(ĐHVO). Cơ quan tư pháp đóng vai trò là đầu mối phối hợp thường xuyên với cơ quan báo chí trong định hướng tuyên truyền pháp luật.
Ảnh minh họa – Buổi làm việc giữa Cục phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) với Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam và Tạp chí Đồng Hành Việt
1. Vai trò, chức năng của báo chí trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Báo chí là một trong các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến trong đời sống xã hội. Theo đó, Khoản 1 Điều 3 Luật Báo chí 2016 quy định: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.” Như vậy có thể nói, báo chí chính là hình thức phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, thông qua chữ viết, hình ảnh, âm thanh, định kỳ truyền tải tới công chúng dưới dạng báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.
Về chức năng của báo chí, Khoản 1 Điều 4 Luật Báo chí 2016 cũng quy định rõ, báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân. Theo đó, báo chí vừa là công cụ phản ánh chân thực mọi mặt của đời sống xã hội, vừa là phương tiện tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, và cũng là nơi để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Báo chí có đặc tính cơ bản là tính phổ cập, nhanh chóng, kịp thời và rộng khắp. Trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, báo chí là phương tiện truyền tải pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống nhân dân, giúp người dân nắm được các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thông qua báo chí, người dân có thể nắm bắt các văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bản thân đối với cộng đồng xã hội. Như vậy, báo chí chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Đặc biệt, báo chí chính là diễn đàn để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận. Trong quá trình thực thi pháp luật, công dân có quyền phản ánh về mặt hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện cũng như đề xuất các kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện pháp luật sao cho phù hợp với đời sống thực tiễn của người dân. Mặt khác, báo chí còn là tấm gương phản ánh chính xác đời sống hiện thực của xã hội, trong đó, việc tuyên dương người tốt, việc tốt chính là hình thức khích lệ mọi người thực hiện các hành vi nhân văn, đạo đức, ngược lại, đối với hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức, thuần phong, mỹ tục sẽ bị lên án, là bài học cho mọi tầng lớp người dân.
Với vai trò và chức năng nêu trên có thể khẳng định, báo chí đã và đang tỏ ra là công cụ giáo dục, phổ biến pháp luật hiệu quả, là phương tiện hữu hiệu để truyền tải chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.
2. Phối hợp giữa cơ quan tư pháp và báo chí trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công cụ báo chí đòi hỏi người thực hiện phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó nghiệp vụ báo chí và kiến thức pháp luật là những yếu tố chủ yếu và cần thiết. Do đó, để xây dựng các chương trình, chuyên mục pháp luật thông qua báo chí cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp với cơ quan báo chí.
Theo đó, để đảm bảo duy trì và nâng cao hiệu xây dựng các chương trình, chuyên mục pháp luật, cơ quan tư pháp và cơ quan báo chí, các giải pháp được đề xuất như sau:
Một là, cơ quan tư pháp đóng vai trò là đầu mối phối hợp thường xuyên với cơ quan báo chí trong định hướng tuyên truyền pháp luật
Tổ chức giao ban và họp định kỳ giữa cơ quan tư pháp với cơ quan báo chí được đánh giá là mô hình hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Thông qua các cuộc họp thường kỳ, cơ quan tư pháp có thể định hướng và củng cố nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật theo kế hoạch hàng năm và theo từng giai đoạn, kịp thời phổ biến các chính sách, quy định pháp luật mới; đồng thời giám sát, kiểm tra và đánh giá các hoạt động đã thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm cho các hoạt động trong thời gian tới. Giữa hai cơ quan này cần có kế hoạch làm việc cụ thể, định kỳ và thường xuyên, từ đó có thể truyền tải các nội dung pháp luật kịp thời và đầy đủ nhất.
Hai là, xây dựng lộ trình thực hiện chuyên mục về pháp luật trên báo chí
Đối với mỗi cơ quan báo chí, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo tôn chỉ, mục đích là điều bất di bất dịch, do đó, đối với mỗi trang báo, tạp chí đều cần thiết phải có chuyên mục về pháp luật. Để xây dựng chuyên mục này hiệu quả, được lan tỏa tới nhiều bạn đọc, đòi hỏi khâu lập kế hoạch phải hết sức cẩn thận và chi tiết, trong đó cần xác định thời lượng của chuyên mục, thời gian phát sóng, phát hành; từ đó xác định nội dung và hình thức của chuyên mục; trên cơ sở đó, cơ quan phân công trách nhiệm thực hiện cho đơn vị thực hiện. Để chuyên mục thể hiện đầy đủ nội dung, cơ quan tư pháp cần thông tin kịp thời và chịu trách nhiệm về nội dung pháp lý cung cấp cho cơ quan báo chí, thông qua sách báo, tài liệu… Song song với đó, các hình thức tuyên truyền pháp luật của cơ quan báo chí cũng cần được thiết kế theo nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng bạn đọc, đảm bảo tính hấp dẫn và tin cậy.
Ba là, đào tạo và nâng cao chất lượng cho đội ngũ cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên
Để thực hiện kế hoạch về thực hiện chuyên mục pháp luật đã đặt ra và đảm bảo tính hiệu quả của nó, người thực hiện (bao gồm đội ngũ cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên…) chính là một trong những yếu tố quan trọng hơn cả. Theo đó, đội ngũ này cần đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời có phẩm chất đạo đức tốt và kiến thức pháp luật vững chắc. Theo kinh nghiệm của một số cơ quan báo chí, để tuyển dụng và đào tào được đội ngũ đáp ứng các điều kiện nêu trên, giải pháp tốt nhất là chọn lọc từ những người tốt nghiệp chuyên ngành luật của các trường đại học, cao đẳng, sau đó đào tạo, bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ báo chí; Hoặc thường xuyên tổ chức tập huấn, hay cử phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp, khóa học về pháp luật để nắm vững kiến thức pháp luật… Cơ quan tư pháp cũng là đơn vị có thể cung cấp nguồn cộng tác viên chất lượng, vừa có trình độ, kiến thức pháp luật tốt, vừa có khả năng viết lách, phân tích chuyên sâu như kiểm sát viên, công an, thẩm phán,… có thể thường xuyên tham mưu, hỗ trợ cơ quan báo chí. Ngoài ra, để mở rộng mạng lưới cộng tác viên, nâng cao nghiệp vụ của phóng viên, việc tổ chức các cuộc thi viết về pháp luật cũng là hình thức được khuyến khích, phần thưởng cho bài viết xuất sắc sẽ là sự khích lệ để phóng viên sản xuất các bài viết mang tính chuyên sâu. Bên cạnh đó, khuyến khích cơ quan báo chí tổ chức các câu lạc bộ về pháp luật cho cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên, nhân viên sinh hoạt, trao đổi, giao lưu kinh nghiệm, nghiệp vụ.
Trong thời gian vừa qua, về cơ bản, cơ quan tư pháp và cơ quan báo chí đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Song, trong thời gian tới, các cơ quan cần đẩy mạnh thực hiện nhiều hoạt động tích cực, linh hoạt hơn để chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật được đảm bảo, từ đó giúp nâng cao ý thức pháp luật của người dân.
Hồng Liên