Em Phạm Phương Thảo, lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ảnh: TG |
Đó là chứng khuyết tật vận động nặng do căn bệnh Von Willebrand (máu khó đông). Không đầu hàng số phận, Thảo luôn nỗ lực vượt khó, trở thành học sinh giỏi trong suốt 12 năm học.
Đi viện nhiều hơn đi học
Ngôi nhà nhỏ của Thảo nằm ở cuối xóm Thành Mỹ, xã Xuân Mỹ (huyện Nghi Xuân). Nổi bật trong ngôi nhà nhỏ, đơn sơ chính là góc học tập với san sát những tấm giấy khen của Phương Thảo trong suốt 12 năm học.
Thảo là con thứ 3 trong nhà. Gia đình em thuộc diện khó khăn của xã Xuân Mỹ. Bố em mắc bệnh ung thư dạ dày rồi qua đời khi Thảo mới được 8 tháng tuổi. Ấn tượng của Thảo về bố chỉ qua những câu chuyện kể của mẹ và tấm hình đã ố vàng theo thời gian. Cũng từng ấy năm, một mình chị Lê Thị Toàn (54 tuổi) – mẹ Thảo vừa chèo chống cả phần làm bố, nuôi 3 chị em Thảo ăn học.
Khó khăn tiếp tục bủa vây gia đình Thảo, khi em vừa sinh ra đã ốm yếu hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Chị Toàn phải đưa con đi khắp các bệnh viện để điều trị. Đến năm 4 tuổi, căn bệnh của Thảo được phát hiện và chẩn đoán là Von Willebrand – một bệnh về rối loạn đông máu.
“Các bác sĩ cho biết đây là căn bệnh hiểm nghèo, phải điều trị lâu dài, có khi gắn bó hết cuộc đời. Khi biết căn bệnh của con, tôi chỉ biết khóc vì thương. Sinh ra cháu đã bất hạnh vì không có bố, nay lại mang trong mình căn bệnh quái ác”, chị Toàn rơm rớm nước mắt.
Suốt nhiều năm học, mẹ phải đưa đón và bế em đến trường. Ảnh: TG |
Cũng từ đó, cuộc sống của 2 mẹ con Thảo là những ngày tháng rong ruổi từ bệnh viện tuyến huyện ra Hà Nội. Khi về nhà, chị Toàn lại tranh thủ kiếm đủ việc làm thêm để có tiền điều trị cho con.
Cũng vì căn bệnh hiếm gặp mà khả năng vận động của Thảo hạn chế hơn so với bạn bè. Suốt 12 năm học, khi các bạn thoải mái chạy nhảy vui đùa, em chỉ có thể lặng lẽ đứng nhìn. Bởi, chỉ cần một va chạm mạnh cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của Thảo. Không biết bao nhiêu lần, chỉ một vài lần va quệt với bạn, mẹ và thầy cô giáo đã phải cuống quýt đưa Thảo đi cấp cứu.
“Số tiền để chữa bệnh cho Thảo đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Số tiền này tôi cứ vay bên này đắp đổi bên kia, không biết bao giờ mới trả hết. Ngoài nghề chính là tạp vụ tại Công ty cổ phần Golf Xuân Thành, cứ rảnh rỗi ai thuê việc gì tôi cũng đều làm miễn có thêm thu nhập để chữa bệnh và nuôi con ăn học. Chỉ mong sao có thể đổi lấy sức khỏe cho con”, chị Toàn tâm sự.
Huyện đoàn Nghi Xuân tặng quà động viên Thảo trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. |
Nghị lực của cô học trò nhỏ
Hiểu nỗi lòng và sự vất vả của mẹ, 3 anh em Thảo đều chăm chỉ học hành. Người con gái đầu sinh năm 1993 và con trai sinh năm 2000 đều học đến lớp 12 và đỗ đại học. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh khó khăn, thương mẹ và em gái út, cả hai anh, chị của Thảo phải gác lại giấc mơ vào giảng đường đại học để đi làm.
Thấu hiểu sự hy sinh ấy, suốt 12 năm học, Thảo luôn nỗ lực và giành thành tích tốt trong học tập. Năm học vừa qua, Thảo xếp học lực giỏi với điểm tổng kết 8,3 điểm.
Chị Toàn cho biết, từ khi Thảo học mẫu giáo, mẹ phải đưa đón và bế em lên lớp do một chân của Thảo bị teo không thể đi lại được. Từ lớp 1 đến lớp 9, số lần đi bệnh viện của Thảo còn nhiều hơn đến trường. Trung bình cứ 1 tuần, Thảo lại ra Hà Nội để các bác sĩ kiểm tra tình hình sức khỏe và tiêm truyền. Hiện nay, sức khỏe Thảo dần ổn định, số lần đi thăm khám theo định kỳ là 3 tháng/lần. Tuy nhiên, mỗi lần tiêm truyền, cơ thể Thảo rất yếu, muốn đi lại cần phải có người dìu hoặc bế.
Dù sức khỏe yếu, vận động khó khăn nhưng không vì vậy mà em bỏ cuộc. Để bổ sung kiến thức thiếu hụt, Thảo lúc nào cũng mang theo bên mình sách vở đến bệnh viện. Về nhà, em tranh thủ hỏi thêm thầy cô bạn bè và tự ôn tập bài vở.
“Em luôn tự nhủ bản thân phải nỗ lực hơn những bạn bình thường để theo kịp chương trình học và thực hiện ước mơ của mình. Em hy vọng trong tương lai sẽ có công việc ổn định, không chỉ bảo đảm cuộc sống bản thân mà còn có thể phụ giúp mẹ và các anh chị. Em nộp hồ sơ đăng ký vào chuyên ngành Luật Kinh tế – Học viện Chính sách và Phát triển để trở thành nữ luật sư trong tương lai”, Thảo dự tính.
Nhận xét về học trò của mình, cô Nguyễn Thị Thanh Hoài – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Mặc dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhiều lúc đau đớn, mệt nhọc nhưng Thảo chưa bao giờ thể hiện ra bên ngoài. Em luôn chứng tỏ nghị lực, lạc quan và hòa đồng với bạn bè, vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động của trường, lớp. Em là tấm gương sáng về nghị lực để các bạn học tập. Về phía nhà trường và lớp, luôn tạo điều kiện và thường xuyên động viên, giúp đỡ em trong học tập”.
Theo báo Giáo dục và Thời đại