về việc chọn người vào ban phụ huynh trường, vị phụ huynh phát biểu như sau:
“Chúng ta nên chọn những người có kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm lo gia đình đầm ấm hạnh phúc để làm hình ảnh tốt cho con của mình trước đã.
Chúng ta không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ. Hãy để người ta có thể đi lo hạnh phúc cho bản thân người ta đã, phải thật tốt thì mới lo được cho con mình và khi người ta chưa hạnh phúc thì không bao giờ con được hạnh phúc… những người như thế tôi nghĩ chưa đủ tư cách để tham gia Ban phụ huynh.
Hãy chọn gia đình gương mẫu, có văn hóa, có tri thức và tôi kính mong Ban giám hiệu ở đây xem xét về trích lục của bố mẹ, gia đình như thế nào thì hãy để trong Ban phụ huynh được. Chứ còn lệch bố lệch mẹ thì không ổn một chút nào”.
Vị phụ huynh có phát ngôn kỳ thị cha mẹ đơn thân và gia đình nghèo khó (Ảnh cắt từ clip). |
Phát biểu của phụ huynh trên nhanh chóng gây ra sự phẫn nộ trong cha mẹ học sinh. Nhiều người lên án đó là tư duy lệch lạc, “không thể chấp nhận được” vì có tính kỳ thị các cha mẹ có hoàn cảnh khó khăn và cha mẹ đơn thân.
Các ý kiến cho rằng bao nhiêu người vẫn trưởng thành, hạnh phúc và thành công kể cả khi không có cha hoặc mẹ, hoặc trước đó có điều kiện hoàn cảnh khó khăn.
Điều khiến người nghe bức xúc đó là phát ngôn trên xuất phát từ một giáo viên. Được biết, vị phụ huynh chính là cô giáo Đ.T.H.P, công tác tại trường cấp 2 thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người này có con học lớp 3 tại trường Tiểu học Chu Văn An.
Phụ huynh L.H.T vô cùng bức xúc khi một người đang làm giáo viên lại có những lời nói thiếu tính nhân văn và ấu trĩ đến như vậy. Theo phụ huynh này, sau phát biểu đó, phần đa phụ huynh đều không đồng tình và phản đối ngay lại hội trường, nhưng họ không hiểu vì sao “người đó” lại đủ số phiếu làm tân hội trường hội cha mẹ học sinh.
|
Nhiều người vô cùng phẫn nộ với lời phát biểu của Hội trưởng hội cha mẹ học sinh khi có quan điểm lệch lạc về mẹ đơn thân. |
Trên VTC.Vn, một bài báo giật tít “Mẹ đơn thân”, sao lại là “gia đình khiếm khuyết”? Sao lại “không đủ tư cách”?. Bài viết chia sẻ: Tôi không phải là mẹ đơn thân, mà ngược lại, tôi có một gia đình đủ vợ đủ chồng với hai đứa con, cho nên tôi không bảo vệ cho những người đơn thân hay bất kỳ ai.
Thực sự, trước khi xác minh những thông tin này, tôi thầm mong đó không phải là thật, hay không phải là trong một buổi họp phụ huynh. Nhưng thực sự thất vọng khi nhận được sự xác nhận từ Ban Giám hiệu trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội). Hơn thế nữa, theo tìm hiểu, người có những phát ngôn này còn được bầu là Hội trưởng phụ huynh. Người này còn là cô giáo ở một trường trong quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Thưa cô giáo, phụ huynh đơn thân, thì đã sao?
Không biết những phát ngôn như vậy được cô giáo suy nghĩ bao lâu trước khi nói, hay nói xong, cô có bao giờ nhớ lại mình đã nói gì?
Khi cô phát ngôn câu này, tôi cũng như nhiều người tin chắc rằng, cô đang có một gia đình hạnh phúc đủ đầy. Và chắc cô cũng hiểu được giá trị của hạnh phúc là như thế nào.
Đứng ở góc độ một người bình thường đang có gia đình hạnh phúc, cô có thấy, những người đơn thân, trước hết về mặt tinh thần, họ đã không thể bằng những người có đầy đủ vợ chồng, thậm chí có thể trước đó họ phải rất khó khăn khi đưa ra quyết định đơn thân, hoặc chia tay khi cuộc sống không như mong muốn, đôi khi còn chịu khổ đau, đầy đọa về mặt vật chất, tinh thần.
Và thực sự, khi phải lựa chọn cho mình cuộc sống đơn thân, họ phải khổ sở, đấu tranh tư tưởng rất nhiều vì mình và những đứa con. Mà những bậc làm cha, làm mẹ thì phần lớn họ đều nghĩ cho những đứa con nhiều hơn. Vì thế, khi cuộc sống của họ bế tắc, không còn cách nào khác thì họ mới phải chọn cho mình con đường như vậy.
Tôi và chắc chắn nhiều người khác, đôi khi không nói ra, nhưng thầm ngưỡng mộ những ông bố, bà mẹ đơn thân. Bởi, họ dám dũng cảm vượt ra khỏi cái gọi là “sĩ diện” của bản thân, thoát khỏi ngục tù hôn nhân mà mình đang sống. Chắc gì cô cũng như nhiều người dám làm điều đó, dám vứt bỏ cái sĩ diện cá nhân của mình.
Họ làm thế thực ra họ đang nghĩ đến những đứa con nhiều hơn là bản thân. Bởi, họ không muốn con của mình hàng ngày phải chứng kiến hạnh phúc “giả tạo” của những người lớn, thậm chí là những lời nói, hành động thiếu văn hóa làm tổn thương con trẻ.
Vậy nên, những ông bố, bà mẹ đơn thân sao lại gọi là “gia đình khiếm khuyết”, khi họ dám sống thật với mình, với con cái mà không phải cố khoác lên mình cái vỏ bọc “hạnh phúc”.
Mỗi người đều có một sự lựa chọn của riêng mình, miễn sao họ cảm thấy thoải mái với sự lựa chọn ấy. Cũng không ai có thể lo cho họ được hạnh phúc khi mà họ không cảm thấy hạnh phúc. Thế nên, cô cũng không cần phải “để người ta đi lo hạnh phúc của người ta, của bản thân người ta đi đã, và khi người ta chưa hạnh phúc thì không bao giờ con người ta được hạnh phúc”.
Còn khi cô đã phát ngôn “những người như thế chưa đủ tư cách thì không thể nằm trong Ban phụ huynh”, cô đã thực sự hiểu rõ nghĩa của cụm từ “tư cách” là như thế nào?
Đây không còn là một câu nhận xét bâng quơ mà nó là sự xúc phạm ghê gớm đến các ông bố, bà mẹ đơn thân. Họ cũng như cô, cũng phải làm ăn, chăm lo dạy dỗ đứa con của mình nên người, họ không xúc phạm, không làm tổn hại đến ai, sao lại nói “không đủ tư cách”.
Với một người bình thường, tôi nghĩ rằng cũng không “đủ tư cách” để phát ngôn những lời lẽ như vậy, nhưng thật đáng buồn đây lại là những lời được thốt ra từ một cô giáo.
Với suy nghĩ lệch lạc như vậy, cô sẽ dạy học sinh được gì? Trẻ con như tờ giấy trắng và thầy cô luôn là tấm gương để trẻ soi và làm theo. Vậy trẻ sẽ học gì được ở những “tấm gương” như vậy.
Chỉ nghĩ đến việc những phụ huynh có con phải học với những người thầy, người cô như thế, tôi đã cảm thấy rùng mình. Các em sẽ hình thành nhân cách như thế nào, tương lai các em sẽ ra sao khi được ngấm vào đầu những tư tưởng lạc hậu, lệch lạc và xúc phạm người khác như vậy.
Cũng còn may khi có những clip như vậy để những phụ huynh, nhà trường kịp nhận ra mà có sự lựa chọn phù hợp khi chưa quá muộn.
Trang Nhung (T/h).