Nữ Giám đốc hơn 40 năm lắng nghe cuộc sống bằng ánh mắt

(ĐHVO). “Phần lớn truyền thông đang nhìn người khuyết tật theo hai hướng: bi thương hóa hoặc anh hùng hóa”.  Trước khi gặp chị Hạnh, tôi đã từng tham gia vào nhiều hành trình với người khuyết tật và vẫn cho rằng họ chỉ làm được một số công việc nhất định. Nhưng không, “đóa hồng” ấy vẫn đang bước đi đầy mạnh mẽ, làm những việc không thể thành có thể, và sống như thể “vì tôi được sống”.

Chị Dương Phương Hạnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục người khiếm thính (CED) nghe cuộc sống bằng ánh mắt, bằng tay, bằng đôi môi của người đối diện và đi học, kiếm sống, giao lưu, trải nghiệm, thành lập doanh nghiệp, điều hành CED) – đơn vị đào tạo, kết nối người nghe bình thường và người khiếm thính lại với nhau.

Chị Dương Phương Hạnh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục người khiếm thính (CED)

Ít ai biết, đằng sau hình ảnh người phụ nữ đi vòng quanh thế giới học tập và nghiên cứu các phương pháp hỗ trợ cho người khiếm thính mà nhiều người ngưỡng mộ lại là một người bị khiếm thính. Lúc lên 6 tuổi do trải qua một cơn bạo bệnh nhưng không được chữa trị đúng cách nên bị giảm thính lực khiến chị không thể nghe được.

Vượt qua tất cả và những việc chị làm với một tinh thần rất lạc quan và luôn tin là mình sẽ thành công. Ngay cả khi người ta chưa biết chị là ai, người ta không tin là một người khiếm thính có thể giao tiếp và làm được các công việc bình thường như những người khác. Nhưng chị Hạnh đã chứng minh được không điều gì là không thể…

PV: Thưa chị, điều gì mang đến cho chị niềm tin to lớn như thế, để giúp chị luôn đi theo ánh mặt trời?

Điều đơn giản nhất tôi có thể nói là tôi biết mình đang làm điều mình có thể làm được. Và khi tôi làm được điều gì đó, tôi thấy hạnh phúc, tôi thấy tự tin, vậy vì lý do gì tôi không tiếp tục dấn thân, phấn đấu hơn, để bản thân liên tục phát triển.

Như bạn thấy đấy, đại dịch Covid-19 mở ra trước những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi một thế giới xáo động đầy bất ổn. Mỗi ngày, bản tin thế giới là số người tử vong trên nhiều quốc gia, số người mới nhiễm vẫn tiếp tục tăng lên, rồi đâu đó ngay quanh mình những người đột ngột trở thành F1, F2. Việc học của nhiều nước ngưng trệ, nhiều ngành kinh tế lao dốc, số người giảm thu nhập, thất nhiệp tăng vọt…

Nhưng rồi thì sao, cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, dù mai kia hay đâu đó là thảm hoạ, ngay cả những con đường cũng không còn bằng phẳng, chúng ta vẫn cứ cần phải đi. Như tôi, dù có không may bị khiếm thính, nhưng tôi vẫn cần phải lắng nghe. Tôi hiểu, hiểu đôi tai sinh ra là để lắng nghe, nghe không được thì lắng nghe cuộc sống bằng môi, bằng mắt, bằng tim cũng là nghe.


PV: Chị có chia sẻ rằng, tia sáng cuối đường hầm mà chị tìm thấy là việc thành lập CED, làm việc cho cộng đồng người khiếm thính. Nhưng sự lạc quan của chị, phong cách sống cống hiến cho cộng đồng của chị là từ bản thân mà ra, hay được truyền cảm hừng từ một người nào đó?

Tôi được truyền cảm hứng từ những người đồng cảnh trên thế giới mà tôi biết và làm việc cùng. Năm 2006, tôi tham gia vào dự án “Chuyến bay vòng quanh thế giới vì người khiếm thính” và hai năm sau được mời báo cáo. Trước khi tham gia dự án, tôi làm công việc biên dịch tiếng Anh, sau khi tham gia dự án, tôi là điều phối viên về lĩnh vực khiếm thính của một tổ chức Phi chính phủ. Tôi được chọn báo cáo vì “CÓ SỰ CAM KẾT”.

Chính từ những cơ hội và được khích lệ, tôi có đủ tự tin và nhìn ra công việc phù hợp với bản thân, dù bị mất thính lực nhưng vẫn có ý nghĩa cho cuộc sống.

PV: Khi còn nhỏ, trong lúc mới biết mình mất khả năng nghe chị có mạnh mẽ, đặc biệt có đủ “sức đề kháng” với những bình luận khiếm nhã?

Lúc đó tôi chỉ là một đứa trẻ và không suy nghĩ nhiều. Tôi cũng có khóc khi nghe ai đó nói “bộ điếc hả”, cũng có khi tôi đánh người nói. Tôi dữ lắm…! (cười)

PV: Nhiều người nói về việc chị là một “bác sĩ tâm lý” từ chính câu chuyện của mình. Chị có ngại không nếu chia sẻ?

Nói thật, tôi được mời làm diễn giả chia sẻ về câu chuyện cuộc đời mình cũng khá khá và được nhận xét là người truyền cảm hứng. Mỗi lần nghe được như vậy, tôi vui lắm không phải vì được khen mà vì mình làm cho ai đó có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Còn hạnh phúc nào bằng, phải không? Tôi rất muốn chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình cho các phụ huynh, cho các bạn khiếm thính,… để họ có lòng tin là “Mọi việc đều có thể” và rằng “người khiếm thính luôn có tương lai, hãy nỗ lực hết sức”.

Có những vết thương không bao giờ lành. Khi bạn biết trân trọng bản thân thì cả thế giới cũng sẽ bắt đầu trân trọng bạn. Mong sao với những điều quan tâm ấy sẽ trở thành bàn tay giữ lấy nguời khác khi rơi vào tuyệt vọng, sẽ trở thành khoảng lặng để họ có thể tạm dừng chân giữa những hỗn độn ồn ào của cuộc sống.

PV: Hành trình trưởng thành của một người phụ nữ không thể nghe được có ảnh hưởng gì không? Chị chia sẻ đôi chút về lần chị cảm thấy nản lòng và được một ai đó kéo lên?

Tôi tự kéo mình lên trong hàng vạn lúc nản lòng, thật lòng chia sẻ như thế. Tôi may mắn có được sự thương yêu tin tưởng của cha, mẹ và các chị em. Tôi được truyền sức mạnh ý chí từ cha, sức chịu đựng của mẹ. Ba mẹ tôi luôn khuyến khích tôi phải chịu cực khổ, nỗ lực học tập, lao động: “Con cứ cố hết sức, thành công hay thất bại không quan trọng. Nếu thành công, thì vẫn phải làm cho tốt hơn. Nếu thất bại thì học được bài học kinh nghiệm rồi tìm hướng khác, miễn đừng bỏ cuộc”.

Chị Hạnh thuyết trình về phương pháp giao tiếp với người khiếm thính tại Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý

Chị Dương Phương Hạnh đang chia sẻ với trẻ em khiếm thính

PV: Có rất nhiều thế hệ học viên đã lắng nghe cuộc sống và hoà nhập được với cộng đồng nhờ CED, chị có thể nói về hành trình đầy năng lượng đó của một học viên mà chị ấn tượng không?

Học trò CED thì ai cũng ấn tượng cả (cười). Các em đến với CED 100% hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc là mất thính rất sâu, những nơi khác không dạy được. Tuy nhiên có em T.T thì đúng là câu chuyện thành công của CED. Em bị đa tật bẩm sinh. 5 tuổi chưa biết đi. 6 tuổi tập đi, 7 tuổi mới vào CED. 1 năm sau em ra hòa nhập và học rất tốt. Một em khác là B.K. Em theo học CED lúc 4 tuổi, từ khi CED mới thành lập. Khi em 6 tuổi, tất cả người trong gia đình, cô Hiệu trưởng Mầm non, giáo viên lớp lá, đều khuyên nên cho em học lại mẫu giáo 1 năm nữa. Mẹ thì hoang mang đem tâm sự hỏi cô Hạnh. Tôi nói: “Thà ở lại lớp 1 còn hơn học hai năm lớp lá mẫu giáo”. Và cuối cùng, em chẳng những học được mà còn học giỏi, luôn là học sinh giỏi của lớp. Hiện giờ em thuộc top 5 học sinh xuất sắc lớp 8.

PV: CED đã là một gia đình của rất nhiều người bị khiếm thính, chị có thể chia sẻ thêm về dự dịnh của chị để xây dưng gia đình chung ấy ngày càng ấm áp và kết nối được nhiều người hơn không?

Cảm ơn câu hỏi hay. CED đúng là gia đình của nhiều bé trong gần 10 năm qua. Tôi đang muốn kêu gọi sự chung tay của những nhà chuyên môn với mong muốn đổi mới văn hóa và hoạt động của CED để tránh nhàm chán. Hy vọng rằng người đọc bài này có quan tâm, mong muốn đóng góp gì cho xã hội và thấy năng lực chuyên môn phù hợp sẽ liên lạc với tôi. Tôi vẫn luôn tin tưởng: “Có duyên nhất định sẽ có phận”.

Một hành trình tích lũy và cống hiến thật đặc biệt đã giúp chị tìm được ánh mặt trời của mình. Xin cảm ơn chị rất nhiều vì những chia sẻ chân thành này!

Châu Phong

Bài viết liên quan

80

CHÚNG TA SẼ HỒI SINH MẠNH MẼ

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – MỘT NHÀ BÁO CÁCH MẠNG LỖI LẠC SỐNG MÃI VỚI THỜI GIAN

bà lịch - PX

Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp: Trợ giúp pháp lý thành công cho người nghèo, người khuyết tật

Song-vinh-quan-giu-doi-thuo

Cảm phục tấm gương nữ thương binh vinh dự được Thủ tướng tuyên dương

IMG_0144

Tấm gương thương binh tỷ phú ở Nông trường Mộc Châu

nam

Hà Nam: Phát huy vai trò “Tuổi cao – Gương sáng” của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang