Sau khi có thông tin về ca thứ 17, trường hợp N.H.N dương tính với virus SARS-CoV-2 tại phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội) trên chuyến bay VN0054, hàng loạt tin giả (fake news) về dịch COVID-19 tràn lan trên mạng gây hoang mang dư luận. Cảnh giác với dịch là tốt, nhưng cảnh giác không có nghĩa là gây hoang mang, làm nóng vấn đề, khiến tâm lý người dân lo lắng.
Nhận diện tin giả
Những thông tin không chính xác về dịch COVID-19 trong tối 6/3 tại Hà Nội đã gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng; khiến nhiều người dân ngay trong đêm 6/3 và sáng 7/3 đổ xô đi mua hàng hóa, tạo nên sự khan hiếm gỉa.
Tiếp đó, thông tin đồn đoán về số người nhiễm virus SARS-CoV-2 được chia sẻ trên các diễn đàn cũng đã tạo tâm lý lo ngại cho nhiều người.
Xử phạt hành vi tung tin giả về dịch COVID-19. Ảnh: Võ Dung/TTXVN.
Theo chuyên gia của diễn đàn an ninh mạng Whitehat, tin giả là thông tin bịa đặt, sai sự thật được cố ý lan truyền, thường xuất phát từ các sự kiện lớn, được dư luận quan tâm trong đời sống thực. Thực tế, sự kiện càng nóng, giật gân, tin giả liên quan xuất hiện càng nhiều. Các loại tin giả, tin thất thiệt được phát tán dưới 3 hình thức.
Trước tiên, phổ biến nhất là tin giả dạng tin tức như các bài viết trên trang tin không chính thống, các bài đăng, dòng “tút” trên mạng xã hội…, thường theo kiểu “giật tít câu view” để thu hút, hấp dẫn người xem. Một hình thức khác, đối tượng xấu mạo danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uy tín tạo ra các sự kiện giả… với giải thưởng lớn lừa người dùng tham gia. Các hình ảnh, video giả mạo, trong đó, nổi bật nhất là Deepfake (video giả mạo ghép mặt thật) – công nghệ chỉnh sửa ảnh hoặc video dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI).
Mục đích đầu tiên kẻ xấu tung tin giả thường nhắm tới là dụ người dùng bấm vào xem để câu like, view, từ đó phục vụ việc quảng cáo, bán hàng. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về người dùng là món lợi nhuận khổng lồ khiến kẻ xấu liên tục tìm cách tạo ra các thông tin giả, lừa người dùng tự nguyện cung cấp thông tin cá nhân. Tin giả được hacker tạo ra nhằm phát tán mã độc để kiểm soát thiết bị của nạn nhân, phục vụ các mục đích bất chính khác.
Còn PGS.TS tâm lý học Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Những người đăng tin giả, tin không chính xác có thể do cố tình với nhiều động cơ khác nhau như muốn tạo ra sự hoảng loạn, bất mãn về niềm tin nhưng cũng có thể do vô tình theo trào lưu với mong muốn thể hiện mình là người tiếp cận được nguồn tin, thu hút like và share… Trong khi đó, với mạng xã hội và công nghệ internet hiện nay đang tạo cho không gian ảo trên mạng xã hội, thông tin lan truyền gần như ngay lập tức, trong khi đó, nhiều người không có năng lực thẩm định nguồn tin, đọc lướt nên càng lan nhanh. Khi thông tin không được kiểm soát, không đủ kỹ năng thẩm định trước một lượng thông tin khổng lồ, chất lượng nguồn tin không đảm bảo và không có thời gian để đọc dễ tạo ra tâm lý lo lắng, hoang mang.
“Khi có thông tin về ca thứ 17 dương tính với virus SARS-CoV-2 trên chuyến bay VN0054, đã có rất nhiều thông tin không kiểm chứng hoặc đang kiểm chứng lan truyền nhanh chóng trên mạng, cứ qua một người thì thông tin lại được thêm bớt theo cảm xúc cá nhân dẫn đến khác với phiên bản gốc. Dưới góc độ tâm lý, do lo lắng về dịch bệnh, tin giả “lây lan” nhanh nhiều người tò mò và yếu tố mới, đôi khi giật gân và niêm tin của cộng đồng theo hướng tiêu cực dẫn đến lo lắng thái quá”, PGS – TS Trần Thành Nam cho biết.
Có thể thấy trong công tác phòng chống dịch, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt và công khai minh bạch thông tin. Đơn cử như tại Hà Nội, sau khi phát hiện trường hợp ca thứ 17 dương tính với virus SARS-CoV-2, tại các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu công khai minh bạch thông tin, công bố tất cả nơi bệnh nhân ở, đi, đến sau khi có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 để người dân biết, hạn chế tới các điểm này. Kể cả hành trình đi lại của các du khách bị nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng được thông tin, để các địa phương phối hợp khoanh vùng cách ly, khử khuẩn.
Đồng thời, Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an các quận, huyện, thị xã của thành phố đã chủ động phát hiện, xử lý các hành vi đưa tin không chính xác, chưa kiểm chứng gây hoang mang dư luận, đặc biệt liên quan đến trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (Hà Nội) yêu cầu xử lý nghiêm, khởi tố nếu đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa chung. Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cập nhật thông tin liên quan đến dịch COVID-19 qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử chính thống của ngành y tế. Từ ngày 31/1 đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý hơn 20 trường hợp có hành vi đăng tin, bài sai sự thật về dịch COVID-19, đồng thời yêu cầu các cá nhân gỡ các bài viết sai sự thật, viết cam kết không tái phạm…
Hãy là người dùng mạng xã hội thông thái
Ở góc độ người dùng mạng xã hội, bà Hoàng Thảo Anh, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Từ nỗi sợ trên mạng xã hội đã lan đến đời sống thực qua đợt dịch COVID-19, khi có thông tin “fake” về ca nhiễm thứ 17 đã giấu dịch. Do đó, từ sau vụ việc, tôi đã rút ra kết luận nên lắng nghe thông tin từ các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí chính thống. Không nên phát ngôn thông tin không được kiểm chứng, nói xấu người khác”.
Để giải quyết vấn đề tin giả, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước tiên, thông tin minh bạch về sự kiện, vấn đề người dân quan tâm; đồng thời xử phạt công khai hình phạt, mức phạt và nhất là việc khắc phục vì cộng đồng như một số nước đã áp dụng để vừa giáo dục cho chính đối tượng kỹ năng lọc tin giả, đồng thời phục vụ cộng đồng.
“Do mạng xã hội phát triển nhanh thời gian qua trong khi năng lực thẩm định của cộng đồng còn nhiều hạn chế thì nên sớm triển khai bộ quy tắc ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội, các kỹ năng về lọc tin giả vào học tại cấp PTTH bởi các em là nhóm đối tượng sớm tiếp xúc và sẽ là người sử dụng mạng xã hội sau này. Khi các em định hình xu hướng niềm tin tích cực sẽ hạn chế những trào lưu hoang mang trên mạng xã hội lan ra đời sống thực”, PSG.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Còn theo các chuyên gia diễn đàn an ninh mạng Whitehat, bản chất của việc tin tức giả mạo tràn lan cũng tương tự như sự lây lan của virus máy tính, đó là tấn công vào sức đề kháng của người dùng. Bạn cần xây dựng cho mình khả năng đề kháng trước các thông tin giả mạo, bằng cách: Biết đặt ra nghi vấn đối với các thông tin nhận được.
Không tò mò bấm xem các tin bài giật tít câu view, nhìn qua đã thấy giả mạo. Chủ động kiểm chứng thông tin nhận được từ các nguồn không tin tưởng. Không chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin. Để có những thông tin mới nhất, chính xác nhất liên quan đến dịch bệnh do virus virus SARS-CoV-2, hãy theo dõi thông tin từ cơ quan truyền thông chính thức của Bộ Y tế và các đài truyền hình quốc gia.
Còn theo đánh giá của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), các hành vi phát ngôn nói xấu, bôi nhọ tổ chức, cá nhân, đưa tin sai sự thật đã được điều chỉnh ở một số văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó phải kể đến Luật An toàn thông tin mạng và các nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, với mức độ tác động và tầm ảnh hưởng của các thông tin sai sự thật trên mạng trong thời gian gần đây, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã cập nhật, nhưng vẫn bộc lộ bất cập, hạn chế.
Với mạng xã hội, công nghệ thông tin đang phát triển liên tục, các quy định hiện hành chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, đặc biệt chưa làm rõ các nội dung liên quan đến tin giả trên mạng xã hội. Cụ thể, vẫn còn thiếu định nghĩa thế nào là tin giả, cơ quan xác định tin giả…
“Trong thời đại công nghệ số, tin giả ngày càng có xu hướng phát triển và tinh vi hơn. Vì vậy, chúng ta sớm xây dựng, ban hành một quy định, hoặc luật riêng biệt để xử lý tin giả, phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển trên không gian mạng của thế giới hiện nay”, ông Đỗ Quý Vũ, Viện Chiến lược thông tin và truyền thông nhấn mạnh.
Theo Báo Tin tức