Nước mắt của những người vượt biên mưu sinh(Kỳ 1)

Đây là câu chuyện được chúng tôi ghi lại khi một cô gái trẻ ở Nghệ An với ước muốn cải thiện cuộc sống gia đình nên đã bước chân vào con đường vượt biên trái phép để muốn vào nước Anh nhưng rồi, cuộc sống trong trại và những lần băng rừng đã làm cô suy nghĩ lại. Về thôi, về quê hương mình.

Năm 2016, khi Bin của tôi vừa tròn 1 tuổi, vì mưu sinh, vì khát vọng đổi đời, tôi cùng anh trai tạm biệt gia đình, bạn bè, người thân để bay sang bầu trời châu Âu đi tìm cuộc sống mơ ước!

Chia tay con thơ, nước mắt nghẹn ngào, tim quặn thắt, tôi xách vali đi trong nước mắt và tiếng gọi “Chình ơi” của 1 đứa trẻ vừa biết nói mới tròn 1 tuổi! Hai anh em cùng người thân ra sân bay Nội Bài để bay chuyến đầu tiên của cuộc hành trình dằng dặc sang Matxcova (Nga)!

Trên chuyến máy bay kéo dài 11 tiếng đồng hồ mang theo biết bao giọt nước mắt lặn vào trong, tâm trạng rối bời vì thương nhớ con! Thỉnh thoảng anh trai động viên tôi, cố lên! Hi vọng 2 anh em tìm được tương lai. Chuyến máy bay đáp tại sân bay Nga. Chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ vì xung quanh chúng tôi toàn người ngoại quốc.

Xuống sân bay, điều đầu tiên chúng tôi phải làm đó là mượn điện thoại của một Việt kiều ở Nga để gọi cho đường dây ra đón và trải qua đợt kiểm tra khắt khe của Hải quan sân bay. Sau đó, chúng tôi được đưa ra khỏi sân bay bằng chiếc xe 4 chỗ rất cổ xưa mà chúng tôi từng xem trong phim. Chúng đưa chúng tôi đi khoảng 2 tiếng đồng hồ đến một toà nhà chung cư gọi là Kho.

Vừa bước xuống xe, cái lạnh thấu xương của xứ tuyết làm chúng tôi ê buốt cả răng, lạnh cứng người và bị trượt chân bổ chửng vì lần đầu tiếp xúc với tuyết đóng băng. Vào kho, Chúng tôi bị giao vào tay của Quang Lùn người Ninh Bình. Tại đây, mỗi người phải nạp cho hắn 200$ để ở và mua thức ăn và chờ ngày đi tiếp.

Thời gian ở kho thật sự là khốn khổ, lo lắng, mong đợi, hồi hộp và bị tịch thu hết tất cả mọi phương tiện điện tử. Anh trai tôi và tôi vẫn dấu được cái iphon và oppo để liên lạc về nhà. Ngày qua ngày, chúng tôi được cấp thức ăn là gạo và khoai tây. Có những lúc có cả thịt lợn ôi và thịt gà đang trong quá trình phân huỷ, khoai tây thì đã mọc mầm nhưng chúng tôi vẫn phải cố ăn. Một phần vì chúng tôi không biết tiếng, không thể ra ngoài, chúng tôi phải nhắm mắt cho qua. Hết thức ăn thì chuyển qua ăn mì tôm. Nhớ nhà, chúng tôi cố gắng liên lạc với gia đình. Những cuộc điện thoại đắt đỏ mấy trăm nghìn một cuộc gọi từ Việt Nam – Nga, Nga – Việt Nam, và chỉ gói gọn trong câu: “con khoẻ không, béo lên được chút nào không”? Sau mỗi cuộc điện thoại là nước mắt lăn dài trên má của 2 anh em.

Ai đã từng đi Nga vào kho của Quang Lùn sẽ rõ, chèn ép, bóc lột, tham lam… tất cả mọi tật xấu của con người nằm gói gọn ở nó. Mỗi lần nó đến thì tim như đánh trận, lo sợ, hoảng hốt mặc dù trong kho có 16 người nhưng ai cũng sợ nó. Kho có 2 phòng, phòng nhỏ dành cho tôi và một cô ở Hà Nội còn phòng kia dành cho 14 người nam tất cả đều nằm dưới đất. Mỗi người một quê, có cuộc sống, hoàn cảnh khác nhau, ai cũng mong đổi đời, lo được cho tương lai của gia đình. Hai tháng là những lời hứa hẹn là sẽ đi tiếp nhưng rồi tất cả gói gọn ở chờ đợi!

Tôi vẫn nhớ như in, lúc đó Bin (con trai tôi) mới 1 tuổi, tôi cai sữa Bin một ngày là đi ngay. Thời tiết thay đổi, cơn tắc sữa hoành hoành, căng tràn ở cổ, ở nách, ở ngực làm tôi khóc suốt. Sữa càng chảy, càng nhớ và thương con tôi lại vào phòng nhìn tuyết rơi, khóc nức nở.

Một hôm, khi Quang “Lùn” nó tới và gọi mọi người dậy và báo tin tối nay lên đường. Nó bắt đầu thu hết điện thoại không sót một cái nào. Không ai liên lạc được với người nhà. Không ai kịp chuẩn bị, nó lôi hành lý của từng người ra để lục lọi và kiểm tra vơ vét tài sản. Rất may, anh trai tôi và tôi cất điện thoại ở trong balo của tôi vì là đồ phụ nữ nên nó bỏ qua! Tôi và mọi người nhanh chân thay quần áo, khoác cho mình bộ quần áo nhanh nhất có thể.

Anh trai tôi có chiếc áo khoác da Mông Cổ mà lúc đi mẹ và chị dâu mua cho chống lạnh. Ấy vậy mà nó bảo “Đ mẹ mày cởi ra nhanh đưa nó cho tao, mày đi vượt biên hay mày đi chơi? Thế là mồm nó quát, tay nó vơ luôn cái áo mặc ngay lên người nó. Uất ức thật mà không làm được gì! Sau đó, một người đàn ông nước ngoài vào nói “go! go! go!”.

Tôi và anh trai được đưa xuống xe ô tô và chở đi, lo lắng, run sợ vì trên đường đi chúng tôi gặp những vụ tai nạn thảm khốc dọc đường như trong phim. Từ hôm, đón giao thừa bên Nga với mì tôm sống cho đến nay thức ăn đã hết mà họ không mua vào nữa… Ngày 08/03/2016 ngày mà mọi phụ nữ Việt Nam đang hạnh phúc đón ngày lễ thì tôi chìm trong trận sinh tử vượt biên lịch sử.

Chúng tôi băng qua những chặng đường trên chiếc xe ô tô cũ, 16 người chia làm hai đội đi 2 xe đi 1 ngày 2 đêm thì chúng tôi đến một bìa rừng. Chúng đẩy chúng tôi xuống và giao lại cho bọn xe khác. Lần này, chúng tôi được xếp vào 1 chiếc xe thùng chật hẹp, hôi tanh, cũ kĩ, ẩm mốc, 16 người ngồi chồng lên nhau, thậm chí không có chỗ để mà thở. Đói và khát là những gì chúng tôi phải chịu vì đã 2 ngày chúng tôi không có gì để ăn, không có nước để uống, không có không khí để thở. Người thì ngồi chồng lên nhau, ai cũng tê hết chân tay. Vào các đoạn đường ổ gà, nó nhồi làm chúng tôi đau ê ẩm, đói, khát, mệt cả 16 người chúng tôi dường như đã lả đi vì kiệt sức.

mot chuyen di sinh tu ky 1
Hai anhem chuẩn bi lên máy bay

Đến một bìa rừng khác để vượt bộ chúng nó mở cửa cái rầm, rồi có 2 người nước ngoài hét to “go! go! go!” Tôi và mọi người chỉ kịp đi đôi giày trong vòng 30 giây. Tôi chưa kịp cột dây giày đã phải nhảy xuống tôi ngã sõng xoài, đau đớn. Trời tối quá, tôi không nhìn thấy gì, tuyết đóng băng trơn trượt.

Ban đầu, ai cũng tưởng bọn họ dừng xe cho chúng tôi ăn hoặc uống nước nên chúng tôi cứ thế nhắm mắt lao theo. Trời tối lắm nhưng vì tuyết rơi nên con đường trắng xoá, chỉ biết căng mắt trong bóng đêm để tìm đường đi. Hôm ấy, trời đổ mưa, tuyết dày hơn rất nhiều.

Tôi đi được một quãng thì giày lút dưới tuyết không rút lên được nên đành bỏ lại chạy chân không. Mọi người ai cũng bị trượt ngã liên tục. Chân tôi lạnh cứng vì phải đi chân trần hơn 7 giờ đồng hồ trên tuyết. Một người con gái đói, khát, mệt, kiệt sức, ướt đẫm vì mưa và tuyết lại thêm đôi chân đã bị bỏng rộp vì đi trên tuyết quá lâu. Cứ thế xô nhau đi, chúng nó không cho nghỉ.

Ai theo không theo kịp thì sẽ bị bỏ rơi giữa rừng. Chúng tôi dồn sức đấu chọi với sống, chết. Thỉnh thoảng tôi ngoảnh lại phía sau hét tên anh trai xem thử anh có lên tiếng nữa không? Vì quá mệt nên tôi bám víu vào mấy người khác. Trên đường đi hễ ngã xuống lần nào thì tôi lại bốc từng nạm tuyết để ăn. Cứ thế, bốc ăn và nuốt, vì đói, vì khát, đến lúc ai cũng kiệt sức thì họ mới cho nghỉ khoảng 5 phút. 16 người chúng tôi ai cũng ướt sũng nằm trên tuyết thở.

Rồi người dẫn đường đã lạc đường nên chúng tôi phải đi lòng vòng trong rừng không lối ra. Qua từng hố sâu chúng tôi vấp ngã triền miên. Đang đi thì nó thấy tín hiệu của cảnh sát tuần tra. Bọn dẫn đường chạy thục mạng và mọi người cũng chạy theo. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cứ thấy mọi người chạy thì tôi cũng quay đầu chạy.

“Đùng” một tiếng súng nổ vang trời và pháo sáng như cháy rừng để cảnh sát phát tín hiệu cho đồng đội. 16 người chúng tôi hoảng sợ mỗi người chạy 1 hướng. Lúc này trong đầu tôi suy nghĩ, quay đầu là bờ nên tôi chạy quay lại theo hướng có tiếng súng. Trớ trêu thay vừa chạy quay đầu thì tôi húc phải cái cây lớn bị gãy chắn ngang đường , tôi ngã quỵ và úp mặt xuống đất nằm im và sau đó tôi là người bị phát hiện và bị bắt đầu tiên vì ngã gần chỗ bắn súng. Cảnh sát hỏi tôi, tôi nói người Việt Nam và một người tiếp theo bị bắt. Chúng tôi ra sức hét mọi người ra tự thú vì không bị bắn thì chúng tôi cũng bị chết đói chết khát, chết vì hổ vồ vì khi công an bắt chỉ chúng tôi xem dấu chân hổ.

Thế là tôi hét Anh Bình ơi! Anh Hoà ơi! Anh Tuấn ơi… mọi người ra đây đi, thà bị bắt còn hơn bỏ mạng nơi đây. Khi mọi người thấy tiếng gọi của tôi nên đi ra từ những bụi rậm. Tôi và mọi người được công an đưa ra khỏi rừng nhưng tuyết rơi quá dày chúng tôi liên tục bị rơi xuống hố.

Tôi phó mặc tất cả không thể bước đi nổi nữa. May có em Quang quê ở Hải Phòng và anh Hoà ở Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An) dìu tôi đi tiếp. Trong thâm tâm tôi tự dặn mình phải sống, sống để về với Bin, Bin còn quá nhỏ dại, về với cha mẹ đang trông mong từng ngày ở quê hương. Thế là tôi gồng hết sức mình…

Theo Đình Thắng/ Nguồn tin: tamnhin.net.vn

Bài viết liên quan

Picture9

Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Phát triển Hướng Dương Việt: Hiện thực hoá ước mơ cho những vầng trăng khuyết

Picture1

Cần tăng cường tính đại diện và tiếng nói của người khuyết tật trong các cơ quan dân cử

Picture2

Chương trình “Hành trình cuộc sống” trao tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố 140 xe đạp và nhiều phần quà tặng

Picture1

Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển”

Picture1

Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình: 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu thi đua “Hai tốt”

Picture1

Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tưng bừng Đêm đại nhạc hội chào đón tân sinh viên “FPS 2024 – Time Capsule”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang