Phát động Tháng công nhân – Tháng An toàn, vệ sinh lao động năm 2021

Sáng 28/4/2021, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) và Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương đã tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1866-1/5/2021) và Phát động Tháng Công nhân – Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021.

Các đại biểu tham dự Lễ phát động

Tham dự lễ phát động có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Trưởng Ban Chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân, liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, Sở LĐTBXH, Sở Y tế một số địa phương cùng đông đảo cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động.
Các đại biểu phát động Tháng Công nhân và Tháng ATVSLĐ năm 2021
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã ôn lại truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân Việt Nam và ý nghĩa to lớn của Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Theo đó, suốt 135 năm qua, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới luôn khẳng định vị thế cách mạng, đi đầu trong mọi trào lưu, xu hướng tiến bộ trên toàn cầu. Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện khát vọng dân tộc.
Ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, hoạt động tháng Công nhân 9 năm qua tổ chức đã dần đi vào chiều sâu, tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là những lao động yếu thế, gặp nhiều khó khăn. Từ phương châm “Mỗi công đoàn cơ sở – Một lợi ích đoàn viên”, các cấp công đoàn đã không ngừng tìm tòi, sáng đạo, đề xuất và tổ chức nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Qua các chương trình “Mái ấm Công đoàn”, “Ngày hội công nhân – phiên chợ nghĩa tình”, “Phúc lợi đoàn viên”… số công nhân lao động được chăm lo ngày càng nhiều hơn, tăng dần qua từng năm. Ước tính đến nay đã có hàng chục triệu lượt công nhân lao động lao động được thăm hỏi, tặng quà, khám sức khỏe… trong dịp Tháng Công nhân với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng.
Những chăm lo thiết thực của tổ chức Công đoàn và sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp đã động viên công nhân viên chức lao động cả nước thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch tháng, quý, năm của đơn vị, doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, đã có hơn 1 triệu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích trong sản xuất với tổng giá trị làm lợi lên tới hơn 198.000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2016, vào dịp Tháng Công nhân hàng năm, Tổng Liên đoàn tham mưu, đề xuất tổ chức Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động. Đến nay, người đứng đầu Chính phủ đã 6 lần trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, bất cập trong chính sách để chăm lo tốt hơn cho công nhân, viên chức, lao động.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021
Tại buổi Lễ phát động, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Đào Ngọc Dung cho biết: Với những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhân dân và người lao động cả nước, cùng với hệ thống pháp luật về ATVSLĐ đã tương đối hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, điều kiện làm việc, sức khỏe của người lao động đã từng bước được cải thiện, tai nạn lao động (TNLĐ) đặc biệt nghiêm trọng đã dần được loại trừ ở một số ngành có nguy cơ cao. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, công tác ATVSLĐ cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, như: Một bộ phận người lao động chưa được đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và bảo hộ an toàn lao động; Việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp và một bộ phận người lao động vẫn còn hạn chế, nhất là ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tình trạng cháy, nổ, đổ sập các công trình xây dựng còn diễn biến phức tạp; Hàng năm, trên cả nước vẫn còn hàng vạn người lao động bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, trong đó gần 1.000 người chết, gần 2.000 người bị thương tích nặng do TNLĐ gây ra… Trước tình hình đó, hơn bao giờ hết, đi đôi với phát triển kinh tế, tăng cường sản xuất chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động, cải thiện điều kiện lao động, phòng, chống TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.
Thay mặt Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ Trung ương, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã chính thức phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ và tham gia của an toàn, vệ sinh viên”. Đồng thời, đề nghị các cấp các ngành và toàn thể công nhân người lao động trên cả nước chung tay thực hiện tốt một số việc cơ bản như sau:
Một là, cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về đảm bảo an toàn, sức khỏe của người lao động trong xây dựng chương trình, kế hoạch hành động hàng năm. Phấn đấu năm 2021 giảm tần suất TNLĐ 5%, giảm tần suất TNLĐ dẫn đến chết người 4,5%, giảm tần suất TNLĐ để lại thương tật nặng 4,5%.
Hai là, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ chủ động và tăng cường sự tham gia của người lao động. Mỗi người lao động cần nhận thức rõ ATVSLĐ là vì mình và vì mọi người, lực lượng an toàn, vệ sinh viên cần tăng cường kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ tại nơi làm việc nhất là trong điều kiện phải phòng, chống dịch Covid-19.
Ba là, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ, đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động để lan tỏa trong cộng đồng; Tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về ATVSLĐ, rà soát, bổ sung hoàn thiện nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động.
Bốn là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, hoàn thiện chính sách bảo hiểm TNLĐ tự nguyện đến với đối tượng người lao động; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nội quy, quy trình ATVSLĐ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 4 tập thể và cá nhânBộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trao tặng cờ thi đua cho các tập thể và đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo ATVSLĐ
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen cho 4 tập thể, cá nhân; Tổng LĐLĐVN trao tặng 5 cờ thi đua, Bộ LĐTBXH trao tặng 5 cờ thi đua nhằm ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai công tác ATVSLĐ./.
Theo Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội

Bài viết liên quan

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Picture2

Nam Định: Ngành công nghiệp công nghệ cao ghi nhận năng lực mớ

Picture1

HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VÀ TRAO ĐỔI, CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

vn lsu 1

40 năm rực rỡ – Liên hoan văn nghệ Luật sư Hà Nội

clip_image001

NHẬN THƯƠNG YÊU ĐỂ SẺ CHIA THƯƠNG YÊU

Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng đọc diễn văn khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang