(ĐHVO). Chế tài pháp luật về việc từ chối người lao động là người khuyết tật đã có, vậy cớ tại sao người khuyết tật vẫn bơ vơ, thất nghiệp giữa xã hội xô bồ này?
Thực tế hiện nay, đối với người khuyết tật học nghề đã khó, tiếp cận với việc làm còn khó hơn. Không thể phủ nhận hiện nay đã có một số nhỏ những người sử dụng lao động đã có những nhìn nhận tích cực đối với người khuyết tật nhưng phần lớn vẫn có không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ chối tuyển dụng hoặc dè dặt khi xét hồ sơ xin việc của người khuyết tật. Không ít người khuyết tật đi xin việc làm, các nhà tuyển dụng vẫn đặt người khuyết tật lên bàn cân so sánh với người bình thường bởi mức độ nhanh nhẹn, linh hoạt trong công việc chưa kể đến trình độ, khả năng tiếp cận công việc.
Nguồn ảnh: Internet
Luật định: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.” (Điều 33, Luật Người khuyết tật 2010). Hơn nữa, hành vi phân biệt đối xử với người khuyết tật còn được liệt vào những hành vi bị nghiêm cấm trong Bộ luật Lao động 2012 (Điều 8).
Hành lang pháp luật luôn bảo vệ những người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật. Bởi lẽ, nếu người khuyết tật đủ tiêu chuẩn tuyển dụng mà vẫn bị từ chối, không nhận vào làm việc là một điều thiệt thòi vô cùng lớn.
Nếu người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định trách nhiệm về lao động, việc làm của người sử dụng lao động đối với người khuyết tật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 13 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, cụ thể:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
– Phạt tiền đối với một trong các hành vi: Không bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật và không thường xuyên chăm sóc sức khỏe của họ; không tham khảo ý kiến lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ theo một trong các mức sau đây:
+ Từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng khi vi phạm từ 01 người đến dưới 10 người;
+ Từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng khi vi phạm từ 10 người đến dưới 50 người;
+ Từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng khi vi phạm từ 50 người đến dưới 100 người;
+ Từ 10.000.000 đồng đến dưới 15.000.000 đồng khi vi phạm từ 100 người trở lên.
Bên cạnh đó áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khỏe của họ; buộc tham khảo ý kiến lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật, chính sách về người khuyết tật còn trên giấy tờ và chưa tiếp cận được với người khuyết tật. Nguyên nhân phần lớn các doanh nghiệp còn tâm lý e dè với khả năng, trình độ của người khuyết tật. Thực tế, hầu hết người khuyết tật tìm việc ở nhiều nơi, nhiều công ty, cơ sở sản xuất nhưng đều bị từ chối. Một số nơi tế nhị, từ chối khéo đã tìm được người, hẹn lần khác hay “Em bị khuyết tật như thế này sẽ không đủ sức khỏe, không đáp ứng được nhu cầu của công ty, em thử tìm kiếm các công ty khác xem nhé!”. Cũng có công ty đồng ý nhận người khuyết tật vào làm việc nhưng đề xuất mức lương cực kỳ thấp mặc dù chưa qua thử việc, chưa biết rõ khả năng và kỹ năng của họ.
Từ đó cho thấy lỗ hổng của pháp luật trong việc tuyển dụng người lao động là người khuyết tật. Phải chăng, chế tài xử phạt đối với hành vi phân biệt đối xử người khuyết tật trong tuyển, quản lý lao động còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe?
Thiết nghĩ cơ quan nhà nước và cộng đồng xã hội cần có những biện pháp triệt để khắc phục tình trạng trên nhằm tạo cơ hội cho người khuyết tật được hòa nhập trong cuộc sống và được bình đẳng trong công việc.
Hồng Thái