(ĐHVO). Sinh ra và lớn lên tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, trong căn nhà ấm áp, chiếc bàn nhỏ đựng đầy giấy bút dán, sơn mài, kéo,…. Thảo vẫn thoả sức sáng tạo với bộ môn tranh xoắn giấy (Quilling paintings) – một bộ môn ra đời từ khi phát minh ra giấy ở Trung Hoa 150 năm sau Công nguyên. Người con gái với tấm thân nhỏ nhắn nhưng có nghị lực sống phi thường, cô không chỉ tạo ra thu nhập riêng từ chuỗi cửa hàng tranh xoắn của mình, mà còn truyền những năng lượng tích cực đến tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật.
Phạm Thanh Thảo khởi nghiệp với tranh xoắn (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Năm 13 tuổi, bi kịch cuộc đời đột nhiên xảy đến với cô học trò thông minh, đáng yêu. Ban đầu là những lần ngã gục khi đi lại, mệt mỏi, các dấu hiệu bệnh lý như đang dần báo trước một tin không tốt đẹp. Thảo được bác sĩ chuẩn đoán có khối u ở xương chày chân phải, phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần có khối u để không di căn sang các khu vực khác. Khoảnh khắc nghe tin dữ, tai Thảo như ù đi, bao dự định, hoài bão tương lai bỗng chốc trở nên tối tăm, mờ mịt, cô trở nên bất lực và suy sụp.
Suốt những ngày tháng còn lại của năm cấp 2, Thảo được gia đình chạy chữa khắp nơi với mong muốn điều kì diệu có thể xảy ra, bố mẹ Thảo cũng khó có thể chấp nhận sự thật khắc nghiệt này. Nhưng giây phút tưởng chừng như cuộc sống này muốn đạp cô xuống, Thảo lại đứng lên, đứng lên với đôi nạng gỗ đang kề vào hai vai, đứng lên với hy vọng bỏ một bộ phận hỏng có thể giúp mình tiếp tục sống mà theo đuổi hy vọng, đứng lên với nụ cười toả nắng thiêu đốt đi những ý nghĩ tiêu cực trước đây. Thảo đã sống lại một lần nữa, không phải với một cơ thể lành lặn mà là với một nghị lực sống bất diệt.
Đó mới chỉ là khởi đầu của một chặng đường dài! Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt chân, để có thể đi lại được, Thảo phải làm quen với chiếc nạng gỗ. Nhiều năm liền, Thảo phải điều trị tại bệnh viện trên thành phố Hồ Chí Minh tốn kém và xa nhà, chịu cả nỗi đau thể xác lần nỗi đau tinh thần. Cô vừa cười vừa chia sẻ: “Lúc đó em như một người bị cuộc sống khắc nghiệt xoay vòng vòng đến chóng mặt, xung quanh không có gì để em bấu víu, chỉ có thể hoặc là ngã quỵ xuống, hoặc là chiến đấu với nó đến cùng”.
Bệnh tật là thế nhưng không vì lý do đó mà Thảo lơ là việc học, ngoài thời gian điều trị tại bệnh viện, Thảo vẫn chăm chỉ mượn vở ghi chép của các bạn trên lớp, cố gắng theo sát chương trình học nhất có thể để không bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh những lời động viên ấm áp không tránh khỏi những lời đàm tiếu, gièm pha với khiếm khuyết của Thảo. Nhiều người nói với bố mẹ cô rằng: “Cho nó nghỉ đi, chứ nó tật nguyền vậy học hành gì được”, “Liệu bà có nuôi con què suốt đời được không?”. Chính vì những lời nói đó mà Thảo càng nỗ lực hơn, cô ngầm tuyên chiến với những người coi thường sự cố gắng của mình. Cô phải chứng minh cho họ thấy họ đã sai như thế nào khi nhìn vào ngoại hình mà đánh giá cuộc đời của cả một con người.
Có những lúc sức khỏe không đảm bảo, đôi chân tê mỏi, đôi bờ vai đau nhức vì phải chống nạng, những ngày mưa ngày nắng khi Thảo vẫn quyết tâm theo đuổi, thực hiện khát vọng của mình. Trong thâm tâm lúc đấy cô gái chỉ tâm niệm 1 điều: Phải khẳng định mình, phải chứng minh mình, không được để người khác coi thường. May mắn thay, bên cạnh cô có những người bạn tốt quan tâm, động viên và chia sẻ những lúc khó khăn nhất.
Tranh xoắn giấy (Quilling paintings) (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trời không phụ lòng người, nỗ lực bền bỉ của Thanh Thảo đã được đền đáp lại bằng trái ngọt, 12 năm liền Thảo đều là học sinh khá, giỏi. Niềm vui như được nhân đôi, Thảo trúng tuyển khoa Cơ khí của trường Đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh – vào thời điểm đó đây là vị trí mong muốn của rất nhiều người. Vì bản tính tự lập từ bé, không thích phụ thuộc vào bố mẹ nên từ khi bắt đầu lên đại học, cô đã tự kiếm tiền để trang trải cho tiền học và tiền sinh hoạt từ công việc gia sư, nhân viên bán hàng,.. và cô bén duyên với bộ môn tranh xoắn giấy Quilling paintings từ đây.
Sau khi tốt nghiệp với học lực và ngoại ngữ tốt, Thanh Thảo nhanh chóng lọt vào mắt xanh của một công ty nước ngoài với mức lương khá so với bạn bè cùng lứa. Nhưng không gò bó với công việc hiện có, cảm giác được đó không phải là công việc mà bản thân có thể thoả sức với đam mê, cô đã bỏ ngang công việc đang làm để lập nghiệp.
Với những kinh nghiệm tích luỹ được từ những ngày tháng còn là sinh viên cùng tinh thần ham học hỏi, hứng thú với những tờ giấy sắc màu, Thanh Thảo nhanh chóng thích nghi với loại hình nghệ thuật này. Càng làm càng thích, càng thích càng tìm hiểu sâu, từ những góc cạnh đơn giản, qua bàn tay khéo léo của Thảo trở thành những bức hình ấn tượng. Với mỗi tác phẩm, Thảo như thổi hồn vào đấy bao nhiêu mộng mơ, khát vọng của tuổi trẻ. Cô dần thành thục kỹ thuật và liên tục biến hóa, sáng tạo qua các tác phẩm của mình. Công việc từ đầu chỉ là hoạt động giúp Thảo giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng nay thành nguồn thu nhập chủ yếu.
Sau một thời gian, năm 2017 Thảo mở được một cửa hàng đầu tiên của riêng mình để trưng bày và bán các sản phẩm nghệ thuật. Ngoài tranh giấy dán, cửa hàng còn có đa dạng những món đồ thủ công, mỹ nghệ, sơn mài, khảm trai ngọc thành những chiếc đồng hồ, hộp đứng giấy, bùa bình an,… Qua 4 năm hoạt động, cửa hàng của Thảo đã có chỗ đứng riêng trong lòng những người ưa thích môn nghệ thuật độc đáo này.
Tranh xoắn giấy (Quilling paintings) (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Công việc bán hàng tại cửa hàng và bán hàng online giúp cô chủ trẻ tuổi có mức thu nhập ổn định 50triệu/đồng mỗi tháng. Những mảnh giấy màu riêng lẻ, những mảnh gỗ, vài chiếc chỉ màu, keo, hồ,… qua bàn tay khéo léo của Thanh Thảo trở thành những tác phẩm tinh xảo, nghệ thuật sắp đặt tuyệt vời khiến những nguyên vật liệu như hoà quyện với nhau. Các sản phẩm của cô chủ yếu bán cho khách từ các nước châu Âu, Mỹ, vùng lãnh thổ Đài Loan… với giá dao động từ 300-2.000 USD/ bức tranh.
Với những nỗ lực vượt qua khó khăn, mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, Phạm Thanh Thảo từng được Sở Lao động-Thương binh xã hội tuyên dương tại Hội nghị Biểu dương người khuyết tật tiêu biểu năm 2018. Sắp tới, Thanh Thảo là một trong những điển hình của Đồng Nai được đề xuất tham dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI-2021 do Bộ LĐ-TBXH phối hợp tổ chức tại Hà Nội.
Chia sẻ về những dự định sắp tới trong tương lai, Thanh Thảo sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức kinh doanh, mở rộng chuỗi cửa hàng của mình, học hỏi thêm nhiều mẫu phẩm thủ công khác để thoả sức sáng tạo của bản thân cũng như làm đa dạng các sản phẩm của quán; trau dồi thêm ngoại ngữ để tiếp cận nhiều thị trường nước ngoài, quảng bá sản phẩm rộng ra thế giới. Xin chúc cho những dự định, ước mơ của Thảo sẽ thành sự thật!
Khánh Linh