Phân loại các dạng khuyết tật theo pháp luật hiện hành

(ĐHVO). Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Người khuyết tật năm 2010 và Điều 2 Nghị Định số 28/2012/NĐ-CP, các dạng khuyết tật bao gồm: khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác.

Khuyết tật vận động

Khoản 1 Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định: “Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển”.

Về đặc điểm, người khuyết tật (NKT) vận động là những người có cơ quan vận động bị tổn thương, biểu hiện dễ nhận thấy là khó khăn trong ngồi, nằm, di chuyển, cầm, nắm đồ vật… Họ gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, vui chơi, học tập và lao động. Do đó, NKT vận động cần được sự hỗ trợ về phương tiện đi lại (xe lăn, gậy chống…) và đặc biệt là không gian cần thiết, thuận tiện, phù hợp để di chuyển.

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã dựa vào các mẫu hỏi khác nhau (quy định trong Mẫu số 02,03 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH) để xác định dạng tật cho hai đối tượng: trẻ dưới 06 tuổi và người trên 06 tuổi. Ở dạng tật vận động, các dấu hiệu xác định khuyết tật của hai nhóm tuổi cơ bản giống nhau, theo đó một người là NKT vận động khi có một trong các dấu hiệu sau: mềm nhẽo hoặc cơ cứng toàn thân; thiếu tay hoặc không cử động được tay; thiếu chân hoặc không cử động được chân; yếu, liệt, teo cơ hoặc hạn chế vận động tay, chân, lưng, cổ; cong, vẹo, chân tay (riêng ở người từ đủ 06 tuổi trở lên có thêm dấu hiệu cong lưng, cổ) gù cột sống lưng hoặc dị dạng, biến dạng khác trên cơ thể ở đầu, cổ, lưng, tay, chân; có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về suy giảm chức năng vận động.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Khuyết tật nghe, nói

Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP: “Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.”

Đặc điểm: NKT nghe, nói là người có khó khăn đáng kể về nói và nghe, dẫn đến hạn chế về đọc, viết, từ đó dẫn đến những hạn chế trong sinh hoạt, làm việc, học tập, hoà nhập cộng đồng. Để giúp quá trình giao tiếp, tiếp nhận thông tin từ cộng đồng trở nên dễ dàng hơn, họ cần dùng phương tiện trợ giúp (máy trợ thính), ngôn ngữ kí hiệu trong giao tiếp tổng hợp. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ kí hiệu cũng chỉ giúp đỡ họ một phần nào, bởi lẽ không phải ai cũng biết ngôn ngữ kí hiệu và chức năng diễn đạt của ngôn ngữ kí hiệu vẫn còn nhiều hạn chế, không thể phản ánh được đầy đủ tính chất, mức độ các hoạt động của cuộc sống như tiếng nói hay chữ viết. Điều này khiến quá trình hướng dẫn NKT nghe, nói sử dụng chữ viết thông thường gặp nhiều khó khăn.

Theo Mẫu số 02,03 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH, các dấu hiệu của dạng tật nghe, nói của trẻ em dưới 06 tuổi và người trên 06 tuổi có sự giống nhau, bao gồm: không phát ra âm thanh, lời nói; phát ra âm thanh, lời nói nhưng không rõ tiếng, rõ câu; không nghe được; khiếm khuyết hoặc dị dạng cơ quan phát âm ảnh hưởng đến việc phát âm; khiếm khuyết hoặc dị dạng vành tai hoặc ống tai ngoài ảnh hưởng đến nghe; có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về suy giảm chức năng nghe, nói.

Khuyết tật nhìn

Khoản 3, Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định: “Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.”

Đặc điểm: Đây là những người có tật về mắt làm cho họ không nhìn thấy hoặc nhìn không rõ ràng. NKT nhìn thường có hai giác quan rất phát triển đó là thính giác và xúc giác. Đối với người khiếm thị thì công cụ hỗ trợ di chuyển là chiếc gậy trắng hoặc có thể là gậy thông thường, chữ nổi Braille, các dụng cụ hỗ trợ thông minh, lối đi thuận tiện và dễ nhận biết,.. Những người nhìn kém thì môi trường cần thiết với họ là đảm bảo đủ ánh sáng, dùng những màu tương phản, hợp lý trong sinh hoạt và các hoạt động khác, cung cấp thiết bị phóng đại hình ảnh.

Căn cứ Mẫu số 02,03 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, NKT nhìn có một trong các dấu hiệu sau: mù một hoặc hai mắt; thiếu một hoặc hai mắt; khó khăn khi nhìn hoặc không nhìn thấy các đồ vật; khó khăn khi phân biệt màu sắc; rung, giật nhãn thị, đục nhân mắt hoặc sẹo loét giác mạc; bị dị tật, biến dạng ở vùng mắt; có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về suy giảm chức năng nhìn.

Khuyết tật thần kinh, tâm thần

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP:“Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.”

Đặc điểm: Những người bị khuyết tật thần kinh, tâm thần là những người bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân  sự. Phần lớn trường hợp họ không thể nhận thức được hành vi của mình và cũng không kiểm soát được nó. Tuy nhiên, trong một số thời điểm, NKT bị mất năng lực hành vi dân sự một phần vẫn tỉnh táo và nhận thức được hành vi của mình.

Hội đồng xác định cấp xã xác định dạng khuyết tật thần kinh, tâm thần căn cứ vào Mẫu số 02,03 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTXH, đối với trẻ dưới 6 tuổi: dạng tật tâm thần được xác định khi trẻ có một trong các biểu hiện co giật thường xuyên (có thể do động kinh hoặc không phải động kinh); các hành vi chống đối (không vâng lời, đập phá đồ đạc, chạy ra khỏi nhà, tấn công người khác, móc miệng cho nôn ra…); các hành vi tự hủy hoại: tự cào cấu bản thân, tự đập đầu, bứt tóc, cắn tay…; các hành vi tự kích thích: đưa tay vào miệng, móc lỗ tai, la hét lớn tiếng, gật gù, lắc lư thân thể, ….; trẻ hay cáu gắt hoặc đã có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về bệnh thần kinh, tâm thần, tâm thần phân liệt.

Đối với người đủ 6 tuổi trở lên, Hội đồng xác định dạng tật thần kinh, tâm thần khi có một trong những biểu hiện: thường ngồi một mình, chơi một mình, không bao giờ nói chuyện hoặc quan tâm tới bất kỳ ai; có những hành vi bất thường như kích động, cáu giận hoặc sợ hãi vô cớ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn của bản thân và người khác; bất ngờ dừng mọi hoạt động, mắt mở trừng trừng không chớp, co giật chân tay, môi, mặt hoặc bất thình lình ngã xuống, co giật, sùi bọt mép, gọi hỏi không biết; bị mất trí nhớ, bỏ nhà đi lang thang; có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về suy giảm thần kinh, tâm thần, tâm thần phân liệt.

Khuyết tật trí tuệ

Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc. (căn cứ khoản 5 Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP)

Theo tiêu chí chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ theo bảng phân loại DSM-IV (DSM-IV, 1994), NKT trí tuệ có những đặc điểm sau:

– Chức năng trí tuệ dưới mức trung bình (chỉ số thông minh đạt gần 70 hoặc thấp hơn 70 trên một lần thực hiện trắc nghiệm cá nhân);

– Bị thiếu hụt hoặc khiếm khuyết ít nhất là hai trong số những hành vi thích ứng sau: giao tiếp, tự chăm sóc, sống tại gia đình, kỹ năng xã hội/ cá nhân, sử dụng các tiện ích trong cộng đồng, tự định hướng, kỹ năng học đường, làm việc, giải trí, sức khỏe và an toàn;

– Tật xuất hiện trước 18 tuổi.

NKT về trí tuệ có nhiều hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của họ và người thân. Họ gặp khó khăn về trí nhớ cả ngắn hạn và dài hạn, khó khăn trong việc ghi nhớ những gì mang tính trừu tượng hay có quan hệ logic, dễ quên những gì gần gũi với cuộc sống và không gắn với nhu cầu của bản thân. Phần đông NKT trí tuệ có khó khăn khi phải tập trung và  duy trì sự chú ý vào công việc nào đó, đặc biệt là chú ý đến lời nói. Do duy trì chú ý kém nên việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin của họ thường gặp khó khăn. Họ đa phần yếu kém về kỹ năng xã hội, thậm chí không có nhu cầu giao tiếp và thường quá hiếu động hay quá ù lì.

Theo Mẫu số 02,03 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH, Hội đồng xác định cấp xã xác định dạng tật trí tuệ khi có một trong các dấu hiệu sau:

– Khó khăn trong việc nhận biết người thân trong gia đình hoặc khó khăn trong giao tiếp với những người xung quanh so với người cùng lứa tuổi

– Chậm chạp, ngờ nghệch hoặc không thể làm được một việc đơn giản (so với tuổi) dù đã được hướng dẫn

– Khó khăn trong việc đọc, viết, tính toán và kỹ năng học tập khác so với người cùng tuổi do chậm phát triển trí tuệ

– Hoặc có kết luận cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về chậm phát triển trí tuệ

Khuyết tật khác

Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc 05 trường hợp nêu trên.

Các dạng khuyết tật khác như: người rối loạn hành vi cảm xúc, người mắc hội chứng tự kỷ, người bị rối loạn ngôn ngữ…

Việc xác định dạng tật khác dựa trên một trong số dấu hiệu sau:

– Có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về bệnh tê bì, mất cảm giác ở tay, chân hoặc sự bất thường của cơ thể làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động; lao động; đọc, viết, tính toán và kỹ năng học tập khác; sinh hoạt hoặc giao tiếp;

– Có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về bệnh hô hấp hoặc do bệnh tim mạch hoặc do rối loạn đại, tiểu tiện mặc dù đã được điều trị liên tục trên 3 tháng, làm giảm khả năng thực hiện các hoạt động; lao động; đọc, viết, tính toán và kỹ năng học tập khác; sinh hoạt hoặc giao tiếp;

– Có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về rối loạn phổ tự kỷ hoặc các loại bệnh hiếm.

Hồng Liên

Bài viết liên quan

Picture3

Cần tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho người khuyết tật

Picture2

HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT Ở VIỆT NAM

Picture3

MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ NĂM 2023

Picture5

THỰC HIỆN QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỰ KỶ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY – THỰC TẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, KIẾN NGHỊ

Picture2

HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI KHÔNG LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ CỦA CÁ NHÂN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang