(ĐHVO). Ông Trần Quốc Hương (bí danh Mười Hương) sinh ngày 20/12/1924, tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, Hà Nam – Là bậc thầy của những nhà tình báo lỗi lạc Việt Nam mà cũng từng nếm trải nỗi oan sai.
Ảnh: Ông Trần Quốc Hương
Trần Ngọc Ban sinh năm 1924 tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Cha ông là nhà thầu khoán Trần Ngọc Tân, tính chất phác, lành hiền và cần kiệm. Ông được cha cho theo học chữ Nho và thầy dạy ông là Nguyễn Đức Quỳ, sau là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Ông được thầy Quỳ dạy dỗ và giác ngộ cách mạng từ năm 14, 15 tuổi. Học hết lớp nhất tại trường tiểu học Phủ Lý, ông Mười Hương chuyển lên Hà Nội, nhập học ở Trường Dòng phố Nhà Chung. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943. Ông được ông Nguyễn Lương Bằng giao việc xuất bản báo Cờ giải phóng, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Mười Hương đã tham gia bảo vệ an ninh trật tự Lễ Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Kháng chiến bùng nổ, ông công tác tại Ban Giao thông – liên lạc – an toàn khu, đảm trách nhân khẩu báo chí, duy trì thông tin liên lạc.
Năm 1948, ông có buổi làm việc với ông Trần Hiệu, Cục trưởng Cục tình báo đồng thời là Phó tổng Giám đốc Nha Công an TW. Tiếp xúc với ông, ông Cục trưởng Cục Tình báo đã để ý và nhận ra tố chất bẩm sinh của ông rất phù hợp với “nghề tình báo”. Ông Trần Hiệu đã lên gặp ông Trường Chinh để xin bằng được ông Trần Ngọc Ban về Cục tình báo Việt Nam. Từ đó, cuộc đời ông rẽ sang bước ngoặt mới.
Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam sắp được ký kết, xét đề nghị của Cục tình báo, ông Trần Ngọc Ban đã được các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng trực tiếp giao nhiệm vụ vào Nam xây dựng lực lượng tình báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tham dự cuộc gặp và động viên ông trước trọng trách mang tính bước ngoặt của tình báo Việt Nam. Lúc này ông lấy tên là Trần Quốc Hương, gọi theo cách miền Nam là Mười Hương.
Ảnh: Vũ Ngọc Nhạ, Trần Hiệu, Trần Quốc Hương (Hàng ngồi, từ trái qua)
Hà Mai (thứ 2), Phạm Xuân Ẩn (thứ 3) (Hàng đứng, từ trái qua )
Vào đến Quân khu 9, ông Mười Hương gặp lại người bạn tù là Phan Trọng Tuệ đang là Tư lệnh Quân khu, ông Lê Toàn Thư là Xứ ủy viên Nam Kỳ. Những ông này hết lòng ủng hộ Mười Hương mở các lớp đào tạo tình báo viên, phục vụ kế hoạch hậu Giơnevơ. Tham gia đứng lớp khi đó có các ông Cao Đăng Chiếm, Mai Chí Thọ (sau này đều là những lãnh đạo chủ chốt của ngành công an). Hàng loạt các lớp huấn luyện tình báo với thành phần nòng cốt là các chiến sĩ tuyển dụng từ ngành công an được mở. Ông Mười Hương cũng là người thay mặt Cục tình báo, phụ trách các đầu mối tình báo đang hoạt động tại địa bàn miền Nam. Ông Mười Hương cũng là cấp trên trực tiếp những nhà tình báo lỗi lạc của Việt Nam như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Đặng Trần Đức (Ba Quốc), Đinh Thị Vân…
Ảnh : Vũ Chính (Tổng cục trưởng TC Tình báo Bộ QP), Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương, Trần Hiệu, Lê Hữu Thúy, Đặng Trần Đức
Nghề tình báo là một nghề khắc nghiệt nhất trong xã hội, không phải ai cũng có tố chất thích hợp. Người tình báo phải đối diện với cái chết cận kề hoặc nỗi lo bị phát hiện luôn thường trực trong cuộc sống. Khi bị bắt họ cũng là đối tượng bị tập trung khai thác một cách đặc biệt. Trở về với đồng đội, bên cạnh những chiến công hiển nhiên thì lượng thông tin về họ do cả ta và địch lưu giữ sưu tầm, nhiều khi cũng dựng một khoảng cách nhất định giữa họ với tổ chức. Ông Mười Hương cũng không phải là một ngoại lệ.
Năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm khủng bố trắng những người theo kháng chiến. Như tấm lưới rê khổng lồ kéo khắp miền Nam, Đoàn công tác đặc biệt miền Trung do Dương Văn Hiếu cầm đầu bắt giữ không cần xét hỏi những người chúng nghi đã tham gia cộng sản, tham gia kháng chiến. Ông Mười Hương cũng có thời gian bị giam ở ngục Chín Hầm của lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn.
Năm 1963 Dương Văn Minh đảo chính Diệm. Hồ sơ về ông Mười Hương tại trại giam ghi : “Đương sự ngưng hoạt động năm 1955, không gia nhập Đảng cộng sản và đã bị giam giữ 6 năm”. Vì vậy ông được xét tha cùng hàng loạt tù chính trị khác.
Việc tha tù thời chính quyền Sài Gòn liên tục xảy ra đảo chính rất đơn giản, nhưng lại khó lý giải về trường hợp ông “cộng sản gộc” Mười Hương. Tại sao được tha và tại sao việc tha tù lại dễ dàng đến vậy. Được đón ra Bắc, ông gần như bị cách ly tại K5, nơi an dưỡng tại Quảng Bá – Hà Nội của các cán bộ từ chiến trường miền Nam ra Trung ương. Trần Quốc Hương hiểu và tuân thủ các quy định ngặt nghèo của ngành, nhưng khi đấy ông cô đơn kinh khủng.
Trong hồi ký ông kể, có lần ông đến Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao tìm gặp ông Trần Hiệu, người thủ trưởng năm xưa, giờ là Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao. Bảo vệ xét hỏi giấy tờ. Do đang bị cách ly tại trại K5, hoàn toàn không có một giấy tờ tùy thân nào nên bảo vệ ngăn không cho gặp. Biết đây là nguyên tắc nên ông không cố xin gặp, và nữa, bản thân ông cũng không muốn gây phiền cho ông Trần Hiệu nên lại lẳng lặng về ngẫm sự đời tại trại K5.
Cuộc chiến tranh giải phóng đang giai đoạn ác liệt. Không phát hiện nghi vấn nào nên hồ sơ về ông được đóng lại. Ông được trở lại chiến trường, móc nối các cơ sở và mạng lưới tình báo do ông xây dựng và cài cắm trong lòng địch.
Lực lượng tình báo do ông chỉ huy đã viết nên huyền thoại về công tác tình báo trong chiến tranh, giúp Trung ương luôn nắm được các ý đồ, kế hoạch của chính quyền Sài Gòn và chính phủ Mỹ. Đây là chiến công không chỉ dành riêng cho lực lượng tình báo mà nó còn là niềm tự hào của cách mạng Việt Nam.
Sau ngày thống nhất, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy. Sau ông làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Giai đoạn ở thành phố Hồ Chí Minh, ông được giới thiệu tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng. Khi đó có đơn tố giác, kèm bằng chứng có tên ông là người đã khai báo và làm việc cho địch trong thời gian bị giam tại nhà ngục Chín hầm khét tiếng của lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn.
Ông bị đề nghị rút khỏi danh sách ứng cử Ban chấp hành Trung ương Đảng. 21 cán bộ từng bị giam chung với ông và do ông phụ trách, đề bạt khi ông là Phó Chủ tịch thành phố phụ trách tổ chức cũng đồng loạt bị đặt trong vòng nghi vấn, dù khi đó nhiều người là lãnh đạo cốt cán của thành phố.
Đơn tố cáo của một người có trách nhiệm, tố đúng tên ông khai trong tù là Trí, đã đầu hàng và làm cán bộ cải huấn của trại giam. Tổ chức không tiện hỏi thẳng ông nên suốt những ngày thanh tra, ông và những người liên quan tới ông đều bị giám sát chặt chẽ.
Nhờ một nguồn tin thân cận, ông nắm được nội dung đơn tố cáo nên chủ động xin gặp ông Sáu Thọ (Lê Đức Thọ), Trưởng ban Tổ chức Trung ương để giải trình. Ông chứng minh khi bị bắt, ông khai tên là Trần Ngọc Trí, giáo học, không theo đảng phái nào. Đúng thời gian ông bị tố giác là cán bộ cải huấn của trại, ông đã bị chuyển trại, giam giữ tại nơi khác.
Ông chứng minh được kẻ phản bội và đầu hàng, làm cán bộ cải huấn cũng tên là Trí nhưng mang họ Phan Văn. Đồng thời, các cựu tù ở nhà ngục Chín hầm năm xưa nay vẫn còn nhớ và xác nhận Phan Văn Trí và Trần Ngọc Trí là hai người khác nhau. Ông giáo học Trần Ngọc Trí chỉ là người tham gia tổ chức đòi hòa bình như ông Mười Hương tự khai, nên sau đảo chính Ngô Đình Diệm, ông được tha bổng dưới cái tên Trần Ngọc Trí cùng hàng loạt các nhân sĩ trí thức khác.
Nhận được giải trình hợp lý và xác thực của ông Mười Hương, ông Lê Đức Thọ vui mừng thốt lên: “Mình mừng quá. Cậu chỉ cho anh em kiếm được cái tên Trí đó, nếu không, mình cũng chẳng biết làm thế nào”.
Có như vậy mới thấu hiểu khi ông Mười Hương về hưu, ông đã cùng ông Trần Hiệu lập nhóm Nghĩa tình đồng đội của những cán bộ tình báo đã về hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông dành toàn bộ thời gian cho các hoạt động tình nghĩa của các cựu tình báo viên và nỗ lực đến tận cùng để tháo gỡ những oan sai cho đồng đội.
Hàng tuần, hàng tháng, các cựu tù cách mạng lại gặp nhau tại nhà cựu tù Ngô Duy Trinh (tức Ba Trinh) ở 63 Bàn Cờ để kể lại những gì mình còn nhớ trong thời gian bị tù đày. Các cuộc họp đều được thu băng, lược ghi để làm báo cáo gửi tổ chức, giúp làm rõ hoặc minh oan cho các đồng đội.
Một số ghi chép đấy đã được in thành truyện như “Sống trong mồ” hoặc đang chờ được xuất bản như “Bội phản hay Chân chính” v.v…
Năm 2004 đã có cuốn sách viết riêng về chiến công của ông do Nhà xuất bản CAND ấn hành của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải. Sách có tên gọi : Trần Quốc Hương – Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại.
Ông được trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam.
Hồ Công Thiết