“Ông gù” – Ký ức không thể quên

(ĐHVO). Nhớ lại năm ấy, ông lưng còng nhưng lúc nào cũng cõng cháu trên lưng. Trí nhớ của đứa trẻ không còn được trọn vẹn nhưng lúc nào cũng nhớ đến ông – người ông đáng kính.

Ông tên đầy đủ là Nguyễn Văn Sơn, mọi người vẫn thường gọi ông là “Ông Sơn gù”, nếu còn sống thì tính đến nay ông cũng đã hơn 80 tuổi rồi. Thỉnh thoảng tôi lại được nghe kể lại từ bố mẹ về ông.

Thời ấy gia đình tôi rất nghèo, bố mẹ sinh được hai người con nhưng ăn chưa từng đủ, quần áo cũng được người khác cho mới có để mặc. Mang tiếng là “dân phố chợ” nhưng cuộc sống còn khó khăn hơn những người ở quê. Ở quê còn có vườn rau, ao cá, con gà, trồng lúa để lấy gạo ăn chứ ở phố thị lấy gì mà có. Chính vì thế mà khi tôi được 2 tuổi, mẹ đã nhờ ông trông giúp để đi chở hàng “kiếm cơm”. Bố tôi thì đi làm xa nhưng cũng chẳng hỗ trợ thêm cho mẹ được là bao.

Khi ông còn trẻ cũng đẹp trai, chịu thương chịu khó lắm nhưng cho đến khi tai nạn xảy ra, ông  không thể đứng thẳng như người bình thường được nữa. Từ đó, lưng ông ngày càng “gù” đến mức mặt nhìn thẳng xuống đường và việc đi lại trở nên khó khăn. Hoàn cảnh nhà ông không khác gia đình tôi là bao,  họ sống trong túp lều tranh từ trước khi tôi sinh ra (năm 1995) cho đến tận bây giờ. Vợ ông sức khỏe cũng kém, bà chỉ đi nhặt ve chai, giấy lộn rồi bán kiếm tiền sống qua ngày. Ông có hai cô con gái nhưng cũng không được thông minh, nhanh nhẹn như con nhà khác và thời điểm đó cũng còn trẻ nên chưa phụ bố mẹ được nhiều.


Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Khi đó, cứ lờ mờ sáng là mẹ lại gửi tôi và anh tôi cho ông trông. Dù nắng hay mưa ông vẫn đến nhà tôi rất đều đặn, không nghỉ bữa nào. Kể cả những hôm trái gió trở trời, lưng đau ê buốt thì ông vẫn cố gắng gượng để đến nhà tôi vì ông biết rằng nếu ông không đến thì mẹ tôi không thể đi làm được và rồi “lấy gì mà ăn”. Ăn cơm cũng ông đút, ngủ thì ông ru mà do còn bé chẳng biết gì nên tôi cứ suốt ngày đòi ông cõng. Hình ảnh ông cõng tôi trên lưng đứng ngoài cổng chờ mẹ tôi về khiến tôi nhớ mãi.

“Nhong nhong nhong ngựa ông đã về, cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn”.

Kể cả mẹ bị hỏng xe hay lấy hàng về muộn thì ông cũng chưa từng buông lời than trách, vẫn lo cho cháu chu đáo đâu ra đấy. Nghe vậy chắc mọi người tưởng ông là họ hàng nhà tôi phải không? Là người dưng thôi mọi người ạ. Hoàn cảnh khó khăn khiến người ta biết cảm thông và chia sẻ với nhau hơn chứ không quá đặt nặng giá trị vật chất. Cho cái gì thì ông lấy đấy chứ ông cũng chẳng đòi hơn. Ai hỏi ông cũng bảo “Nhà cái Nhung nghèo lắm, thôi thì giúp được gì thì mình giúp nó”.

Cứ vậy thời gian trôi qua cho đến khi tôi được 5 tuổi, sức khỏe ông yếu dần và ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Thời đấy còn trẻ con còn chẳng nghĩ gì nhiều, đến chơi với ông còn đòi ông cho sữa để uống (Thời đấy đi thăm người bệnh hay có cân đường, hộp sữa ông thọ đấy mọi người). Và chuyện gì đến cũng sẽ đến, hôm đấy ông dường như có linh cảm mình không qua khỏi nên nhắn người nhà tìm “Cái Linh và Tuấn Anh” đến.

Trớ trêu thay ngày hôm đó tôi cùng lũ trẻ con trong xóm lại đưa ra một quyết định táo bạo là đi bộ sang nhà bà nội của tôi cách nhà 2km. Đâu ai tưởng tượng được là chúng tôi lại “liều” như vậy khiến cả xóm tá hỏa đi tìm, nhà ai cũng chẳng thấy con. Thời đó quê tôi còn chưa ai dùng điện thoại nên chỉ biết đi tìm những nơi mà trẻ con có thể đến. Đến tận trưa mới có người tìm thấy chúng tôi, khi đó mỗi bạn đều đã được ăn uống no say và còn đang chơi trò chơi ở sân nhà bà.

Về đến nơi, tôi chỉ hiếu kỳ vì sao nhà ông lại đông người đến thế và khi đó tôi mới biết ông đã qua đời. Ông không kịp chờ chúng tôi về nữa mà đã ra đi mãi mãi. Cảm xúc của một đứa trẻ khi đó chỉ biết thể hiện ra bằng việc “khóc” mà thôi. Tôi được mọi người đeo khăn tang mà đến mãi sau này mới biết được ý nghĩa đặc biệt của nó – họ xem tôi như cháu ruột của ông vậy.

Ông – một người khuyết tật nhưng mang trong mình tình yêu thương bao la kể cả với những đứa trẻ không phải ruột thịt của mình. Một người khuyết tật nhưng luôn lạc quan, vui vẻ, giúp đời, giúp người không quản ngại khó khăn. Có lẽ trong cuộc sống cũng có rất nhiều người lương thiện như ông nhưng đối với riêng tôi, ông luôn tồn tại trong ký ức không thể phai nhòa.

Nguyễn Hoa

Bài viết liên quan

Picture6

Hải Phòng: Lễ biểu dương 139 học sinh,sinh viên tiêu biểu xuất sắc của Thành phố năm 20

Picture2

Thành phố Nam Định hình thành 3 vùng phát triển sau sáp nhập

Picture2

Tạp chí Lao động và Sáng tạo trao 1.000 suất quà đến người dân Lào Cai bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

NGƯỜI KHUYẾT TẬT ĐỆ ĐƠN XIN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hưởng ứng tham gia ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” thành phố Hà Nội năm 2024

Picture1

Thái Nguyên: Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang