Phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật

Ngày 02/07/2021, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng UNDP tổ chức Hội thảo “Phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật” do UNDP chủ trì thông qua sự hỗ trợ của Dự án Hợp tác thúc đẩy Quyền người khuyết tật giữa các tổ chức của Liên Hợp Quốc (UNPRPD).

Hội thảo “Phòng chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật” là một trong số các chủ đề chiến lược mà UNDP, UNICEF và UNFPA đồng tổ chức trong chuỗi hội thảo trong giai đoạn lên ý tưởng cho chương trình UNPRPD nhằm mục tiêu thu thập các ý kiến đóng góp từ các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức của người khuyết tật, nhằm cung cấp thông tin cho bản “Phân tích Thực trạng và Đề xuất dự án đối với Việt Nam” trong chương trình hợp tác này. Hội thảo hướng đến 03 mục tiêu chính: Tăng cường hiểu biết về tất cả các hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử mà người khuyết tật đang phải đối mặt; Xác định các chính sách hiện có và khoảng trống pháp lý về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật; Đưa ra các khuyến nghị nhằm cung cấp thông tin cho các chương trình trong tương lai về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội của Văn phòng Quốc hội, đại diện các cơ quan ban ngành liên quan; bà Diana Torres, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Trợ lý Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam; các Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cùng trên 60 đại biểu là lãnh đạo các tổ chức của và vì người khuyết tật, các luật sư, nhà nghiên cứu chính sách đối với người khuyết tật…

Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Văn phòng Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: Tại Việt Nam các quyền con người, quyền công dân được bảo đảm theo quy định của pháp luật mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử, đặc biệt đối với người yếu thế. Điều đó đã được khẳng định tại văn bản pháp luật cao nhất đó là Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng cho biết Việt Nam có một hệ thống chính sách, pháp luật toàn diện đối với người khuyết tật, từ Pháp lệnh người tàn tật (1998) đến Luật NKT (2010) và tháng 11/2014 Quốc hội đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của NKT; đảm bảo thực hiện các quyền của NKT trong đó có việc bảo đảm NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội và cơ hội được hưởng thụ các quyền đó một cách bình đẳng với người khác. Chính sách pháp luật đối với NKT đã tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở tiếp cận quyền con người, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NKT phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong đó một trong những hành vi bị nghiêm cấm là kỳ thị, phân biệt đối xử. Cũng theo ông Ngọc, người nào thể hiện thái độ khinh thường, thiếu tôn trọng với NKT, hoặc có những hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của NKT vì lý do khuyết tật của người đó là vi phạm quy định của Luật Người khuyết tật trong việc đảm bảo nguyên tắc bình đẳng với những người này. Mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính từ 3 – 5 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm (Điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định chế tài với những hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT).

Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như công tác truyền thông về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này chưa thực sự sâu rộng và phát huy hiệu quả trong việc tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân hay nhận thức của người dân về chính sách và quyền của NKT vẫn còn hạn chế… Từ đó có thể gây nên tình trạng thiệt thòi của NKT; chính điều này đã hạn chế đáng kể các cơ hội sống, cơ hội phấn đấu của NKT và điều này lại thêm lần nữa củng cố thêm tình trạng đói nghèo của họ.

Kỳ thị và phân biệt đối xử đối với NKT còn là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc NKT không được hòa nhập vào các hoạt động văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của cộng đồng. Kỳ thị và phân biệt đối xử cũng gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao và dẫn đến trình độ học vấn thấp đối với NKT. Đồng thời, đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều NKT mất cơ hội kết hôn và sinh con trong khi đây là những vấn đề rất quan trọng về mặt văn hoá – Ông Nguyễn Hồng Ngọc cho biết thêm.

Trên cơ sở đó, ông Ngọc cũng đưa ra một số khuyến nghị về việc tăng cường nghiên cứu về kỳ thị, đánh giá các chính sách, đẩy mạnh truyền thông…

Bà Diana Torres, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Trợ lý Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đại diện cho UNDP phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Diana Torres, Trưởng phòng Quản trị và Tham gia, Trợ lý Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam vui mừng và cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các đại biểu tham dự, mong muốn các đại biểu sẽ có những ý kiến đóng góp thiết thực cho bản Phân tích Thực trạng và Đề xuất dự án đối với Việt Nam. Đại diện UNDP cũng muốn các đại biểu tập trung vào các vấn đề mà UNDP tin rằng có thể góp phần chống lại kỳ thị và phân biệt đối xử với người khuyết tật, cụ thể:

Thứ nhất, việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi phải coi người khuyết tật là tác nhân của sự thay đổi và chúng ta nhận thấy rằng sự tham gia và lãnh đạo của họ sẽ giải quyết các quy tắc xã hội có hại và tạo ra một xã hội hòa nhập hơn. Không phân biệt đối xử phải là trọng tâm của nỗ lực này, nhằm khắc phục những quan niệm sai lầm, định kiến ​​và kỳ thị trong cộng đồng dân cư nói chung cũng như giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia y tế, giáo dục và các nhà cung cấp dịch vụ.

Thứ hai, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và giữa cấp trung ương và cấp địa phương là chìa khóa để xây dựng khung pháp lý toàn diện và các dịch vụ hòa nhập nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng mà người khuyết tật phải đối mặt trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Điều cần thiết là chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tham gia và các tiến trình của Liên hợp quốc, với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức của người khuyết tật trong việc giải quyết các vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử mà người khuyết tật phải đối mặt. Nó đòi hỏi sự truyền thông rõ ràng, nhất quán và rộng rãi để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền của người khuyết tật và hỗ trợ thích hợp để họ tham gia đầy đủ vào xã hội.

Thứ ba, giải quyết các sự cố phân biệt đối xử cần một khung pháp lý đủ mạnh và cụ thể để có thể áp dụng cho tất cả các hành vi vi phạm. Theo CRPD, tất cả các hình thức phân biệt đối xử, cả trực tiếp và gián tiếp phải được xác định và xử lý hiệu quả trong các chính sách để đảm bảo cơ hội và kết quả bình đẳng cho tất cả mọi người. Toàn xã hội của chúng ta đang trên đà chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng và không thể phủ nhận người khuyết tật là một phần không thể thiếu của quá trình này. Điều quan trọng là thiết kế phổ quát và cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm được áp dụng trong tất cả các hoạt động, chương trình và dịch vụ của chúng tôi để đảm bảo người khuyết tật có cơ hội bình đẳng để đóng góp và hưởng lợi từ xã hội kỹ thuật số.

Ảnh chụp màn hình buổi Hội thảo

Hội thảo cũng được nghe các bài trình bày của bà Nguyễn Minh Châu, cán bộ của UNDP về Kết quả một số nghiên cứu về bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết và nội dung “Các rào cản liên quan đến thái độ và hành xử đối với NKT và hậu quả, một số giải pháp” do ông Nguyễn Văn Cử, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) trình bày. Ngay sau đó, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến người khuyết tật thường gặp các kỳ thị, phân biệt đối xử như thế nào trong việc tiếp cận giao thông, công trình công cộng, y tế, phục hồi chức năng, lao động việc làm, thông tin truyền thông… cũng như đưa ra một số giải pháp, khuyến nghị để giải quyết các vấn đề này.

Tin tưởng rằng, với những ý kiến thảo luận tại Hội thảo, những vấn đề, thực trạng liên quan đến phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người khuyết tật từng bước được tháo gỡ và quan trọng hơn là việc phòng chống những hành vi này sẽ được thực hiện ngày một hiệu quả để người khuyết tật được hòa nhập và tiếp cận một cách đầy đủ, bình đẳng trong xã hội.

Hải Phong

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang