(ĐHVO). Điểm qua những cây bút sáng tác về dân tộc thiểu số ở “Thủ đô gió ngàn”, không thể không nhắc tới nữ nhà văn quân đội có sự nghiệp văn chương khá nổi trội – Bùi Thị Như Lan. Chị là lớp nhà văn trưởng thành có nhiều đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại.
Là một trong những nữ nhà văn đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, cây bút nữ dân tộc thiếu số ấy thể hiện sức viết khỏe qua số lượng tác phẩm mà chị đã xuất bản: 8 tập truyện ngắn, 1 tập bút ký; 2 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn đăng báo khác. Chất dân tộc miền núi thể hiện ngay trên những tên truyện của chị: Mùa hoa gắm, Lời Sli vắt ngang núi, Bồng bềnh sương núi, Cây thiêng trong lũng núi, Chuyện bên dòng nậm ún, Tiếng kèn Pí lè, Nắng ngọt, Bạn toồng, Gió thổi qua rừng, Mây trôi, Mưa bay về phía trời xa,…
Nhà văn Bùi Thị Như Lan (bên phải) cùng nhà văn Đỗ Thị Hiền Hòa trong Hội thảo về văn học do Hội Nhà văn tổ chức
Chắc hẳn, những ai đã từng đọc truyện của chị sẽ khó có thể quên được những sắc màu, đường nét, mùi vị rất riêng của không gian rừng núi, chẳng hạn: chất dân gian trong truyện ngắn “Hoa mía” đã tạo một không khí như nửa thức, nửa mơ; nửa hiện đại, nửa hoang sơ; nửa hiện thực, nửa huyền ảo. Truyện “Tiếng kèn Pílè” lại phản ánh cuộc sống mưu sinh vất vả của người miền núi nhưng cũng đầy sự lãng mạn, nặng tình yêu thương, bao dung, nhân ái và cao thượng. Rồi truyện “Lá bùa đỏ” – Lá bùa định mệnh biến gã trai bản hồn nhiên như cây cỏ trải những thăng trầm, lĩnh án tù bởi sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Sự trở về sau khi thụ án của Lình đã khép lại một trang buồn để mở tiếp những trang vui. Kết thúc truyện của Bùi Thị Như Lan không phải lúc nào cũng có hậu, nhiều chuyện kết thúc bằng sự mất mát, thương đau.
Tác phẩm của Bùi Thị Như Lan phản ánh cuộc sống của người dân tộc miền núi với những cảnh đời, số phận trong mưu sinh vất vả nhưng cũng đầy lãng mạn và triết lý về lẽ đời (như trong Tiếng kèn Pí lè; Lời Sli vắt ngang núi; Bạn toồng; Gió thổi qua rừng;..) Bản sắc dân tộc đậm đà trong sáng tác của Như Lan được thể hiện từ nội dung phản ánh đến nghệ thuật thể hiện. Chị hướng ngòi bút của mình vào việc phản ánh những nét đẹp về thiên nhiên cùng những phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.
Với cách sử dụng ngôn từ, lời văn nghệ thuật trong tác phẩm, Bùi Thị Như Lan đã tạo cho mình một sức hấp dẫn riêng, dung dị, đằm thắm và “không thể lẫn lộn”. Tác giả đã thành công trong việc sử dụng hình ảnh giàu chất nhạc: “Sương bồng bềnh, dênh dang, từng vốc, từng nắm ùa ập vào người lành lạnh, rồi lại nhẹ nhàng tản ra, nhởn nhơ đậu vào mái tóc dài búi nặng trịch sau gáy của em, giống như trò chơi đuổi bắt.” (Mây trôi). Bùi Thị Như Lan đã phát huy vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc trong không gian nghệ thuật đặc trưng là phong cảnh và cuộc sống miền. Khả năng sáng tạo trong ngôn từ của chị đã làm giàu cho kho tàng ngôn ngữ dân tộc. Điều đó khiến tác phẩm của chị có một nét rất riêng bên cạnh những nét chung của các cây bút dân tộc thiểu số khác.
Vốn là một người phụ nữ dân tộc thiểu số, lại là một người lính, là nhà văn, nhà báo quân đội khu vực miền núi – Bùi Thị Như Lan đã có am hiểu sâu về con người và môi trường sống ở vùng cao. Đọc tác phẩm của chị qua cách xưng hô thân mật trong gia đình người dân tộc thiểu số như pá (bố), mé (mẹ đẻ),… để thấy được cái hồn của nhà văn, cái hồn của những con người miền núi. Nhà văn Ma Trường Nguyên – Chủ tịch hội Văn học dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đã nhận xét: “Như Lan là một trong những cây bút viết truyện ngắn xuất sắc của tỉnh Thái Nguyên.
Chất dân tộc thiểu số trong sáng tác của Như Lan đặc biệt lắm! Riêng lắm!” Phải chăng đó là lời sẻ chia ngắn gọn ấy thôi cũng đủ để đánh giá đúng, trúng và tinh tế của đồng nghiệp về tác phẩm của chị. Điều đặc biệt, các nhà phê bình và bạn văn thường nói chị “có duyên” đạt giải thưởng: Giải Ba (Không có giải nhất) cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2011); Giải Ba cuộc thi Truyện ngắn của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1999); Giải Nhì (không có giải nhất) Cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí Văn hóa các dân tộc (2004); Giải Ba cuộc thi Truyện ngắn, bút ký, phóng sự về Ngành Giáo dục của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012); Giải A tập truyện cuộc thi sáng tác văn học của tỉnh Thái Nguyên (2007); Giải B tập truyện của tỉnh Thái Nguyên (2012); Giải Ba Tập Bút ký cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài giao thông của Hội Nhà văn phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (2015); Giải Ba Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Than – Khoáng sản của Hội Nhà văn phối hợp với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (2016),.. Từ giải thưởng quốc gia và khu vực ấy, cái tên Bùi Thị Như Lan được nhắc tới trong các công trình nghiên cứu về Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại như: “Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại” (của Lâm Tiến), “Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại – một số đặc điểm” (của Trần Thị Việt Trung – Cao Thị Hảo), “Hiện đại mà dân tộc” (của Ma Trường Nguyên), “Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam” (của Đào Thủy Nguyên, Dương Thu Hằng)…
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị không ngần ngại “bật mí” về cuốn tiểu thuyết chuẩn bị xuất bản có cái tên “Sương trôi”. Nội dung tiểu thuyết “hé lộ” nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm của chị trong suốt cuộc đời cầm bút. Tâm huyết đối với đề tài viết về dân tộc miền núi, cùng với các nhà văn nơi “Thủ đô gió ngàn”, Bùi Thị Như Lan đã tạo cho mình một sức hấp dẫn riêng – dung dị, đằm thắm không thể lẫn lộn. Thành quả của lao động nghệ thuật miệt mài và tâm huyết về mảng đề tài dân tộc thiểu số đã trở thành điểm dấu cho một bước trưởng thành rất đáng ghi nhận, khẳng định những đóng góp riêng đáng trân trọng của chị đối với văn học dân tộc thiểu số nói chung, văn xuôi dân tộc thiểu số nói riêng.
Xuân Phương