(ĐHVO). Hoài bão và ước mơ là những điều mà trong mỗi chúng ta đều có, nhưng để có thể theo đuổi và đạt thành công là điều không phải ai cũng làm được. Vậy mà dù từ nhỏ lớn lên với tình trạng khuyết tật bẩm sinh, gặp nhiều khó khăn hơn mọi người nhưng anh Phạm Văn Đát (1961) luôn cố gắng, kiên trì thực hiện đam mê sản xuất, cải tiến xe 3 bánh.
Anh Phạm Văn Đát (hình ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Phạm Văn Đát hiện đang sinh sống ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của cuộc chiến phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin vẫn còn đó, gieo giắt những căn bệnh dị tật, những biến chứng khôn lường vào cuộc đời của nhiều thế hệ sống trong thời bình. Tuổi thơ anh lớn lên với cơ thể bị nhiễm chất độc màu da cam do ảnh hưởng từ người bố, khiến anh bị bại liệt bẩm sinh. Thiệt thòi là vậy nhưng anh Đát vẫn luôn mang trong mình sự lạc quan, kiên cường như người lính cụ Hồ mà cha anh vẫn luôn răn dạy.
Từ khi còn nhỏ anh Đát không thể như các bạn đồng trang lứa khác chạy nhảy, vui chơi, nô đùa, những việc đơn giản với mọi người nhưng với anh là sự cố gắng, kiên trì và học hỏi. Anh không khuất phục trước số phận, vẫn tự mình vươn lên, làm những điều không thể để có một cuộc sống ý nghĩa hơn. Nhưng đến năm 1988, anh lại bị tai nạn lao động ảnh hưởng đến cột sống gây ra biến chứng khiến anh đi lại khó khăn. Anh chia sẻ: “Từ nhỏ mình đã luôn cố gắng phấn đấu để có thể có giúp đỡ gia đình. Dù tai nạn năm 27 tuổi khiến mình khó khăn trong đi lại, nhưng mình luôn tự động viên bản thân là phải kiên cường vì còn có gia đình, nhất là khi bố mình cũng bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Lúc đó mình đã hạ quyết tâm phải tìm được việc làm, không trở thành gánh nặng cho gia đình.”
Cuộc sống không bao giờ khép lại với những người biết cố gắng, nếu đã đóng cánh cửa này thì sẽ đưa bạn đến cánh cửa mới. Với anh Đát cũng vậy, từ năm 1994 đến 1999 để mưu sinh cuộc sống và cũng để học hỏi anh Đát đã học và sửa chữa các thiết bị từ những chiếc xe đạp, bình bơm thuốc sâu. Có công việc duy trì cuộc sống nhưng từ những khó khăn di chuyển của chính bản thân, anh thấu hiểu và nung nấu ý muốn được san sẻ, giúp đỡ một phần nào đó với những người cũng bị khuyết tật vận động.
Vậy nên, từ năm 1997 anh nung nấu ý định và trong thời gian rảnh rỗi anh tập trung nghiên cứu để sản xuất, cải tiến các phương tiện đi lại cho người khuyết tật sử dụng. Mong rằng bản thân và những người có khó khăn như mình có thể tự mình di chuyển đường dài mà không phụ thuộc vào người khác. Để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê sản xuất xe ba bánh nhưng không muốn gây ra gánh nặng tài chính cho gia đình nên anh Đát thường xuyên lui tới nơi bán phế liệu để tìm kiếm công cụ, nguyên liệu còn sử dụng được để tái chế, sửa sang, tận dụng cho đỡ tốn kém chi phí.
Có công mài sắt có ngày nên kim, sau 11 năm cố gắng tìm tòi, học hỏi từ những kinh nghiệm thực tế mà không qua bất kỳ trường lớp chính quy nào, anh Đát đã thành công với chiếc xe máy 3 bánh đầu tiên. Sự tiện ích, dễ dàng sử dụng của xe nhanh chóng được dân làng và nhiều người biết đến, sử dụng và đặt hàng. Từ đó, bằng số tiền tích góp và bắt đầu từ sản xuất nhỏ lẻ, anh tăng dần số lượng xe và cũng tạo ra nhiều loại xe khác nhau phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Anh Đát và chiếc xe máy 3 bánh (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cơ sở sản xuất của anh Đát (ảnh do nhân vật cung cấp)
Với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, anh Đát đã chiếm được lòng tin yêu của mọi người. Đến năm 2018, anh thành lập công ty và bắt tay vào sản xuất mở rộng. Đến nay anh đã có 02 công ty và 02 cơ sở sản xuất cho ra đời nhiều mẫu xe, loại xe phục vụ riêng cho đối tượng là người khuyết tật. Sản phẩm của anh được nhân rộng và đến với người tiêu dùng với mức giá phù hợp với đối tượng yếu thế, tài chính hạn hẹp. Không những vậy, người dùng còn phản hồi rất tích cực về chất lượng xe, độ an toàn cũng như tính năng ưu việt, thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng.
Anh Đát luôn chú trọng thực hiện thẩm định thiết kế nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng sản phẩm cũng như đảm bảo đủ điều kiện đưa sản phẩm ra thị trường. Điển hình như thiết kế kỹ thuật ô tô tự chế (có mui), đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định thiết kế vào năm 2017.
Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế về thiết kế kỹ thuật ôtô tự chế có mui của (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Đát không ngừng tìm kiếm và sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ người khuyết tật, giúp người khuyết tật chủ động hơn trong cuộc sống. Đến nay, những thành công của anh được ghi nhận và nhận được nhiều giải thưởng như giải SDG Challenge (09/10/2019); giải thưởng Sáng kiến vì cộng đồng (25/12/2020); Hoa việc tốt Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 5 (19/01/2021).
Đam mê lao động, sáng tạo, không chùn bước trước mọi khó khăn và nghị lực sống của anh Phạm Văn Đát đã, đang truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật khác. Tin rằng, với tấm lòng nhiệt huyết với nghề và sự đồng cảm, thấu hiểu những khó khăn của người khuyết tật, cơ sở sản xuất của anh Đát sẽ không ngừng mở rộng, đưa những sản phẩm hữu ích, thuận tiện đến với người khuyết tật trên khắp cả nước.
Bích Hợp