Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý

(ĐHVO). Theo quy định của pháp luật, trợ giúp pháp lý được thể hiện dưới nhiều hình thức, tạo nên tính đa dạng trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Ảnh tổng hợp

Trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật

Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định, trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trợ giúp pháp lý đặc biệt có ý nghĩa đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, bởi họ là những người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt, ít có cơ hội tiếp xúc với pháp luật nên khả năng nhận thức về pháp luật chưa cao, do đó, việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân của họ cũng một phần bị hạn chế.

Hiện nay pháp luật hiện hành quy định các đối tượng sau đây sẽ được trợ giúp pháp lý, bao gồm: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; một số trường hợp khác có khó khăn về tài chính.

Hiện nay, pháp luật quy định có 03 hình thức trợ giúp pháp lý, bao gồm: (i) Tham gia tố tụng; (ii) Tư vấn pháp luật; (iii) Đại diện ngoài tố tụng. (Khoản 2 Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý 2017).

Như vậy có thể thấy, trợ giúp pháp lý là một hình thức tuyên truyền pháp luật cho người dân, đặc biệt là những người có khó khăn trong xã hội, thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, chỉ ra các quy định pháp luật, lời khuyên, phương án giải quyết có liên quan tới nhu cầu trợ giúp.

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật

Hoạt động tư vấn pháp luật có thể được thực hiện dưới hình thức tư vấn miệng hoặc tư vấn qua văn bản. Đây chính là giai đoạn chủ yếu để người thực hiện trợ giúp pháp lý tiến hành phổ biến pháp luật cho người được trợ giúp. Trong giai đoạn này, người được trợ giúp sẽ trình bày sự việc cũng như nhu cầu pháp lý của mình. Dựa trên thông tin được cung cấp, người thực hiện trợ giúp sẽ đưa ra các quy định của pháp luật có liên quan tới sự việc, có thể bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật hay phương án giải quyết đối với các tranh chấp nếu có. Thông qua đó, người được tư vấn có thể nắm bắt được quy định pháp luật liên quan đến nhu cầu tư vấn của mình, từ đó thực hiện các hành vi chuẩn mực và đúng theo quy định của pháp luật. Ngày nay, khi công nghệ thông tin được áp dụng vào hầu hết các lĩnh vực, trợ giúp pháp lý thông qua tư vấn trực tuyến cũng đang tỏ ra ưu thế vượt trội. Tại website của đơn vị trợ giúp pháp lý, đối tượng được trợ giúp có thể nhanh chóng tiếp cận với đội ngũ luật sư, luật gia, người có trình độ pháp luật, qua đó, kịp thời giải quyết nhu cầu pháp lý, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình. Nhờ có internet, người trợ giúp còn có thể tiếp cận được với nhiều đối tượng có nhu cầu tư vấn, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho cả người trợ giúp và người được trợ giúp, nâng cao tính lan rộng và hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn pháp luật.

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tham gia tố tụng

Tham gia tố tụng là việc trợ giúp viên pháp lý, luật sư trợ giúp với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp theo quy định của pháp luật. Thông qua hoạt động này, trợ giúp viên sẽ gặp gỡ với người được trợ giúp, gia đình của họ và những người có liên quan để phục vụ cho việc xây dựng luận cứ, làm căn cứ để bào chữa, bảo vệ người được trợ giúp. Trong quá trình đó, người thực hiện trợ giúp ngoài việc tìm hiểu các tình tiết liên quan đến vụ việc còn truyền tải các quy định của pháp luật tới các bên, giúp họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng như quy trình, thủ tục tiến hành tố tụng tại cơ quan tiến hành tố tụng. Đi sâu hơn vào chuyên môn, nghiệp vụ, trợ giúp viên, luật sư còn hướng dẫn, hỗ trợ người được trợ giúp thực hiện việc viết đơn từ, thu thập tài liệu, chứng cứ, cách thức làm việc, cung cấp lời khai với cơ quan điều tra và hòa giải với đương sự còn lại, giữ gìn mối quan hệ , hạn chế trường hợp gây bức xúc, căng thẳng mâu thuẫn giữa các bên.

Đối với những người là đối tượng được trợ giúp pháp lý, họ thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, có phần hạn chế hơn trong việc học hỏi và nghiên cứu pháp luật. Do đó, việc chuyển tải đầy đủ và cặn kẽ các quy định của pháp luật sẽ giúp cho các bên nhận thức đúng đắn về hành vi của mình, và đặt niềm tin vào quyết định của Tòa án.

Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua đại diện ngoài tố tụng

Tương tự như hình thức tham gia tố tụng, ở hình thức đại diện ngoài tố tụng, trợ giúp viên pháp lý cũng sẽ tư vấn tất cả các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề của người có nhu cầu được trợ giúp. Tư vấn pháp luật là giai đoạn đầu tiên và xuyên suốt, là căn cứ để trợ giúp viên thực hiện các bước tiếp theo trong giai đoạn đại diện ngoài tố tụng. Mặc dù, về bản chất, đại diện ngoài tố tụng là việc đại diện theo ủy quyền, thay mặt một cá nhân, tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ nhưng việc truyền tải, thông tin về quy định pháp luật hiện hành cho người được trợ giúp là không thể thiếu. Trách nhiệm của trợ giúp viên pháp lý không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ người yếu thế thực hiện quyền và nghĩa vụ, mà yếu tố quan trọng hơn cả là giúp họ nhận thức được vấn đề và cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề đó.

Xét về phạm vi, đại diện ngoài tố tụng là hình thức trợ giúp viên thay mặt cho người được trợ giúp thực hiện quyền và nghĩa vụ trong hầu hết quan hệ pháp luật (hành chính, dân sự, đất đai…) trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy nên, đại diện ngoài tố tụng có thể phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng được trợ giúp trong nhiều lĩnh vực của đời sống, tạo nên tính đa dạng trọng việc tuyên truyền pháp luật tới người dân.

Hơn nữa, những người được trợ giúp pháp lý thường là người có điều kiện đi lại khó khăn, sức khỏe không đảm bảo hay hạn chế trong trình độ học vấn… Do đó, nhu cầu cần người có trình độ chuyên môn đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nhóm đối tượng này là tất yếu. Đơn vị thực hiện trợ giúp pháp lý cần nắm rõ đặc điểm này để đẩy mạnh nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật của mình, đảm bảo người yếu thế được bảo vệ bình đẳng, không ai bị bỏ lại phía sau.

Xét thấy, trợ giúp pháp lý là hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, đặc biệt mang tính nhân văn đối với nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Thời gian tới, các hình thức trợ giúp cần được mở rộng hóa, linh hoạt thích nghi với trình độ phát triển của xã hội, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu về mặt pháp lý của mọi công dân.

Hồng Liên

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top