(ĐHVO). Ngày 16-17/12 vừa qua, tại Nghệ An, Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam (trực thuộc Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam) phối hợp với trường Đại học Vinh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển mạng lưới liên kết các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt”.
Tham dự Hội thảo có ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; Bà Phạm Thị Kim Tâm – Chủ tịch Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thu – Chủ tịch Mạng lưới liên kết Giáo dục đặc biệt Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Hưng – Trưởng Phòng Giáo dục Người rối loạn phát triển, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia; TS. Đinh Nguyễn Trang Thu, Phó Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Ngọc Hiền – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Trần Bá Tiến – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Phạm Lê Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm cùng đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Nhà trường, các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục, chăm sóc người khuyết tật trên cả nước.
Trong những năm qua, vấn đề chăm sóc, can thiệp và giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt được cộng đồng xã hội quan tâm. Các cơ sở này cũng đang dần được mở rộng về cả quy mô lẫn chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Hội thảo lần này là diễn đàn quy tụ nhiều cơ sở, trung tâm giáo dục chuyên biệt cũng như các nhà chuyên môn, giảng viên, giáo viên có kinh nghiệm, nhằm trao đổi, chia sẻ về mô hình tổ chức hoạt động, kinh nghiệm công tác, nghiệp vụ… Trên cơ sở đó, hội thảo sẽ là nơi gắn kết, phát triển mạng lưới liên kết các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Chào mừng Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Hiền – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Vinh cho hay, mặc dù nhà trường có chưa chuyên ngành đào giáo dục học sinh khuyết tật nhưng có nhiều khoa, ngành (giáo dục mầm non, tiêu học, công tác xã hội…) đã có các học phần đào tạo liên quan đến công tác người khuyết tật về hỗ trợ và giáo dục hòa nhập. Bày tỏ tinh thần sẵn sàng hợp tác, TS. Nguyễn Ngọc Hiền mong muốn thông qua hội thảo sẽ nhận được nhiều đóng góp ý kiến để cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xây dựng mạng lưới liên kết vững chắc các cơ sở chăm sóc, giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Văn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết, ngày 24/03/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 427/QĐ-Ttg về Quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều phải có quy hoạch hệ thống các cơ sở can thiệp, chăm sóc và giáo dục cho người khuyết tật. Trên cơ sở đó, nếu các cơ sở này liên kết thành mạng lưới rộng lớn sẽ đảm bảo hơn nữa việc chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho người khuyết tật.
Thông tin từ Hội thảo, đã có 30 báo cáo gửi về Ban Tổ chức, trong đó có 2 báo cáo nước ngoài. Trong khuôn khổ diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 13 báo cáo và thảo luận tập trung phân tích thực trạng về tổ chức và hoạt động của các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho người khuyết tật cùng các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Hội thảo cũng nghe báo cáo chuyên đề về Cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức, hoạt động của các cơ sở chăm sóc, can thiệp, trị liệu và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt; Vận dụng các phương pháp có bằng chứng khoa học trong chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Hội thảo “Phát triển mạng lưới liên kết các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt” là hoạt động ý nghĩa khi trong xã hội có ngày càng nhiều người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em. Hy vọng với sự phát triển của mạng lưới liên kết này, người khuyết tật sẽ được đảm bảo hơn nữa quyền được học tập, giáo dục và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
Hồng Liên