(ĐHVO). Người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được Đảng, Nhà nước và cộng đồng quan tâm sâu sắc đặc biệt là trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Quy định của pháp luật về việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật
Luật phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành ngày 20 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Tại mục 2 chương II, Luật này đã quy định về nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù, trong đó có người khuyết tật.
Thứ nhất, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật cần tập trung vào các quy định pháp luật về quyền của người khuyết tật; chế độ, chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ người khuyết tật và các quy định khác của pháp luật liên quan đến người khuyết tật. Bởi lẽ pháp luật là phương tiện cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, việc phổ biến, giáo dục cần được thực hiện một cách nghiêm túc, sát sao, tập trung và hiệu quả.
Thứ hai, hình thức phổ biến, giáo dục có thể được thực hiện theo nhiều cách khác nhau, phù hợp với từng dạng, mức độ khuyết tật của các đối tượng này. Hiện nay, cách thức phổ biến pháp luật hiệu quả nhất chính là thông qua các buổi tuyên truyền, hội thảo, hội nghị… vì đó là nơi những người có sự hiểu biết pháp luật và “người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật” gặp nhau, thông qua đó, người khuyết tật có thể lĩnh hội trực tiếp kiến thức, kinh nghiệm, bồi dưỡng ý thức pháp luật cho bản thân. “Thông qua hội thảo này, tôi mới biết mình được miễn giảm giá vé xem phim khi đi xem phim, được trợ giúp pháp lý miễn phí nếu có khó khăn về tài chính…” – chị Vũ Thị Ngọt (Hội người khuyết tật huyện Nghĩa Hưng) chia sẻ.
Thứ ba, đối với người làm công tác phổ biến, giáo dục cho người khuyết tật, Nhà nước cũng có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ và luôn khuyến khích các nhân, tổ chức hỗ trợ kinh phí thực hiện phổ biến, giáo dục. Có thể nói, người làm công tác phổ biến, giáo dục là cầu nối, liên kết pháp luật với người khuyết tật. Đây là nhóm đối tượng cần được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến này, bao gồm các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức, đơn vị, cá nhân… Do đó, bên cạnh nguồn ngân sách có sẵn, Nhà nước luôn khuyến khích, huy động sự hỗ trợ kinh phí cho sự hoạt động của nhóm đối tượng này.
Thứ tư, cơ quan lao động – thương binh và xã hội giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp chủ trì, phối hợp với tổ chức người khuyết tật các cấp, các cơ quan, tổ chức khác thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật. Theo đó, ở mỗi địa phương sẽ thành lập các tổ chức của người khuyết tật (cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh…) Muốn tiếp cận với lượng lớn người khuyết tật, cách thức nhanh chóng và hiệu quả nhất là làm việc với các tổ chức này. Như vậy, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về các vấn đề an sinh xã hội cần đẩy mạnh, ưu tiên làm việc với tổ chức người khuyết tật các cấp và bên cạnh đó là các cơ quan, tổ chức khác như doanh nghiệp có lao động khuyết tật, bệnh viện, trường học…
Tổ chức hội thảo là một trong những phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật nhanh chóng và hiệu quả
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật gặp nhiều khó khăn
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho người khuyết tật được tiếp cận thông tin, đặc biệt là các quy định pháp luật, song, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật là vấn đề thiếu kinh phí. Kinh phí là một trong những điều kiện cần để tạo ra được hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp và đầy đủ cho người khuyết tật. Chưa bàn tới số lượng, chất lượng của các yếu tố nêu trên chỉ đủ đáp ứng cho một bộ phận người khuyết tật. Đơn cử như các chương trình, hội thảo hầu như chưa có “phiên dịch viên” ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính, chưa có tài liệu chữ nổi cho người khiếm thị, cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho người khuyết tật vận động di chuyển… Nguồn ngân sách chỉ là giới hạn, hiệu quả của các phương thức tuyên truyền cũng chỉ dừng lại ở mức tương đối. Nguồn kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, tổ chức thụ hưởng ngân sách do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Như vậy, bên cạnh ngân sách nhà nước, kinh phí thực hiện hoạt động này còn phụ thuộc vào các nguồn hợp pháp khác như sự tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Sự tài trợ, hỗ trợ này là nhiều hay ít cũng sẽ phụ thuộc vào trình độ phát triển của từng địa phương và sự nhận thức của cá nhân, tổ chức địa phương đó.
Tâm lý e ngại, mặc cảm, tự ti của người khuyết tật cũng là nguyên nhân dẫn tới việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho họ gặp nhiều khó khăn. Người khuyết tật là những người có khiếm khuyết về mặt cơ thể, trí tuệ, thậm chí có những người do hoàn cảnh khó khăn, không được tiếp xúc với giáo dục nhà trường, sống khép kín, mặc cảm, ngại giao tiếp với thế giới bên ngoài. Một số người khuyết tật được bao bọc quá kỹ bởi gia đình, không giao tiếp với mọi người xung quanh sẽ rất ít có cơ hội được tiếp xúc với các dịch vụ cộng đồng như giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao… Như vậy, nếu như coi sự ban hành cơ chế, chính sách của Nhà nước và việc thực thi pháp luật là điều kiện cần, thì sự hưởng ứng của người khuyết tật trong việc thực hiện các chính sách ấy chính là điều kiện đủ tạo nên tính hiệu quả và khả thi. Bên cạnh đó, một số người khuyết tật có khó khăn về tài chính, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa cũng ít có điều kiện được tiếp cận với giáo dục pháp luật. Việc thiếu kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin cùng điều kiện hạn chế về tài chính, internet, sở hữu các thiết bị hỗ trợ người khuyết tật (máy trợ thính, tài liệu chữ nổi Braile, xe lăn…) cũng là nguyên nhân lớn xuất phát từ phía người khuyết tật trong vấn đề được tiếp cận, giáo dục pháp luật.
Xét trên nhiều góc độ, việc phổ biến và giáo dục pháp luật cho người khuyết tật tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn với nguyên nhân từ nhiều yếu tố. Bên cạnh việc Đảng và Nhà nước ban hành chính sách, chế độ ưu đãi dành cho người khuyết tật, cộng đồng xã hội cần chung tay thực hiện một cách có hiệu quả các chính sách ấy, nhằm giúp người khuyết tật ngày càng được cải thiện, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức pháp luật, từ đó đảm bảo người khuyết tật được hưởng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hồng Liên